• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Thủ phủ" nuôi tôm Cà Mau: Doanh nghiệp thậm chí còn chèn ép nhau dù tham gia vào cùng một chuỗi nuôi tôm

Thời sự 24/02/2019 13:32

(Tổ Quốc) - Ngày 24/2 tại Cà Mau đã diễn ra hội thảo Mô hình sản xuất tôm theo chuỗi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Dễ phá vỡ hợp đồng dù đã tham gia vào chuỗi

Cà Mau được coi là "thủ phủ" chế biến tôm lớn nhất cả nước và mang lại hơn 1,172 tỷ đô la kim ngạch xuất khẩu vào năm 2018.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ, phần lớn người dân vẫn còn sản xuất theo tập quán manh mún, khó đưa KHCN vào sản xuất tôm, khó tiếp cận vốn, khó liên kết theo chuỗi giá trị… và nếu không được tháo gỡ thì ngành tôm không thể tiếp tục phát triển và cạnh tranh được với các nước.

Sản xuất theo chuỗi đang có nhiều vấn đề khó cho ngành tôm, nếu tổ chức thành công sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sản xuất thời gian tới.

Thủ phủ nuôi tôm Cà Mau: Doanh nghiệp thậm chí còn chèn ép nhau dù tham gia vào cùng một chuỗi nuôi tôm - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo.

Cũng theo ông Lê Văn Sửu, thời gian qua, ngành nuôi tôm của Cà Mau đã bắt đầu xây dựng các tổ nhóm, tổ hợp tác xã (HTX), ký hợp đồng bao tiêu xuất khẩu, hỗ trợ các DN liên kết với vùng nuôi tôm sinh thái…

Từ 2016 đến nay, Cà Mau hỗ trợ ký kết được 61 hợp đồng chuỗi giá trị với sự tham gia của hàng chục tổ, nhóm, HTX, tuy nhiên mô hình này vẫn chưa chặt chẽ, dễ xảy ra phá vỡ hợp đồng, tiếp cận vốn khó. Mặc dù đã có cố gắng nhưng Cà Mau vẫn chưa xây dựng được mô hình xây dựng chuỗi một cách bền vững.

Tại buổi hội thảo, ông Lê Văn Sửu cho rằng, các mô hình chuỗi giá trị trong nuôi tôm chưa thành công là mỗi khâu có kế hoạch sản xuất liên kết riêng, không khớp với nhau nên dẫn tới đầu ra cuối cùng là không tiêu thụ được sản phẩm, dễ phá vỡ hợp đồng.

"Lợi ích, rủi ro được chia sẻ minh bạch cho các khâu, sản xuất hiện nay trong ngành hàng đang làm độc lập, chỉ hỗ trợ nhau một phần rất nhỏ dẫn tới các khâu không đồng đều, thậm chí chèn ép nhau không phát triển, không chia sẻ rủi ro lợi ích minh bạch nên không chăm lo giữ gìn uy tín sản phẩm" – ông Lê Văn Sửu chỉ ra thực trạng tại Cà Mau.

Cũng theo ông Lê Văn Sửu, muốn tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng tôm cần thí điểm mô hình liên kết, chia sẻ lợi ích rủi ro công bằng.

Ông đưa ra 3 mô hình: xây dựng mô hình doanh nghiệp xã hội. Đây là loại hình Công ty cổ phần hoặc từ 2 thành viên trở lên. Cổ đông bao gồm: các công ty giống, thức ăn, chế phẩm vật tư phục vụ cho nuôi tôm, HTX nuôi tôm, xuất khẩu tôm… Người tham gia thực sự đại diện cho quyền lợi của xã viên.

Mô hình thứ hai, ông Lê Văn Sửu là xây dựng hội đồng liên kết để thống nhất chia sẻ lợi ích, rủi ro, chế tài được đưa ra trong hội đồng liên kết của chuỗi hội thảo tôm. Tỉnh đã có nhiều hợp đồng nhưng dễ bị đổ vỡ do các khâu ở đây chưa chia sẻ thực chất rủi ro và lợi ích với nhau, chịu trách nhiệm độc lập trong từng khâu thậm chí có lúc họ lại cạnh tranh trục lợi lẫn nhau trong khâu mình dẫn tới liên kết trong vùng không bền vững. Do vậy, trong chuỗi mỗi một khâu cử ra một đại diện, tạm gọi là Hội đồng liên kết chuỗi để bàn bạc và chia sẻ, đặc biệt là tự đề ra hệ thống chế tài để đảm bảo các hoạt động liên kết với nhau trong việc thực hiện hợp đồng.

Và mô hình thứ ba mà ông Lê Văn Sửu đề xuất là tiếp tục nghiên cứu mô hình tích tụ ruộng đất lớn tham gia vào các mô hình sản xuất liên kết thay cho mô hình HTX. Cà Mau cũng đề xuất Trung ương đưa ra cơ chế đặc thù trong mô hình của mình để giải quyết hài hòa lợi ích cho người dân trong vùng, có giải pháp chuyển nhượng đất cho doanh nghiệp.

Tìm ra mô hình chuỗi chuẩn và doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt ngành tôm

Tại hội thảo, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty Cổ phần tập đoàn Thủy sản Minh Phú chia sẻ, doanh nghiệp rất khó trong việc thuê đất của người dân, sau đó Minh Phú tìm ra mô hình doanh nghiệp xã hội mà không cần dồn điền đổi thửa, không cần thành các cụm nuôi lớn, mà người nông dân góp đất và kinh doanh trên chính mảnh đất của người ta. Từ đó liên kết thành một doanh nghiệp tạo ra khối lượng lớn hàng hóa.

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Quang, điều khiến mô hình này chưa thể phân chia lợi nhuận là do doanh nghiệp phải làm nhiều chứng nhận quá nếu muốn vào các thị trường khác nhau và chi phí rất tốn kém.

Thủ phủ nuôi tôm Cà Mau: Doanh nghiệp thậm chí còn chèn ép nhau dù tham gia vào cùng một chuỗi nuôi tôm - Ảnh 2.

Một khu vực nuôi tôm. Ảnh minh họa.

"Mỗi một thị trường một chứng nhận nên chúng tôi cần phải làm đa chứng nhận. Có chứng nhận lên tới 8 tỷ đồng và 1-3 năm mới có chứng nhận để bán được hàng. Như vậy đến Minh Phú còn không chị nổi thì người dân nào chịu nổi? Đó còn chưa kể mỗi năm phải tái đánh giá chứng nhận với chi phí vài chục ngàn đô la" – ông Lê Văn Quang nêu thực trạng.

Ngoài ra, một vấn đề vướng nữa, theo ông Lê Văn Quang là mỗi hộ nuôi tôm tham gia vào doanh nghiệp xã hội như là một cổ đông, nhưng việc này lại bị ảnh hưởng bởi Luật Chứng khoán. Theo quy định, nếu trên 100 hộ dân tham gia vào doanh nghiệp sẽ phải thành lập công ty đại chúng, nếu ai rút ra sẽ phải làm thủ tục rất phức tạp. Do vậy, ông Quang đề nghị Chính phủ nên có một nghị định cho phép về mô hình này không nên áp dụng theo Luật Chứng khoán.

Mặc dù chưa có lợi nhuận khi triển khai mô hình doanh nghiệp xã hội nhưng ông Quang khẳng định rằng, chắc chắn đây sẽ là mô hình tốt nhất, bền vững nhất trong những năm tới mà không cần phải dồn điền đổi thửa, người dân vẫn được nuôi tôm trên đất của mình và nuôi tôm theo quy trình của Minh Phú.

"Nếu được hỗ trợ của cơ quan Trung ương tới địa phương thì mô hình này chắc chắn mang tới lợi nhuận tốt, chia cho các cổ đông và là động lực để kéo họ tham gia vào"- ông Lê Văn Quang nói.

Chia sẻ về vấn đề chứng nhận, ông Josh Madeira, Phụ trách chính sách bảo tồn biển, Chương trình Seafood Watch (SW), Mỹ cho hay, năm ngoái, SW đã ký thỏa thuận với Minh Phú để đánh giá tuân thủ cho hơn 20.000 hộ nông dân Việt Nam để chuyển đánh giá đảm bảo sản xuất đạt chuẩn cao nhất- tốt nhất, bền vững với môi trường nhất, đáp ứng yêu cầu của SW và khách hàng Mỹ.

"Chúng tôi xây dựng các công nghệ để người nông dân tự đánh giá, có thể sử dụng được, đơn giản, chính xác, dễ triển khai và không quá nặng nề với người nông dân, chi phí không quá cao. Các chuyên gia tới làm việc tại Cà Mau như iPad chụp ảnh hồ sơ, tự động gửi về, giảm nhẹ việc tuân thủ dễ dàng hơn, đánh giá nhanh hơn"- ông Josh Madeira cho biết.

Theo ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban IV, kết quả của hội thảo này sẽ được đưa ra thảo luận tại phiên hiến kế, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF) trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong phiên Toàn thể dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3/2019 tới đây tại Hà Nội.

Tại ViEF 2019, ở phiên hiến kế mảng nông nghiệp, diễn đàn dự định sẽ đưa ra các nội dung để trao đổi như thí điểm tạo lập chuỗi tôm xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của một số thị trường cao; Phát triển các DN "đầu tàu", dẫn dắt thị trường cho nông - thủy sản Việt; Chính phủ giao khu vực tư nhân thực hiện số hóa & hình thành dữ liệu lớn của các chuỗi nông - thủy sản. Đây là một trong các giải pháp cho cho bài toán "giải cứu/khủng hoảng thừa" và quản trị chất lượng nông -thủy sản theo yêu cầu của thị trường.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ