(Tổ Quốc) - Theo Nikkei Asia, công nghệ phát triển xanh cũng cần được quan tâm và các tổ chức hỗ trợ trong khu vực cũng có thể giúp đỡ điều này.
Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc vào cuối năm ngoái tại Ai Cập đã tập trung vào việc biến đổi khí hậu đang phá vỡ sự phát triển bền vững của các cộng đồng trên toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Khu vực này rất dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu và ngày càng phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra.
12 tháng qua đã là những lời nhắc nhở rõ ràng về tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Từ lũ lụt ở Pakistan, hạn hán nghiêm trọng ở Trung Quốc và các cơn bão nhiệt đới ở các quốc đảo Thái Bình Dương đến bão ở Philippines. Thiên tai khắc nghiệt đã khiến hàng trăm triệu người nghèo và dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, chống biến đổi khí hậu vẫn là một thách thức đối với các cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương khi tìm cách cân bằng giữa bảo vệ khí hậu với phát triển kinh tế. Hiện tại, phục hồi và tăng trưởng kinh tế vẫn là những ưu tiên chính khi khu vực này đang khắc phục những thiệt hại kinh tế xã hội do đại dịch gây ra. Đồng thời, châu Á-Thái Bình Dương cũng cần giải quyết những thách thức phát triển cấp bách như chênh lệch giới tính, trình độ học vấn chưa đồng đều và bất bình đẳng thu nhập.
Cấp bách phải thực hiện phát triển xanh
Tuy nhiên, để hạn chế những tác động của biến đổi khí hậu, châu Á-Thái Bình Dương cũng đã có những nỗ lực bảo vệ môi trường và để ngăn chặn đà tăng của nhiệt độ toàn cầu. Để tiếp tục những nỗ lực này, hai chuyên gia hàng đầu về môi trường châu Á Marija Ralic và Tristan Ace cho rằng điều quan trọng là phải xem xét các chiến lược đối phó phù hợp với từng khu vực và cộng đồng bản địa. Trên thực tế, các công nghệ xanh có thể lấy cảm hứng từ các tập quán bản địa.
Ví dụ, ở các khu vực dễ bị lũ lụt và hạn hán ở Bangladesh, nhiều kỹ thuật thích ứng với biến đổi khí hậu đang được thực hiện, bao gồm việc gieo các luống hạt nổi trong điều kiện ngập úng, xây dựng các bệ nổi để sử dụng làm nơi trú ẩn cho gia súc trong lũ lụt, kè đất được hỗ trợ bởi hàng rào tre và trồng cỏ để giảm xói mòn do lũ lụt, xây dựng hệ thống thoát nước xung quanh nhà dân để chống nhiễm mặn cho đất, hệ thống cảnh báo sớm lốc xoáy ở vùng ven biển và chuyển đổi thời vụ canh tác để tránh lũ lụt.
Việc phát triển các công nghệ khí hậu cũng có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang phát thải bằng 0 thông qua phát triển các cơ sở phát điện gió và mặt trời một cách tối tân nhưng lại tiết kiệm nhất. Từ đó giảm khoảng cách về chi phí năng lượng (bao gồm lắp đặt, vận hành và bảo trì) năng lượng bền vững và năng lượng hóa thạch.
Trong khi đó, tiềm năng giảm lượng khí thải carbon trong phương tiện giao thông có thể được hiện thực hóa bằng cách thúc đẩy xe điện ở các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan.
Các quốc gia ở Nam bán cầu cũng đang coi tăng trưởng xanh như một con đường dẫn đến một tương lai bền vững. Để làm như vậy, họ phải thúc đẩy đầu tư và đổi mới để củng cố tăng trưởng bền vững và tạo ra các cơ hội kinh tế mới.
Thu hút thêm tài chính cho chuyển đổi xanh
Gần đây, những dự án đổi mới xanh và công nghệ bền vững đã phát triển được các giải pháp thân thiện với khí hậu như trồng rong biển để làm nhiên liệu sinh học, vải hấp thu năng lượng mặt trời hay máy phát điện thang máy. Nếu không có đủ nguồn tài chính, những đổi mới xanh có thể đã không được ra đời.
Google.org Impact Challenge on Climate Innovation, một quỹ do Google điều hành, đã cam kết tài trợ 30 triệu USD cho các dự án phát triển công nghệ xanh và hành động về khí hậu.
Trong khi đó, Mạng lưới từ thiện mạo hiểm châu Á (AVPN) cũng nhận thấy các quốc gia Đông Nam Á đang tìm cách huy động nguồn tài chính bền vững để đảm bảo quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp và tạo ra sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các dòng tài chính.
Về vấn đề này, các tổ chức như AVPN, với sự hỗ trợ của Google.org và Ngân hàng Phát triển Châu Á, đã ra mắt Quỹ hạt giống bền vững APAC nhằm hỗ trợ sự đổi mới ở các cộng đồng địa phương để giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Quỹ này sẽ cung cấp các khoản tài trợ để mở rộng quy mô đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực như tăng khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo và khử cacbon, cải thiện chất lượng không khí và bảo tồn nước.
Nói rộng hơn, các tổ chức hỗ trợ ở châu Á đang thực hiện một cách tiếp cận ngày càng có cấu trúc hơn nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường trong khu vực. Ví dụ, Ngân hàng phát triển châu Á ADB cũng đang xem xét hỗ trợ tài chính bền vững cho phụ nữ trên khắp châu Á để chống lại biến đổi khí hậu.
Có thể thấy, hoạt động hỗ trợ cho khí hậu còn non trẻ nhưng đang phát triển ở châu Á và ngày càng có những cách tiếp cận sáng tạo. Các khu vực tư nhân cũng đang cho thấy một vai trò tích cực trong hỗ trợ tài chính chống biến đổi khí hậu. Chính phủ các nước trong khu vực cũng cần khuyến khích thêm khu vực tư nhân chuyển từ các khoản đầu tư dựa trên lợi nhuận sang các khoản đầu tư hướng tới tạo ra giá trị xã hội và môi trường.