• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng: “Năm 2021 sẽ đảm bảo nguồn ngân sách cho ngành Văn hóa đúng với mục tiêu Trung ương đề ra”

Văn hoá 08/11/2019 19:30

(Tổ Quốc) - Lĩnh vực văn hóa được các Đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm trong phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào chiều 8/11.

Thủ tướng: “Năm 2021 sẽ đảm bảo nguồn ngân sách cho ngành Văn hóa đúng với mục tiêu Trung ương đề ra” - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn các Đại biểu. Ảnh: Nam Nguyễn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt câu hỏi đến Thủ tướng, phát triển văn hóa có phải vấn đề quan trọng trong chiến lược xây dựng đất nước ta hay không và Thủ tướng có giải pháp đột phá gì liên quan đến lĩnh vực này?

Về nguồn lực đầu tư cho văn hóa, Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội) cũng đề nghị, Chính phủ cần đảm bảo đạt 1,8% tổng chi ngân sách nhà nước cho ngành văn hóa theo đúng kết luận số 30 ngày 20/7/2004 của Hội nghị Trung ương khóa IX.

Đại biểu Hưng cũng cho rằng, về vấn đề này, Thủ tướng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã hai lần trả lời rất thuyết phục bằng văn bản về đảm bảo đầu tư cho văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế.

Cùng với đó là những giải pháp đột phá trong xây dựng con người có văn hoá, nhất là trong tình hình hiện nay khi kinh tế tăng trưởng mạnh nhưng đạo đức văn hóa lại còn nhiều bất cập, xuống cấp.

Trả lời Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, câu hỏi này rất hay và cần thiết. "Chúng ta phấn đấu một cường quốc kinh tế nhưng nếu chúng ta không trở thành một cường quốc văn hóa thì sẽ không thành công" – Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đã có trên 4.000 năm lịch sử, có một sức mạnh nền tảng rất lớn. Chính vì vậy, văn hóa có tầm chiến lược quan trọng xây dựng đất nước. Chúng ta có lợi thế đó là 54 dân tộc, anh em đoàn kết thống nhất.

Thủ tướng cho rằng, một lợi thế khác về văn hóa đó là đất nước chúng ta rất nhiều lễ hội truyền thống mà không phải dân tộc nào cũng có được. Đặc biệt, chúng ta có rất nhiều di sản được Unesco công nhận là di sản thế giới và rất nhiều di sản văn hóa khác rất quý.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, vẫn còn một số tồn tại như bất cập trong quản lý nhà nước về văn hóa; một số cuộc vận động mà Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa thực sự được quan tâm, hưởng ứng; Thu hút đầu tư để giữ gìn, phát triển văn hóa còn ít.

Thủ tướng khẳng định, bên cạnh với mục tiêu nâng thu nhập bình quân của người dân Việt Nam vượt qua mức trung bình thì Chính phủ cũng xác định phải quan tâm hết mức đến văn hóa, bản chất của người dân Việt Nam.

"Chúng ta không chấp nhận một nền văn hóa lai căng. Phải làm sao để xứng đáng với truyền thống oai hùng của dân tộc chúng ta qua 4.000 năm lịch sử" – Thủ tướng nói.

"Văn hóa soi đường cho quốc dân đi, câu nói đó đã nói lên tầm quan trọng của văn hoá" – Thủ tướng nói và nhấn mạnh: "Chính vì vậy, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý văn hoá. Kiên quyết bỏ tư duy không quản lý được thì cấm. Xây dựng ngành công nghiệp văn hóa cạnh tranh với toàn cầu; chấn chỉnh các hành vi lệch lạc về văn hoá".

Cùng với đó, Thủ tướng cũng cho rằng cần truyền thông, giáo dục về văn hoá, giáo dục con người từ nhỏ để có văn hoá, đạo đức, biết lịch sử dân tộc. Con người Việt Nam ứng xử phải có văn hóa kể cả trong gia đình và ngoài xã hội. Đồng thời phải xác định rằng, văn hóa chính là vốn quý của dân tộc.

Liên quan đến câu hỏi về nguồn lực đầu tư cho văn hóa theo Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Thủ tướng cho biết: "Với tầm quan trọng của việc giữ gìn văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội, tôi đề nghị chúng ta nhanh chóng thực hiện chủ trương này. Nếu chưa bố trí được trong năm 2020 thì phải thực hiện từ năm 2021 để văn hóa có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước chúng ta"./.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ