(Tổ Quốc) - Chiều ngày 30/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về việc triển khai Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Buổi làm việc được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối từ trụ sở Chính phủ tới UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Làm việc trực tuyến dự kiến sẽ là phương thức làm việc chủ yếu của Chính phủ với các địa phương, phù hợp với bối cảnh hiện nay, góp phần cải cách hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.
Quyết liệt triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết tỉnh đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW và thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện; trong đó, tập trung xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án nhằm cụ thể hóa mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ được nêu tại Nghị quyết 54-NQ/TW và Nghị quyết 83/NQ-CP.
Tỉnh đã phối hợp các bộ, ngành Trung ương tổ chức thực hiện các đề án, như Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế”. Trong đó, các cơ chế chính sách áp dụng đặc thù được phân theo thẩm quyền, các cơ quan đang triển khai các thủ tục trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; đây là một bước quan trọng trong tiến trình cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế theo Nghị quyết số 54.
Tỉnh đang tập trung triển khai nhiều dự án lớn, trọng điểm như dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh Thành Huế, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An và các dự án đầu tư công cho giai đoạn 2021-2025, dự án mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; phát triển khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, các khu công nghiệp; tập trung hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ khởi công, thi công các dự án lớn, trọng điểm đã được cấp chủ trương đầu tư...
Năm 2021, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã chủ động, kiên quyết, kiên trì triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp, vừa kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe nhân dân, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
GRDP của tỉnh ước tăng 5,12% trong 9 tháng đầu năm 2021, cả năm ước đạt 4,43%. Đây là mức tăng khá so với các tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung. Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 7.700 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ.
Từ ngày 28/4 đến nay, tỉnh đã đón hơn 62.000 người từ các tỉnh/thành phố có dịch trở về. Đến 28/9, toàn tỉnh có 821 ca COVID-19 (hiện đang điều trị 71 ca, đã được điều trị khỏi 747 ca), có 03 bệnh nhân tử vong (là người già yếu, có bệnh nền). Tổng số kinh phí chống dịch từ đầu năm đến nay là 534 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, có hơn 115.000 người đã được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 43 tỷ đồng.
Trong 14 ngày qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ghi nhận các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng có nguồn lây từ các trường hợp người về từ vùng dịch sau khi hoàn thành cách ly tập trung về địa phương. Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, các ổ dịch đã nhanh chóng được truy vết, phong tỏa diện hẹp, xét nghiệm, cách ly điều trị, dập dịch kịp thời cho nên tỉnh vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nêu một số khó khăn của tỉnh như Thừa Thiên Huế có quy mô kinh tế nhỏ; điểm nghẽn lớn nhất của tỉnh là vẫn chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
Quá trình điều hành và quản lý đối với đô thị có tính chất đặc thù như Thừa Thiên Huế gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc do phải bảo tồn di sản, gìn giữ văn hóa đặc sắc và bảo vệ môi trường sinh thái đã tạo nên các rào cản đối với các hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh thiếu nguồn lực cho đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và các thiết chế văn hóa, xã hội; nhất là nguồn lực để đầu tư bảo tồn, trùng tu di sản, di tích là rất lớn... Tỉnh vẫn chưa tự cân đối được ngân sách, thu nhập bình quân đầu người đang ở mức trung bình so với cả nước.
Lãnh đạo tỉnh nêu một số kiến nghị liên quan tới cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh; Đề án xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia; Đề án “Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế”; giai đoạn 2 dự án di dời các hộ dân trong khu vực 1 thuộc quần thể Di tích Cố đô Huế; kiến nghị về công tác phòng, chống dịch COVID-19; quy hoạch, hỗ trợ đầu tư các dự án động lực đầu tư vào địa bàn; điều chỉnh cục bộ quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng; quan tâm, hỗ trợ, giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn, có thương hiệu nghiên cứu, đầu tư trên địa bàn…
Phát biểu tại cuộc làm việc, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành đều đánh giá cao tỉnh vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế-xã hội, tiếp tục duy trì tăng trưởng, có nhiều điểm sáng trên các lĩnh vực công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu ngân sách... Tỉnh đã triển khai quyết liệt các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ; các kiến nghị cơ bản phù hợp.
Các đại biểu đã phân tích rõ hơn về những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là về du lịch và di sản, chia sẻ với những khó khăn, thách thức và khát vọng phát triển của Thừa Thiên Huế, đánh giá cao những nỗ lực, kết quả của tỉnh trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin… Các ý kiến khẳng định ủng hộ và nêu các giải pháp đồng hành với tỉnh thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, phát huy các tiềm năng, thế mạnh, vượt qua các khó khăn, thách thức, bất cập trong quá trình phát triển… Các chính sách đang trình Quốc hội, Thường vụ Quốc hội được kỳ vọng sẽ tạo nguồn lực, động lực mới và sự chủ động cho tỉnh trong quá trình phát triển thời gian tới.
Khai thác, phát huy 3 đặc điểm lớn của Thừa Thiên Huế
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính tập trung phân tích, làm rõ, nhấn mạnh 3 nội dung lớn: Về các công việc đã triển khai thời gian qua; đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Về các công việc thời gian qua, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, các cơ quan đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83 của Chính phủ. Thủ tướng đề nghị các cơ quan tiếp tục tập trung, sát cánh, chung tay với Thừa Thiên Huế để triển khai tích cực, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp này.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những thành quả tỉnh đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Xây dựng Đảng đạt kết quả tốt, phát triển kinh tế-xã hội đạt kết quả tích cực; coi trọng, tập trung đẩy mạnh phát triển văn hóa là một thế mạnh của tỉnh, đạt kết quả đáng mừng; giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội…
Thủ tướng chia sẻ, trong đợt thiên tai lịch sử cuối năm 2020, Thừa Thiên Huế chịu nhiều thiệt thòi về người và của, các bộ ngành, địa phương đã chia sẻ, chung tay với tỉnh khắc phục hậu quả. Tỉnh đã nỗ lực vượt qua thử thách rất ngặt nghèo này để vững bước đi lên, thể hiện khí phách con người xứ Huế và tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc.
Từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh phòng chống dịch đạt những kết quả tích cực so với nhiều địa phương khác. Nhờ phòng chống dịch tốt, tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tương đối tốt, thể hiện qua các chỉ số như về tăng trưởng, thu ngân sách, an ninh trật tự được giữ vững. Thủ tướng rất hoan nghênh tỉnh vì chống dịch tốt, đã tích cực chi viện cho các tỉnh, thành phố phía nam. Đây là nghĩa cử hết sức cao đẹp, thể hiện tinh thần trách nhiệm và đại đoàn kết dân tộc trong lúc khó khăn.
Thủ tướng cũng biểu dương hệ thống chính trị tỉnh và nhân dân Thừa Thiên Huế đã luôn đoàn kết, thống nhất cả trong nhận thức và hành động. Hệ thống chính trị của tỉnh đã thể hiện tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân, nhiều chỉ số về cải cách hành chính cho thấy điều này, ứng dụng công nghệ thông tin tương đối có hiệu quả.
Thủ tướng phân tích, nêu rõ 3 đặc điểm lớn, quan trọng, nổi bật của Thừa Thiên Huế cần tiếp tục được phát huy mạnh mẽ để biến thành nguồn lực phát triển.
Thứ nhất là những di sản và di tích văn hóa, cả vật thể và phi vật thể, đây là một đặc trưng rất hiếm có, đặc điểm hết sức quan trọng của tỉnh.
Thứ hai, tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Thứ ba, tất cả các loại hình giao thông của cả nước đều đi qua Thừa Thiên Huế.
Phát triển không trùng dẫm và phối hợp tốt với các địa phương khác
Về những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Thừa Thiên Huế luôn bám sát và thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, góp phần giải quyết những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, mục tiêu đến năm 2025, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng nhấn mạnh thêm 6 điểm để tỉnh tham khảo, nghiên cứu, vận dụng phù hợp, hiệu quả, tạo động lực phát triển mới và tự tin đi lên.
Trươc hết, Thủ tướng đề nghị tỉnh triển khai ngay các nhiệm vụ quy hoạch theo Luật Quy hoạch và các chỉ đạo của Chính phủ. Đây là vừa là mục tiêu, yêu cầu, vừa là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng. Làm tốt quy hoạch sẽ giúp tỉnh tìm ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh so với các tỉnh khác, từ đó phát triển không trùng dẫm và phối hợp tốt với các địa phương khác.
“Tìm ra thuận lợi và cơ hội của tỉnh so với với hai tỉnh, thành phố bên cạnh là Đà Nẵng, Quảng Trị để đi lên. Cái gì chung thì phối hợp thật tốt, cái gì đặc thù thì khai thác thật sâu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, qua quy hoạch cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức để khắc phục; từ bài toán quy hoạch để tái cấu trúc kinh tế theo hướng bền vững, theo chiều sâu, phát huy tối đa thế mạnh, hạn chế tối thiểu những mặt tiêu cực, hạn chế.
Trên cơ sở bám sát Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Thủ tướng gợi ý tỉnh tái cấu trúc kinh tế, khai thác, phát triển tối đa theo một số hướng: Tăng cường dịch vụ, thương mại; xây dựng phát triển kinh tế tri thức; kinh tế xanh; kinh tế tuần hoàn; kinh tế số; xây dựng công nghiệp văn hóa. “Phát triển Huế theo những đặc trưng chỉ đến Huế mới có”, Thủ tướng chia sẻ.
Thứ hai, phải phát huy tinh thần tự lực tự cường, tư tưởng “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, lấy nội lực là cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá; đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình. Ngoại lực là nguồn vốn, cách quản lý, cách quản trị học hỏi từ bên ngoài. Nội lực là con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa. Thủ tướng mong muốn và tin tưởng tỉnh sẽ làm được điều này.
Thứ ba, tập trung xây dựng thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh rà soát lại các luật, nghị định, thông tư, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định, giải quyết, xử lý những điểm vướng mắc, không phù hợp thực tiễn trong tổ chức thực hiện, những vấn đề phát sinh trong thực tiễn mà chưa có quy định, nếu cần thì đề xuất thí điểm, không cầu toàn, không nóng vội.
Đào tạo nguồn nhân lực theo các định hướng phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế mà Thủ tướng đã gợi ý ở trên, đồng thời thu hút nguồn nhân lực từ nơi khác.
Về hạ tầng, Thủ tướng đề nghị tỉnh đặc biệt tập trung cho hạ tầng mềm, hạ tầng chuyển đối số, hạ tầng thương mại điện tử, hạ tầng quản lý bằng công nghệ thông tin. Lãnh đạo tỉnh thời gian qua rất quan tâm công tác này và đã làm có hiệu quả, cần tiếp tục phát huy. Tăng cường cải cách hành chính dựa trên nền tảng số, càng giảm tiếp xúc trực tiếp càng tốt, đỡ việc đi lại tốn kém, mất thời gian và để người dân đỡ phiền toái.
Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động các nguồn lực phát triển trên nguyên tắc hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các chủ thể.
Thủ tướng gợi ý một số mô hình hợp tác công tư như lãnh đạo công, quản trị tư (ví dụ chính quyền xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, khu chế xuất, xây dựng cơ chế, chính sách và công cụ giám sát, kiểm tra để giao doanh nghiệp quản lý, kêu gọi đầu tư); đầu tư tư, sử dụng công (ví dụ tư nhân đầu tư công trình, nhà nước thuê lại làm trụ sở, tiết kiệm chi phí và thời gian); đầu tư công, quản lý tư (ví dụ chính quyền cho đấu thầu để tư nhân vận hành, khai thác nhà khách, bảo tàng, thư viện, công viên…).
“Biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể là từ các mô hình này”, Thủ tướng gợi ý.
Thứ năm, coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới, sắp xếp lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập; cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đặc biệt là người đứng đầu; thực hiện nghiêm, hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về các công tác này. Thủ tướng lưu ý, tình hình càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải đoàn kết, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể.
Thứ sáu là về phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh và đề nghị tỉnh tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trước dịch bệnh. Phân tích các đặc điểm hết sức nguy hiểm của biến chủng Delta, Thủ tướng nêu rõ: Phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, chống dịch phải kịp thời, quyết liệt, hiệu quả. Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch; một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất một triệu đồng chống dịch và những mất mát khác, nhất là sự mất mát về con người. Khi phát sinh ổ dịch mới thì cần khoanh lại nhanh nhất, sớm nhất, nhỏ nhất có thể, khẩn trương dập dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Phải tuyên truyền để người dân hiểu, phòng bệnh tốt thì không bị nhiễm bệnh và nếu có nhiễm bệnh mà được tiếp cận sớm y tế, từ sớm, từ xa, từ cơ sở thì không chuyển nặng, không tử vong.
Về một số đề xuất của tỉnh, Thủ tướng giao các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với tỉnh giải quyết theo đúng thẩm quyền, trên tinh thần các dự án phải có hiệu quả cao nhất, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương và khu vực. Việc phát triển Đại học Huế phải đóng góp hiệu quả vào việc đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương và khu vực. Đặc biệt, Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp nghiên cứu, xây dựng một trung tâm nghiên cứu về dược phẩm và công nghệ sinh học tại miền Trung, góp phần nâng cao năng lực y tế, phát triển công nghiệp dược của cả nước.
Thủ tướng giao các Bộ ngành, Văn phòng Chính phủ tiếp tục đôn đốc, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Thủ tướng đề nghị nếu có vướng mắc, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo các Phó Thủ tướng theo lĩnh vực phân công hoặc trực tiếp báo cáo Thủ tướng nếu cần thiết.