(Tổ Quốc) - Cảm giác rất không bình thường khi nghe tiếng la hét của hàng ngàn người khi khán đài hầu như không một bóng người.
Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành sau 10 tháng - nhiều người Mỹ hy vọng và cầu trời để giải bóng bầu dục chuyên nghiệp và nghiệp dư sẽ vẫn diễn ra mùa thu này như truyền thống đã có cả trăm năm qua. Tôi đang nói đến bóng bầu dục Mỹ, còn gọi là bóng đá kiểu Mỹ chứ không phải môn bóng đá đã dành trọn trái tim của người hâm mộ khắp thế giới nhưng không mấy người Mỹ mặn mà. Suốt 6 tháng qua, người Mỹ chỉ biết dõi theo giải bóng bầu dục, họ đâu còn việc gì để làm nữa. Người ta cố tình làm vậy để đầu óc khỏi phải bận tâm những chuyện khác, bỏ qua luôn cả việc phải thống lĩnh thế giới này – là tôi giỡn chút thôi.
Năm nay, thần "bóng bầu dục" chỉ đáp lại một nửa ước nguyện của nước Mỹ. Các đội tuyển nghiệp dư của các trường đại học đã bị tạm ngưng từ hồi mùa hè – họ không thể tập luyện, thậm chí dừng luôn cả việc họp trực tiếp. Thật khó mà đối đầu hoặc đánh bại được đối thủ qua màn hình Zoom. Các huấn luyện viên thậm chí còn chẳng thể quát tháo được cầu thủ phạm lỗi bởi nếu có chuyện đó thì cầu thủ chỉ cần ấn nút tắt tiếng là mọi chuyện được giải quyết.
Trong dịp Lễ Tạ ơn, các sinh viên đại học được cho nghỉ về nhà để cách ly trong khi các cầu thủ phải ở lại trong ký túc xá của trường. Hãy tưởng tượng một nhóm thanh niên đang tuổi 18 bị cô lập khỏi gia đình dịp nghỉ lễ trong khi ở nơi xa người thân của họ đang sum vầy. Không có gì phải lo lắng cả - một trường đại học nọ có ngay sáng kiến: một bữa tiệc mãn nhãn với hình ảnh chú gà tây béo ngậy chễm trệ giữa mâm tiệc truyền thống ngày Lễ tạ ơn được trình chiếu trên màn hình để giúp các cầu thủ vơi bớt nỗi khắc khoải nhớ nhà. Thất bại toàn tập!
Rồi cuối cùng, giải bóng bầu dục nghiệp dư cũng được tổ chức khi mùa thu chuẩn bị nói lời từ biệt. Tuy nhiên, dường như mùa giải năm nay đã không còn như xưa với những quy tắc và luật lệ kỳ lạ được đưa ra đảm bảo các đội bóng phải tuân thủ để phòng ngừa dịch bệnh.
Điểm kỳ lạ nhất là quang cảnh tại các địa điểm thi đấu. Nhiều đội bóng có sân vận động đủ sức chứa trên 100.000 cổ động viên. Tuy nhiên do đại dịch, số lượng khán giả giảm xuống chỉ còn vài trăm người, và những người này thường ngồi co cụm lại với nhau, khái niệm giãn cách xã hội không tồn tại trên khán đài.
Các trận đấu cũng vắng mặt đội hoạt náo viên. Đây thực sự là điều vô cùng đáng tiếc bởi nhiều người hâm mộ đến xem các trận bóng chỉ để ngắm nhìn các hoạt náo viên. Cách đây vài chục năm, máy quay truyền hình tập trung quá nhiều vào các hoạt náo viên với phong cách ăn mặc "thiếu vải" đến mức các đài truyền hình đã cấm phát hình ảnh của họ.
Các hoạt náo viên là linh hồn của các trận đấu. Vai trò của họ là cổ vũ đội nhà tiến lên nghiền nát đối thủ hoặc lội ngược dòng. Thông thường, họ cố tình reo hò, cổ vũ ầm ĩ đến nỗi các đội khách không thể nghe thấy tiếng loa gọi tên cầu thủ trên sân. Hãy tưởng tượng cảnh 100.000 người hâm mộ la ó phản đối một cầu thủ chơi xấu: một số cầu thủ không bao giờ hồi phục nổi sau nỗi hổ thẹn đó, đặc biệt khi trận đấu được truyền hình trực tiếp trên sóng quốc gia.
Vì thiếu đội quân hâm mộ trên khán đài, các đội bóng đã đưa ra giải pháp thay thế có thể nói là tuyệt hảo nhất: những hình người bằng bìa cứng có kích thước như người thật được đặt ngay ngắn trên từng chiếc ghế ở khán đài. Điều này tạo nên một khung cảnh thật quái đản: khi máy quay truyền hình muốn phản ánh cảm xúc của khán giả đối với trận đấu, hình ảnh người xem thấy trên màn hình sẽ là cận cảnh các gương mặt người bằng bìa giấy. Tôi phải thừa nhận rằng phiên bản mặt bìa cứng nhìn dễ chịu hơn mặt thật. Bởi bình thường khán giả truyền hình sẽ thấy các cổ động viên với các khuôn mặt được tô kín màu sắc của đội bóng, đang say sưa đổ bia lên người khác hoặc la hét những lời tục tĩu trong nỗ lực được xuất hiện trên truyền hình quốc gia.
Kỳ lạ hơn nữa là hầu hết các sân vận động đều phát trên loa băng ghi âm tiếng la hét của khán giả từ các trận đấu trước đây để mô phỏng trận đấu trực tiếp bởi khán đài không có người xem. Cảm giác rất không bình thường khi nghe tiếng la hét của hàng ngàn người khi khán đài hầu như không một bóng người.
Nhưng kỳ lạ nhất trong các trận đấu phải kể đến việc đeo khẩu trang. Khi đứng bên lề trận đấu, toàn bộ cầu thủ, huấn luyện viên và nhân viên phải đeo khẩu trang. Nhưng khi chơi trên sân thì làm gì có ai đeo khẩu trang mà chơi được. Như vậy là, các cầu thủ với thân hình ướt đẫm mồ hôi, vừa là mồ hôi của chính họ, vừa thêm phần mồ hôi của đồng đội và đối thủ chia sẻ trong quá trình cọ xát, giơ tay nhận khẩu trang và che kín mặt trước khi bước ra khỏi sân đấu. Việc này chắc phải có tác dụng vì các vận động viên trẻ đẳng cấp thế giới dường như không bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid.
Tuy nhiên, việc không đeo khẩu trang ở ngoài sân thi đấu có thể khiến các cầu thủ rắc rối to. Mới đây, một đội bóng chuyên nghiệp đã bị phạt 500.000 đô la khi bốn cầu thủ bị phát hiện không đeo khẩu trang.
Vậy mà, bất chấp những nỗ lực quả cảm của họ, một số cầu thủ, huấn luyện viên và nhân viên vẫn bị nhiễm Covid. Các giải đấu khác nhau có cách xử lý khác nhau. Các trận đấu có thể bị hoãn lại nhiều ngày cho đến khi cả hai đội đủ cầu thủ để thi đấu. Hay một đội tuyển khác có lịch thi đấu vào Thứ Năm – đúng Ngày Lễ Tạ ơn – thì hoãn trận đấu cho đến đúng thứ Năm của tuần sau đó.
Các cầu thủ trong đội tuyển của Trường Đại học bang Ohio, trường cũ của tôi – bao gồm Huấn luyện viên trưởng, 3 trợ lý huấn luyện viên và 23 cầu thủ, nhiều người trong số đó chơi lần đầu, có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid. Nhưng trận đấu vẫn diễn ra bởi nếu không chơi thì đội tuyển sẽ không đủ điều kiện để tham gia loạt đấu tranh chức vô địch vì không chơi đủ lượt trận ở vòng loại.
Covid-19 có thể gây ra sự tàn phá khủng khiếp cho giải bóng bầu dục và sự nghiệp của các cầu thủ. Tại Trường Đại học bang Ohio, một số cầu thủ sẽ rất được săn đón trong Giải Bóng bầu dục chuyên nghiệp toàn quốc. Khi chơi cho mùa giải nghiệp dư giữa các trường đại học là lúc các cầu thủ được Giải Bóng bầu dục quốc gia đánh giá. Thông thường, khi được chiêu mộ cho giải quốc gia, các cầu thủ của giải nghiệp dư sẽ nhận được khoản thù lao trị giá 25 triệu đô la để thi đấu giải chuyên nghiệp. Vì vậy, việc bỏ các trận đấu sẽ khiến nhiều cầu thủ của giải nghiệp dư phải trả giá đắt.
Khi trận đấu bị huỷ, các trường đại học cũng phải chịu tổn hại lớn. Các đội vô địch có thể chiêu mộ những cầu thủ hàng đầu trong nước về chơi cho đội của họ, nhưng việc này chỉ có thể thực hiện khi các trận đấu được tổ chức. Vì vậy, dư âm ảnh hưởng của Covid đến một số trường đại học sẽ còn tiếp tục trong vài năm tới.
Các trường đại học có tham gia thi đấu trong nhiều giải vô địch khác nhau sẽ mất nguồn doanh thu lớn nếu các trận đấu bị huỷ. Năm ngoái, các trường đại học đã chia nhau 600 triệu đô la tiền thưởng từ các giải đấu. Ngoài ra, đội vô địch còn nhận được khoản tài trợ lớn từ các cựu sinh viên giàu có. Năm nay, Covid sẽ khiến họ thất thoát nặng nề.
Tin tốt lành là các cầu thủ của cả giải chuyên nghiệp và nghiệp dư sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để tiếp tục thi đấu và giành chiến thắng bất chấp Covid. Tiền vệ của đội bóng bầu dục New Orleans Saints bị gãy 11 chiếc xương sườn trong ba trận đấu, nhưng vẫn thi đấu bằng được. Dường như đây chính là một bài học quý giá cho các cầu thủ và người hâm mộ: đừng bao giờ bỏ cuộc!
Để tổng kết mùa giải bóng bầu dục năm nay, tôi có thể nói: giống như người Mỹ đang xem một trò chơi điện tử "khủng"có phần mềm bị lỗi. Không gì có thể thay thể được sự tương tác thực sự!
Bình luận