• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng Ấn Độ bất ngờ dừng chân tại vùng Vịnh: Hóa giải nguy cơ và loạt mục tiêu phía sau

Thế giới 01/07/2022 13:00

(Tổ Quốc) - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã dừng chân tại sân bay Abu Dhabi trên đường về nước từ hội nghị thượng đỉnh G7 để gặp tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan.

Theo tờ SCMP, ngay cả khi hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy nước (G7) ở Đức đang gây xôn xao dư luận, một số bài bình luận từ Ấn Độ đã chỉ ra chuyến dừng chân ngắn ngủi, ít được công khai tại Abu Dhabi của Thủ tướng Narendra Modi trên đường về nước hôm thứ Ba.

Tại đây, ông đã gọi điện cho Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan và hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp ngắn tại sân bay.

Tại New Delhi, nhiều người tin rằng cuộc trò chuyện ngắn, chỉ kéo dài hơn một giờ này, đã "vượt trội" hơn hội nghị thượng đỉnh G7 kéo dài hai ngày về ý nghĩa đối với Ấn Độ.

Thủ tướng Ấn Độ bất ngờ dừng chân tại vùng Vịnh: Hóa giải nguy cơ và loạt mục tiêu phía sau - Ảnh 1.

Hai nhà lãnh đạo Ấn Độ và UAE đã có một cuộc gặp ngắn ngay tại sân bay. Ảnh: AFP.

Ấn Độ không nằm trong G7 nhưng đã được mời, cùng với Argentina, Indonesia, Senegal và Nam Phi, với tư cách là các quốc gia đối tác.

Về mặt thông thường, cuộc gặp giữa ông Modi và ông Nahyan đã không đạt được nhiều thành tựu, với một thông tin từ Ấn Độ cho biết "mục đích chính" của chuyến thăm là để chuyển lời chia buồn cá nhân của Modi về cái chết của cựu tổng thống UAE, Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan vào tháng trước.

Ông Modi đến UAE lần cuối vào tháng 8 năm 2019.

Nhưng thời điểm của chuyến thăm mới nhất này là rất quan trọng. Đầu tháng này, New Delhi đã rơi vào tình huống khó xử sau khi hai phát ngôn viên từ chính đảng của ông Modi Bharatiya Janata (BJP), đưa ra những nhận xét được coi là xúc phạm về nhà tiên tri Mohammed của đạo Hồi.

Lời nói của họ đã dẫn đến một cơn bão ngoại giao với nhiều quốc gia, đặc biệt là trong khu vực vùng Vịnh. Nhiều nước đã có động thái phản đối về mặt ngoại giao và thậm chí triệu tập các phái viên Ấn Độ.

Tham gia cùng các quốc gia này là UAE, trong đó, Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế nước này đã lên án các tuyên bố từ phía Ấn Độ và "bác bỏ những lời xúc phạm Nhà tiên tri".

Cuộc tranh cãi đe dọa làm trật bánh mối quan hệ thân thiết giữa Ấn Độ và UAE. Mỗi bên đều nằm trong số ba đối tác thương mại hàng đầu của nước kia và đầu năm nay họ đã ký một hiệp định thương mại tự do, hiệp định đầu tiên của Ấn Độ trong gần một thập kỷ.

"Hóa giải nguy cơ"

Tại New Delhi, các nhà phân tích chính sách đối ngoại theo dõi chuyến thăm UAE cho biết điểm dừng chân của ông Modi là một hành động xoa dịu tranh cãi.

Một học giả ở New Delhi chuyên về Trung Đông, người từ chối nêu tên, đánh giá: "Cần rất nhiều đòn bẩy ngoại giao và đầu tư công sức để đưa mối quan hệ [Ấn Độ-UAE] đến giai đoạn này. Và vụ mâu thuẫn gần đây đe dọa đến mối quan hệ tốt đẹp đó".

Nhà phân tích này cho biết các vụ việc gia tăng về chủ nghĩa cộng đồng (trung thành với một nhóm dân tộc hơn là với xã hội) và chứng sợ Hồi giáo dưới thời chính phủ Modi theo chủ nghĩa dân tộc Hindu là mối quan tâm ngày càng tăng trong thế giới Hồi giáo trong những năm qua. "Mỗi khi các học giả từ khu vực đó tương tác với chúng tôi, họ đưa ra những lo ngại xung quanh vấn đề này".

Nhưng diễn biến mới nhất, khi hai người phát ngôn của BJP đưa ra nhận xét lan truyền trên các dòng thời gian của mạng xã hội trên toàn thế giới, đó lại là một lằn ranh đỏ.

"Trong thế giới Hồi giáo, báng bổ là một vấn đề đáng quan ngại và mạnh mẽ và điều này sẽ không dễ dàng được bỏ qua," học giả nói thêm.

Tuy nhiên, đại sứ Ấn Độ đã nghỉ hưu Rajiv Bhatia, một chuyên gia cấp cao tại tổ chức tham vấn Mumbai Gateway House, cho rằng vụ việc của BJP chỉ dẫn đến "thiệt hại tạm thời" sau khi ông Modi dừng chân ở UAE.

Ông Bhatia nói: "Có một sự đánh giá rất rõ ràng về chuyến thăm của ông Modi, khi Tổng thống Mohammed đã phá vỡ quy tắc, đến sân bay và hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại chính sân bay". Ông nói thêm: "Hội nghị thượng đỉnh này là cơ hội để cả hai kết nối lại và nhấn mạnh lại mối quan hệ đặc biệt của họ".

Để mắt đến thương mại

Các nhà phân tích tin rằng chuyến thăm này là rất quan trọng, đặc biệt là để quan hệ thương mại tiếp tục và phát triển. Dữ liệu của chính phủ Ấn Độ cho thấy quốc gia này là đối tác thương mại lớn thứ hai của UAE trong năm tài chính 2021-2022, trong khi UAE là đối tác lớn thứ ba của Ấn Độ. Thương mại giữa hai bên đạt gần 73 tỷ USD trong cùng thời kỳ.

Hiệp định thương mại mà họ đã ký vào tháng 2 năm nay - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) - sẽ chấm dứt thuế quan đối với 90% hàng hóa xuất khẩu của Ấn Độ sang UAE, dự kiến sẽ đẩy thương mại phi dầu mỏ lên 100 tỷ USD một năm trong vòng 5 năm tới.

Navdeep Singh Suri, một nhà ngoại giao đã nghỉ hưu, từng là đại sứ của Ấn Độ tại Abu Dhabi từ năm 2016 đến năm 2019, khi mối quan hệ thực sự bắt đầu, cho biết cả hai nước đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng.

Suri cho biết: "Khi UAE muốn đa dạng hóa kinh tế thoát ly khỏi dầu mỏ, họ thấy rằng Ấn Độ là nền kinh tế lớn nằm ngay bên cạnh và do đó, các công ty của UAE muốn duy trì một phần tăng trưởng của họ ở Ấn Độ trong tương lai".

Vào tháng 5, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal cho biết New Delhi đã nhận được cam kết đầu tư trị giá 100 tỷ USD từ các công ty UAE. "Đây là các quyết định chiến lược của UAE," chuyên gia Suri nói.

Yếu tố Trung Quốc

Nhưng những lý do kinh tế không phải là nội dung duy nhất thúc đẩy mối quan hệ giữa hai quốc gia. Đối với New Delhi, mối quan hệ bền chặt hơn với UAE cũng rất quan trọng để đối phó với sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực này.

Bắc Kinh đã và đang đều đặn mở rộng sự hiện diện và vun đắp mối quan hệ với nhiều quốc gia vùng Vịnh và vào tháng 1, các ngoại trưởng Kuwait, Oman và Saudi Arabia đã đến thăm Bắc Kinh.

Chuyên gia Suri cũng đồng tình rằng sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc là một yếu tố trong chiến lược tiếp cận Trung Đông của Ấn Độ. Ông Suri nói: "Trung Quốc đã xây dựng sự hiện diện đáng kể khu vực nhờ khả năng mang lại các dự án lớn, như đặc khu kinh tế bên ngoài Abu Dhabi".

Còn Muddassir Quamar, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng ở New Delhi, nói rằng sự hiện diện của Trung Quốc về bản chất mang tính chiến lược hơn nhiều.

Vào tháng 9 năm 2021, Israel đã khánh thành Cảng Vịnh do Trung Quốc xây dựng và vận hành ở thành phố phía bắc Haifa. "Tương tự, Trung Quốc cũng đã đầu tư xây dựng và vận hành các cảng ở Oman và Kuwait," Quamar nói.

"Ngay cả ở Iran, nơi Ấn Độ tham gia phát triển cảng Chabahar, Trung Quốc cũng đang tăng cường sự hiện diện của mình".

Tại UAE, trong cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo mới Nahyan vào tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-UAE đã đạt đến "mức cao nhất trong lịch sử".

Quamar cho biết New Delhi đang rất quan tâm đến sự hiện diện này. Ông Quamar nói: "Nhưng có quá nhiều quốc gia vùng Vịnh có các cam kết với Trung Quốc ở cấp độ song phương. Sẽ không dễ dàng để kiềm chế Trung Quốc trong khu vực."

Trong bối cảnh này, mối quan hệ của Ấn Độ với UAE có thể là chìa khóa để mở rộng sự hiện diện của Delhi trong khu vực. Bhatia, nhà ngoại giao đã nghỉ hưu của Ấn Độ, nói rằng một thỏa thuận thương mại khả thi giữa Ấn Độ và sáu quốc gia của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh, bao gồm UAE, có thể nằm trong chương trình nghị sự trong trung hạn.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ