(Tổ Quốc) - Sáng 21/10, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị Tổng kết Đề án Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ.
- 07.10.2020 Trao tặng tủ sách hưởng ứng Tuần lễ Học tập suốt đời năm 2020
- 14.07.2020 Hỗ trợ cho người khiếm thị học tập suốt đời
- 01.07.2020 Tổng kết Đề án "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ"
- 16.01.2020 Phối hợp phát triển văn hóa đọc, phục vụ học tập suốt đời của người dân
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị.
Hội nghị nhằm tổng kết việc triển khai thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 27/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ", trong đó tập trung vào những thuận lợi và kết quả đạt được; khó khăn, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân; qua đó rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp. Thông qua việc tổng kết Đề án nhằm nghiên cứu hoàn thiện và nhân rộng những mô hình tổ chức phục vụ học tập suốt đời tại các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đa dạng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện và đặc thù của từng vùng, miền, địa phương trên cả nước; góp phần xây dựng đời sống văn hóa của nhân dân; phục vụ đắc lực cho công tác thông tin, tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Đồng thời đề xuất kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án trong giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: Học tập suốt đời vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mọi người dân. Qua gần 7 năm triển khai thực hiện Đề án (2014-2020), các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Các đơn vị đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, chủ động tìm tòi, sáng tạo để có phương thức phục vụ công chúng phù hợp nhất, đưa tri thức đến với mọi đối tượng, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân…
Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vũ Dương Thúy Ngà chia sẻ: Từ năm 2014-2020, các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đã tổ chức nhiều hoạt động phục vụ học tập cho đông đảo người dân, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu niên.
Cụ thể, hoạt động thư viện luôn được đổi mới theo hướng phát huy nguồn lực hiện có, mở rộng các dịch vụ mới, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu sách báo. Công tác luân chuyển sách, phục vụ lưu động được tăng cường, mở rộng. Trung bình, mỗi thư viện tổ chức hơn 40 đợt luân chuyển, phục vụ lưu động/năm. Nhiều lớp học trang bị kỹ năng sống, kỹ năng công nghệ thông tin, sinh hoạt chuyên đề, khéo tay hay làm dành cho các đối tượng người đọc đã diễn ra tại thư viện.
Trong hoạt động bảo tàng, nội dung trưng bày được sáng tạo không ngừng. Bảo tàng đã khẳng định vị thế không chỉ là nơi gìn giữ di sản vật chất, tinh thần về lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc mà còn là trung tâm thông tin, trường học, địa chỉ văn hóa của công chúng. Nhiều bảo tàng đã chủ động đưa di sản đến cơ sở thông tin các hình thức triển lãm lưu động, trưng bày chuyên đề, đổi mới hoạt động bảo tàng gắn di sản văn hóa với giáo dục học đường. Ngành Văn hóa đã liên kết với ngành Giáo dục thực hiện chương trình “Sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông” thông qua sinh hoạt hè, học tập lịch sử, văn hóa địa phương tại các bảo tàng, di tích lịch sử.
Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được đầu tư sửa chữa, xây dựng và ngày càng phát huy hiệu quả, đổi mới, sáng tạo về loại hình, cách thức thể hiện, hướng dẫn văn hóa, văn nghệ tại chỗ và lưu động, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Các địa phương đã tổ chức lớp năng khiếu, hội thi, hội diễn, sinh hoạt chuyên đề, xây dựng góc đọc sách báo…, từ đó khơi dậy khả năng sáng tạo cho người dân, nhất là giới trẻ.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung: Đánh giá công tác tham mưu, chỉ đạo và triển khai thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg. Đánh giá công tác phối hợp triển khai giữa Trung ương và địa phương; giữa các cấp, các ngành trong việc triển khai Quyết định số 208/QĐ-TTg. Kết quả đạt được và những hạn chế trong việc củng cố, kiện toàn, phát triển các thiết chế thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ; trong công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập, phục vụ học tập trong các thiết chế thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ; kết quả đạt được theo mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2020.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định, nhiệm vụ chống giặc dốt là nhiệm vụ đã được Đảng, Bác Hồ quan tâm ngay khi mới giành được chính quyền. Đây là nhiệm vụ cần được tiến hành thường xuyên, liên tục. Trong thời đại ngày nay, chúng ta muốn mạnh thì phải học hỏi và học tập suốt đời. Bởi vậy, Thứ trưởng yêu cầu, trong thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về tinh thần học tập suốt đời để hoạt động thực sự lan tỏa, đi vào thực chất, hiệu quả và bền vững.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng, trong thời gian vừa qua, việc thực hiện Đề án đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song qua 7 năm thực hiện, cần rà soát lại các quy chế thực hiện sao cho phù hợp với tình hình mới. Năm 2020 là năm Đề án bước vào giai đoạn cuối, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành tham mưu, đề xuất kế hoạch thực hiện Đề án trong giai đoạn tiếp theo.
Thứ trưởng yêu cầu, mỗi cán bộ làm công tác Thư viện cần quan tâm tích cực, chủ động tham mưu, các cấp chính quyền có biện pháp chỉ đạo phù hợp, huy động nguồn lực xã hội để làm tốt hơn việc tuyên truyền, thực hiện đề án học tập suốt đời.
Thứ trưởng khẳng định, đây là vấn đề khó, bởi vậy, cần có sự quan tâm thường xuyên, trăn trở, phải được thực hiện từ tấm lòng những người thực hiện.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ VHTTDL cũng tiến hành khen thưởng và tôn vinh các nhân tố, điển hình tiên tiến, các mô hình tiêu biểu, có đóng góp tích cực trong việc khuyến khích và nhân rộng các mô hình học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ./.