(Tổ Quốc) - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã có buổi đến thăm và làm việc với cán bộ, diễn viên, người lao động Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) với mục đích tìm hiểu về thực trạng hoạt động, cùng với Ban lãnh đạo Nhà hát tìm cách tháo gỡ để thúc đẩy hoạt động nghệ thuật của VNOB sau COVID- 19.
- 23.05.2020 Nhà hát nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật, nỗ lực kéo khán giả đến rạp
- 13.05.2020 Các Nhà hát bàn cách hút khán giả trở lại sau mùa dịch
- 27.04.2020 Gỡ khó cho các Nhà hát sau dịch bệnh, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị cần một chiến lược lâu dài để phát triển
- 06.11.2019 Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Các nhà hát cần liên kết để tạo nên các chương trình có tiếng vang
- 18.07.2019 Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Các nhà hát cần xây dựng chương trình đặc trưng, tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn
Buổi làm việc còn có NSND Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn và các cán bộ của Bộ VHTTDL và Cục.
Báo cáo thực trạng của VNOB, NSƯT Trần Ly Ly- Giám đốc Nhà hát cho biết: "Song song cùng các chương trình nghệ thuật thử nghiệm như Around the world, Rock Symphony,… VNOB đang nỗ lực hướng đến việc đưa các tác phẩm nghệ thuật kinh điển tiệm cận với công chúng. Vở Ballet Hồ Thiên Nga là minh chứng rõ ràng nhất cho mục tiêu này. Sắp tới, VNOB sẽ tiếp tục cho ra mắt những sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao như vở Opera "Những người khốn khổ" nhưng theo phong cách Broadway hay vở ballet "Romeo và Juliet". Tuy nhiên, VNOB đang gặp nhiều khó khăn về mặt nguồn nhân lực, khi cả 3 đoàn đều thiếu biên chế. Việc đào tạo diễn viên, đạo diễn, biên đạo cũng có nhiều thách thức do thời gian gần đây, Nhà hát hầu như không có chuyên gia nước ngoài sang hướng dẫn".
Theo NSND Nguyễn Quang Vinh, Cục NTBD đã đưa ra một số giải pháp ngắn hạn và lâu dài nhằm phần nào tháo gỡ khó khăn cho VNOB nói riêng và các nhà hát nói chung. Một trong những giải pháp tạm thời là Cục đã làm việc với các sân khấu của Nhà hát Lớn, Nhà hát Âu Cơ…. để giảm giá thuê địa điểm, giúp các Nhà hát có thể sáng đèn trở lại. Mặt khác, về lâu dài, VNOB nên có một địa điểm biểu diễn riêng để hoạt động hiệu quả hơn. Ông cũng kiến nghị Bộ VHTTDL nên có cơ chế đặc thù trong việc hỗ trợ mời chuyên gia nước ngoài sang đào tạo, hướng dẫn, cho các nghệ sĩ Ballet, Opera, đào tạo thêm các sinh viên sau khi tốt nghiệp về Nhà hát, đưa các biên đạo, đạo diễn trẻ ra nước ngoài đào tạo để trong tương lai, Việt Nam có đạo diễn Opera, Broadway… Về phía Nhà hát, NSND Nguyễn Quang Vinh cũng cho rằng nên tiến dần đến việc xã hội hóa và tìm kiếm các nguồn thu từ phía khán giả nhiều hơn.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Lãnh đạo Bộ rất hiểu về khó khăn hiện tại của sân khấu nói chung và VNOB nói riêng.
Đặc biệt với VNOB, khi không có sân khấu riêng, cơ sở vật chất gặp nhiều khó khăn. Thứ trưởng cũng đánh giá cao những kết quả VNOB làm được trong thời gian qua, đặc biệt là sự kiện vở Ballet Hồ Thiên Nga đã đạt được thành tựu lớn và lọt vào TOP 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch năm 2019.
Tuy nhiên, để đối phó với những khó khăn do dịch COVID 19 gây ra thời gian qua, VNOB cần tính toán đến việc cân đối ngân sách, giảm số lượng, tăng chất lượng chương trình. Bên cạnh đó, VNOB cũng cần hướng đến việc tìm nguồn tài trợ nhờ tăng cường quảng bá sản phẩm nghệ thuật. Bên cạnh việc xây dựng chương trình chung cho cả 3 đoàn, mỗi đoàn cũng tính đến việc làm riêng các sản phẩm nhỏ như thính phòng, giao hưởng… Bộ VHTTDL sẵn sàng hỗ trợ trong việc đàm phán giảm giá các địa điểm biểu diễn giúp các nhà hát tiếp tục sáng đèn trở lại.
Về công tác đào tạo, Bộ sẽ tính toán việc phối hợp trong thời gian chuyên gia sang giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, có thể tổ chức workshop tại Nhà hát cho diễn viên hoặc đưa các biên đạo, đạo diễn trẻ có nhu cầu đào tạo dài hạn, ngắn hạn tại nước ngoài./.