(Tổ Quốc) - Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ hứa hẹn nhiều tín hiệu mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm nay đã lên đường sang Mỹ, thực hiện chuyến thăm chính thức tới Mỹ từ ngày 29-31/5 theo lời mời của Tổng thống Donald Trump.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân. (Nguồn: TTXVN) |
Đây là chuyến thăm chính thức tới Mỹ đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng Chính phủ và ông cũng là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên thăm Washington sau khi Tổng thống Trump nhậm chức.
Ý nghĩa sâu sắc của chuyến thăm
Bày tỏ nhận định về chuyến thăm này, Thạc sỹ Ngoại giao Phạm Văn Quế, cố vấn cao cấp Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc tế cho biết, “Tổng thống Trump mới nhậm chức đã mời Thủ tướng Việt Nam sang thăm Mỹ đã chứng tỏ rằng phía Mỹ rất quan tâm tới việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Một cuộc gặp cấp cao giữa hai bên trong một thời gian sớm như vậy sẽ giúp thúc đẩy quan hệ Mỹ -Việt vì lợi ích chung của hai nước nói riêng và khu vực nói chung.”
Bên cạnh đó, xét trên khía cạnh “Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo đầu tiên của ASEAN tới thăm Mỹ, thì động thái này cũng sẽ giúp tăng cường và củng cố thêm vai trò của Việt Nam trong ASEAN”, Thạc sỹ Phạm Văn Quế cho hay.
"Để Việt Nam hiểu rõ hơn về Mỹ, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trên cơ sở này, hai bên có thể thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác mới, vừa có lợi cho Việt Nam, vừa có lợi cho Mỹ cũng như vừa có lợi cho hoà bình hợp tác khu vực và trên thế giới"- Ông Trần Việt Thái
Đồng tình với nhận định trên, ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao cho biết thêm, chuyến thăm này cũng khẳng định mong muốn của cả hai bên trong việc duy trì đà quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ - hiện đang phát triển rất tốt đẹp, đặc biệt là sau chuyến thăm rất thành công của nguyên Tổng thống Mỹ Obama. Về mặt chính trị và đối ngoại, chuyến thăm lần này cũng góp phần xây dựng lòng tin giữa hai bên, thông qua các chuyến thăm cấp cao để củng cố hợp tác hữu nghị.
Bên cạnh đó là để Việt Nam hiểu rõ hơn về Mỹ, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trên cơ sở này, Việt Nam và Mỹ có thể thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác mới, vừa có lợi cho Việt Nam, vừa có lợi cho Mỹ cũng như vừa có lợi cho hoà bình hợp tác khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ chính thức gửi lời mời Tổng thống Trump tới Việt Nam để tham dự APEC và thăm Việt Nam. Trước đó, chúng ta cũng đã gửi tín hiệu tới Mỹ qua nhiều kênh nhưng lời mời trực tiếp lần này sẽ có nhiều ý nghĩa hơn.
Việt Nam gửi đi thông điệp tích cực về thương mại và hợp tác
"Trọng tâm trao đổi về quan hệ kinh tế thương mại, an ninh và quân sự, trong đó có an ninh mạng. Phía Mỹ còn quan tâm đến việc tiếp cận các cơ sở hậu cần, cảng biển của Việt Nam"- Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường
Đối với các vấn đề cơ bản Việt Nam và Mỹ có thể đề cập trong chuyến thăm lần này, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, cựu Đại sứ Việt Nam ở Thụy Điển, Mexico cho biết, hai bên sẽ trọng tâm trao đổi về quan hệ kinh tế thương mại, an ninh và quân sự, trong đó có an ninh mạng. Phía Mỹ còn quan tâm đến việc tiếp cận các cơ sở hậu cần, cảng biển của Việt Nam.
Trong đó, về kinh tế, thương mại, Mỹ hiện đang quan tâm tới việc giảm bớt thâm hụt thương mại với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường nhấn mạnh, “Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia xuất siêu lớn sang Mỹ (30 tỷ USD). Nếu ta không giải quyết được vấn đề này, nghĩa là nhập khẩu nhiều sản phẩm của Mỹ để giảm thâm hụt thương mại, thì sự quan tâm của chính quyền Trump cũng sẽ giảm đi và xung đột thương mại sẽ nhân dịp này mà bột phát công khai. Có khi vì vậy mà hỏng cả nồi "xúp".”
"Hai nền kinh tế Việt – Mỹ là bù trừ nhau, không cạnh tranh trực tiếp với nhau. Có rất nhiều vấn đề hai bên có thể hợp tác" -Thạc sỹ Phạm Văn Quế
Cũng đề cập tới vấn đề này, Thạc sĩ Phạm Văn Quế bày tỏ, “dù thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Mỹ còn cao nhưng về cơ bản, hai nền kinh tế Việt – Mỹ là bù trừ nhau, không cạnh tranh trực tiếp với nhau. Có rất nhiều vấn đề hai bên có thể hợp tác với nhau và trong tương lai có thể mở rộng thêm quy mô hợp tác.”
Chia sẻ nhận định trên, ông Trần Việt Thái cho biết, thông qua chuyến thăm này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phía Việt Nam sẽ gửi một thông điệp tới cả chính giới Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ rằng, Việt Nam đang tiếp tục đổi mới, mở cửa, cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam. Qua đó thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tạo công ăn việc làm, từ đó thu hẹp khoảng cách thâm hụt thương mại.
Đồng thời, Việt Nam cũng đang hướng đến việc tìm kiếm khuôn khổ hợp tác mới về thương mại, đầu tư, từ đó tạo thuận lợi hơn cho quan hệ kinh tế, thương mại, công ăn việc làm và tiến tới giải quyết nhiều vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, chuyến thăm này cũng nhằm chứng tỏ với người dân Mỹ rằng, Việt Nam đang đổi mới, mở cửa năng động và sẵn sàng chào đón người Mỹ sang Việt Nam du lịch, thăm thân. Đặc biệt, đối với cộng đồng người Việt tại Mỹ thì động thái này đã khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam rằng dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam là một. Tất cả phải cùng chung tay, đoàn kết xây dựng đất nước Việt Nam hoà hợp, hoà giải.
Đẩy mạnh hợp tác an ninh, quân sự
Thạc sĩ Phạm Văn Quế đã chia sẻ một số tín hiệu tích cực về an ninh, quân sự ngay trước chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang Mỹ lần này. “Mỹ vừa cung cấp cho Việt Nam một số tàu tuần duyên tương đối hiện đại theo cam kết trước đó. Động thái này diễn ra ngay trước khi Thủ tướng ta đi thăm Mỹ cho thấy Hoa Kỳ vẫn tiếp nối chính sách đối ngoại song phương lâu nay.”
"Mỹ đang khẳng định cam kết tiếp tục trợ giúp Việt Nam nâng cao năng lực an ninh biển, bảo vệ tốt nhất lợi ích cho Việt Nam về vấn đề an ninh biển đảo"- Ông Trần Việt Thái
Đồng tình với nhận định này, ông Trần Việt Thái cũng cho biết, hành động trên cũng khẳng định cam kết của Mỹ tiếp tục trợ giúp Việt Nam nâng cao năng lực an ninh biển, bảo vệ tốt nhất lợi ích cho Việt Nam về vấn đề an ninh biển đảo và các lĩnh vực khác liên quan đến an ninh, quốc phòng.
Bên cạnh đó, Thạc sỹ Phạm Văn Quế cũng cho biết phía Mỹ cũng vừa nối lại tuần tra tự do hàng hải FONOP trên Biển Đông. Đây là hoạt động FONOP đầu tiên dưới thời Tổng thống Trump – điều chứng tỏ một tín hiệu tích cực chứng tỏ Mỹ tái khẳng định cam kết duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông và hỗ trợ cho sự thành công của chuyến đi.
Dòng chảy chính là hợp tác
Về triển vọng của chuyến thăm, ông Trần Việt Thái bày tỏ, dù còn một số vấn đề về mặt kĩ thuật nhưng dòng chảy chính của chuyến thăm này là để thúc đẩy quan hệ hợp tác và xây dựng lòng tin.
“Mỹ vẫn xem trọng vị trí địa chiến lược của Việt Nam, tuy nhiên, Việt Nam cần cụ thể hóa nó ra, nói theo cách người Mỹ thường dùng, là phải "đổi ra tiền lẻ"- Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường cũng khẳng định, “Mỹ vẫn xem trọng vị trí địa chiến lược của Việt Nam, tuy nhiên, Việt Nam cần cụ thể hóa nó ra, nói theo cách người Mỹ thường dùng, là phải "đổi ra tiền lẻ".”
Còn Thạc sỹ Phạm Văn Quế cũng chia sẻ, sắp tới, khi Tổng thống Trump thực hiện cam kết đến Việt Nam tham dự APEC và có các cuộc gặp cấp cao với các nhà lãnh đạo Việt Nam thì đây sẽ là điều chưa từng thấy trong quan hệ Việt – Mỹ. Theo kịch bản này, chỉ trong một năm, hai bên có hai cuộc tiếp xúc cấp cao, một ở Washington và một ở Việt Nam – động thái chắc chắn sẽ mang đến những ý nghĩa quan trọng.