• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thử lửa Syria, Libya: Lí giải quân sự Nga vượt Mỹ?

Thế giới 14/08/2018 08:34

(Tổ Quốc) - Hoa Kỳ sẽ chi 700 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2018, vượt trội so với con số khoảng 66 tỷ USD của Nga – một xu hướng đã diễn ra trong suốt 25 năm qua.

Hoa Kỳ sẽ chi 700 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2018, vượt trội so với con số khoảng 66 tỷ USD của Nga – một xu hướng đã diễn ra trong suốt 25 năm qua.

Tuy nhiên, quân đội Nga đã tương đối thành công trong các cuộc xung đột gần đây, trong khi lực lượng vũ trang Mỹ thì chưa làm được. Các cuộc chiến tranh của Mỹ tại Afghanistan và Iraq đã kéo theo bất đồng trong nhiều năm qua, so với những chiến thắng nhanh chóng của Nga tại Gruzia và Ukraine, theo cây viết John Ruehl nhận định trong một bài viết cho Viện nghiên cứu Lowy.

Mỹ gặp khó tại Trung Đông

Sự can thiệp ngắn ngủi của Mỹ trong cuộc nội chiến Libya cũng là một sai lầm khác, trong khi sự can thiệp dài hạn của Nga trong cuộc nội chiến Syria đang cho thấy sẽ là một thành công. Theo John Ruehl, về tổng thể quân đội Nga yếu hơn quân đội Mỹ, nhưng các quyết sách chưa phù hợp của các chính quyền Mỹ đã làm suy yếu quyền lực của nước này.

Cuộc chiến ở Afghanistan, sắp bước vào năm thứ 18, đang là cuộc xung đột dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Các lực lượng do Mỹ lãnh đạo dẫn đầu được triển khai tới đây nhằm nhổ tận gốc Taliban ra khỏi các thành phố lớn, tuy nhiên, đã bị vây hãm trong các cuộc chiến đấu du kích khi Taliban vẫn kiểm soát và đang hiện diện để giành quyền nắm giữ nhiều vùng lãnh thổ tại Afghanistan.

Trong cuộc chiến Iraq năm 2003, lực lượng Mỹ nhanh chóng đánh bại quân đội Iraq. Tuy nhiên, sau đó họ lại rơi vào một vòng xoáy bất ổn tại đây. Lúc này, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang cố gắng hỗ trợ xây dựng một chính phủ dân chủ có khả năng điều hành đất nước.

Nhiệm vụ này cũng đã được chứng minh là chưa hiệu quả khi để lại một Iraq bị chia rẽ sâu sắc với một chính phủ hiện đang có quan hệ tốt đẹp với Iran.

Những bước đi quân sự hiệu quả của Nga

Những diễn biến trên trái ngược với Nga. Trong năm 2008, Nga đã triển khai hoạt động quân sự chống Gruzia sau khi quân đội Gruzia tấn công Nam Ossetia vào rạng sáng cùng ngày. Thủ phủ của Nam Ossetia là thành phố Tskhinvali bị quân đội Gruzia phá hủy.

Nga đã quyết định thực hiện chiến dịch trên là nhằm bảo vệ người dân tại Nam Ossestia, trong số này có nhiều người mang quốc tịch Nga. Nga đã rút quân sau một thỏa thuận hòa bình do Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy làm trung gian. Tuy nhiên, Moscow vẫn công nhận sự độc lập của các khu vực ly khai Abkhazia và Nam Ossetia.

Quân đội Nga đã có những bước đi thành công trong các cuộc can dự gần đây.

Vào năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine, sau khi một cuộc khủng hoảng chính trị khiến chính phủ thân Nga tại Ukraine sụp đổ. Bán đảo Crimea có rất nhiều người gốc Nga và họ được cho là cũng hoan nghênh việc sáp nhập vào Nga.

Hiện tại, phương Tây cũng đang cáo buộc Nga hỗ trợ lực lượng li khai ở miền đông Ukraine cả về nhân lực và vũ khí. Moscow hoàn toàn bác bỏ điều này.

Sau những căng thẳng này, cả Gruzia và Ukraine hiện đều chưa đủ điều kiện để gia nhập NATO.

Nga đảo ngược thế trận Mỹ

Trong vài năm qua, cả Nga và Mỹ đã can thiệp vào các cuộc xung đột ở Trung Đông. Các lực lượng Mỹ được cho là đã thành công trong việc lật đổ chính phủ Libya trong xung đột năm 2011. Tuy nhiên, Libya sau đó đã rơi vào tình thế bất ổn. Vấn đề này đã khiến nhiều thành viên NATO chia rẽ, trong khi cũng gia tăng cuộc cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu, và để lại nhiều câu hỏi về động cơ và kế hoạch của Mỹ nhằm giảm quyết cuộc xung đột hiện tại ở Libya.

Theo cây viết John Ruehl, sự can thiệp lâu dài của Nga tại Syria tương tự như của Mỹ ở Libya, theo nghĩa chủ yếu sử dụng lực lượng không quân và hải quân để giúp đảo ngược cuộc nội chiến. Một sự khác biệt quan trọng là Nga đã can thiệp thay mặt chính phủ Syria sau khi Damascus gặp rất nhiều thất bại. Và sau sự hỗ trợ của Nga, chính phủ Syria đã lấy lại phần lớn lãnh thổ đã mất.

Nga không tìm cách xây dựng một quốc gia, cũng không cố gắng kiểm soát một cuộc nổi dậy. Cả hai điều này là trách nhiệm của chính phủ Syria - mà sự sống còn đang phụ thuộc vào hỗ trợ quân sự của Nga. Trước tình thế này, Nga sẽ là nước được lợi nhiều nhất từ cuộc xung đột Syria, nơi Moscow đã thiết lập một căn cứ hải quân và không quân lâu dài và cũng đang chờ để tiến hành các thỏa thuận hỗ trợ hồi phục tái thiết Syria.

Khi so sánh song song, lực lượng vũ trang Mỹ chắc chắn vượt trội hơn so với Nga. Tuy nhiên, khi so sánh cách họ được triển khai trong các cuộc xung đột gần đây, quân đội Nga đã chiến đấu tốt hơn và tạo ra nhiều kết quả thuận lợi hơn.

Theo John Ruehl, Điện Kremlin đã triển khai lực lượng áp đảo đối với các nước láng giềng nhỏ hơn, trước khi củng cố lợi ích với sự hỗ trợ của các yếu tố địa phương ở Gruzia và Ukraine. Còn Mỹ đưa quân tới các quốc gia cách xa hàng ngàn cây số mà không có chiến lược lui binh, và buộc phải đối phó với các cuộc nổi dậy khi quân đội của họ chưa chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống này.

Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang của Nga đã có thể thích nghi tốt hơn với chiến tranh hiện đại - các cuộc xung đột thường được đặc trưng bởi các yếu tố phi chính phủ và các cuộc nổi dậy. Chính quyền Mỹ cũng sẽ cần phải thích nghi với thực tế này nếu họ muốn tránh lặp lại những sai lầm trước đó.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ