(Tổ Quốc) - An Giang tổ chức lấy phiếu bình chọn phương án thiết kế biểu trưng và khẩu hiệu du lịch; Đánh giá thực trạng và đề xuất đặt tên cho các đảo, hòn đảo tỉnh Kiên Giang … là những thông tin văn hóa và du lịch đáng chú ý tại một số tỉnh Tây Nam Bộ.
An Giang tổ chức lấy phiếu bình chọn phương án thiết kế biểu trưng và khẩu hiệu du lịch
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng Phiếu khảo sát trực tuyến đối với 06 mẫu biểu trưng (logo) và khẩu hiệu (slogan) đã được chấm đạt giải trong cuộc bình chọn sáng tác Biểu trưng (logo) và Khẩu hiệu (slogan) du lịch An Giang năm 2017. Qua Phiếu khảo sát nhằm thu thập ý kiến của các cơ quan Đảng, đoàn thể; các Sở, ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân 11 huyện, thị xã, thành phố và nhân dân về các phương án thiết kế biểu trưng và khẩu hiệu du lịch An Giang.
Để bình chọn phương án thiết kế biểu trưng và khẩu hiệu du lịch An Giang, xin vui lòng thực hiện Phiếu khảo sát, thu thập ý kiến tại đường dẫn:http://bit.ly/logodulich. Thời gian bình chọn trực tuyến từ ngày 10/02/2020 đến ngày 31/03/2020.
Đánh giá thực trạng và đề xuất đặt tên cho các đảo, hòn đảo tỉnh Kiên Giang
Là chủ đề hội thảo khoa học vừa được Bảo tàng tỉnh tổ chức. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ của đề tài "Nghiên cứu thực trạng địa danh các đảo, hòn đảo thuộc vùng biển Kiên Giang" do Bảo tàng tỉnh chủ trì, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệp Mai - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao làm chủ nhiệm.
Theo nhóm nghiên cứu đề tài thông tin, đến nay nhóm cơ bản xác định 148 đảo, hòn đảo trên địa bàn tỉnh, thuộc 4 huyện, thành phố, trong đó 41 đảo có dân cư và 123 hòn đảo nổi. Đặc biệt, khảo sát, rà soát lần này, nhóm nghiên cứu phát hiện thêm 10 đảo mới và xác định 5 đảo có tên trên bản đồ hành chính nhưng không hiện hữu, nhóm sẽ đề xuất cấp thẩm quyền rà soát để bỏ tên các đảo này trên bản đồ hành chính của tỉnh. Trên cơ sở tổng hợp thông tin khảo sát thực tế, nhóm nghiên cứu lập được danh mục các đảo, hòn đảo hiện có; xác định tọa độ, vị trí địa lý, dân cư, diện tích, địa hình sơ bộ của các đảo, hòn đảo. Qua đó thống kê có 51 đảo, hòn đảo cần được thống nhất lại tên gọi (do có nhiều tên, chưa thống nhất) hoặc đặt tên mới (do chưa có tên); nhóm đã lập danh mục cần đặt tên và đề xuất tên gọi chính thức cho 51 đảo, hòn đảo này.
Bạc Liêu: Trao giải cuộc thi Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"
Qua hơn 7 tháng phát động, Ban tổ chức cuộc thi Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" năm 2019 (gọi tắt là cuộc thi) đã nhận được 173 tác phẩm của 66 tác giả, nhóm tác giả. Đây có thể nói là những thông điệp ý nghĩa để việc học Bác gần gũi, thiết thực hơn từ lăng kính của văn chương, báo chí…
Đa số các tác phẩm dự thi đã bám sát thể lệ và phản ánh kịp thời những cách làm mới, mô hình hay, hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân, những gương người tốt - việc tốt, những điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Có nhiều tác phẩm được tác giả đầu tư rất tỉ mỉ, văn phong mạch lạc, ca từ trong sáng, hình ảnh sắc nét… Cách khai thác, thể hiện tác phẩm khá tốt, nhất là những đặc thù riêng của từng chuyên ngành. Chủ đề của các tác phẩm dự thi đã phản ánh toàn diện các mặt về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của địa phương hiện nay.
"Nâng cao giá trị niềm tin của nhân dân đối với Đảng" của nhóm tác giả Hoàng Lam - Hữu Thọ (Báo Bạc Liêu) đoạt giải A thể loại báo in.
Nhiều tác phẩm điển hình như: "Nặng nghĩa mâm cơm ngày giỗ Bác" của tác giả Lâm Anh (Báo Bạc Liêu); "Trọng dân, cầu thị lắng nghe dân để giải quyết yêu cầu, khiếu nại của dân" của tác giả Tấn Đạt (Báo Bạc Liêu); "Thượng tọa Tăng Sa Vông làm theo gương Bác" của nhóm tác giả Văn Út - Huy Thống (Đài PT-TH Bạc Liêu)… đều gây ấn tượng đặc biệt khi viết về Bác một cách gần gũi, bình dị như chính tư cách, tác phong, đạo đức của Người!
Nhìn chung, cuộc thi đã chọn lọc được những thông điệp ý nghĩa, đều là những tư liệu giá trị, là sự khơi nguồn, nhắc nhớ, động viên, thôi thúc để người người học và làm theo gương Bác.