• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thú cưng Hà Nội “sơ tán” tránh “bão” sốt xuất huyết

Sức khỏe 30/07/2017 06:00

(Tổ Quốc) -Nhiều khu vực dân cư trên "điểm nóng" của dịch sốt xuất huyết thuộc quận Đống Đa, Hà Nội được phun thuốc diệt muỗi phòng dịch lây lan. Nhiều thú cưng được gia chủ đưa đi tránh thuốc diệt muỗi.

Theo Trung tâm y tế dự phòng TP, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội năm nay đến sớm và diễn biến rất phức tạp khi số người mắc tăng cao, nhiều trường hợp biến chứng nặng. Trong tuần từ 17-23.7, Hà Nội ghi nhận 1.389 trường hợp mắc bệnh. Các quận có tỷ lệ mắc cao là Hoàng Mai, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hà Đông, Ba Đình.

Quận Đống Đa là nơi có nhiều ca bệnh nhất (hơn 2.000 ca). Để đảm bảo công tác phun thuốc diệt muỗi phòng chống dịch đang lan rộng, Trung tâm Y tế dự phòng phối hợp với các phường khoanh vùng dịch và vùng nguy cơ lây nhiễm để đạt hiệu quả cao nhất.

Theo ông Hà Tấn Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng và Côn trùng thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, "Trung tâm đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch như tổ chức vệ sinh môi trường, hướng dẫn hộ gia đình kiểm tra kiểm soát xử lý, phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành để ngăn tình trạng muỗi đốt người. Ngoài ra cần tăng cường giám sát người bị sốt xuất huyết, giám sát côn trùng, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất cho công tác phòng chống dịch".

Trước khi phun hóa chất, tổ công tác của Trung tâm y tế thông báo bằng loa và đến từng hộ gia đình vận động người dân ra ngoài, nhà, che đậy đồ ăn... Sau khi phun thuốc 30 phút mới được vào nhà.

Nhân viên y tế và cán bộ phường đi vào từng ngõ nhỏ để phổ biến đến từng hộ dân.

Hoá chất được sử dụng có mức độ an toàn tuyệt đối với người và động vật nuôi. Hóa chất và máy phun đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Buổi phun hóa chất được chia thành nhiều nhóm nhỏ (3-10 người) đến từng hộ dân. Các cán bộ phòng dịch sẽ phun hóa chất từ tầng cao nhất trở xuống, phủ kín mọi ngóc ngách.

 Trước khi phun cần mở cửa thông phòng, đậy kín thức ăn, vật dụng sinh hoạt hàng ngày, chim, cá cảnh, vật nuôi, người phải sơ tán ra khỏi nhà.

Ban ngày luôn có khoảng 20 công nhân và 20 máy hoạt động hết công suất trên những địa bàn đã lên kế hoạch. Ban đêm khi đường phố vắng vẻ sẽ có máy phun công suất lớn phun ở ngoài đường và ngõ ngách hoặc bên ngoại thành Hà Nội.

"Khi lượng hóa chất đã hết trong không khí, môi trường xung quanh vẫn tồn tại muỗi mang mầm bệnh thì chúng có thể tiếp tục bay vào nhà, đốt người. Như vậy, nguy cơ mắc sốt xuất huyết có thể xảy ra. Vì vậy, người dân cần có ý thức diệt loăng quăng, bọ gậy và loại bỏ hết các nơi có nước đọng", ông Dũng chia sẻ.

Nhân viên y tế kiểm tra và hướng dẫn người dân kiểm tra những nơi ẩm thấp, tối tăm, nước đọng là nơi muỗi có thể ẩn lấp và sinh sôi.
"Trước khi đoàn công tác tiến hành phun thuốc diệt muỗi, các hộ gia đình đã được phổ biến cách đó một tháng. Tại địa bàn phường đã được phun lần 2. Cả tổ 100% người dân ủng hộ" ông Hoàng Xuân Ngạc tổ trưởng tổ 3 phường Thịnh Quang, Đống Đa, cho biết.

Trong quá trình phun gặp nhiều trở ngại, không ít trường hợp người dân vắng nhà không có mặt trong thời điểm đoạn đi phun thuốc. Một số người dân không hợp tác do chưa hiểu biết được lợi ích của việc phun hóa chất, cũng có gia đình tự phun, gia đình vướng bận công việc, có con nhỏ người ốm, kinh doanh hàng ăn uống... Những trường hợp trên có lực lượng chức năng thuyết phục và giải thích cho các hộ dân hiểu thêm về việc phun thuốc phòng dịch.

Nam Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ