• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Định hình công tác đối ngoại phù hợp để hóa giải thách thức, tận dụng thời cơ để phát triển

Thế giới 15/12/2021 17:19

(Tổ Quốc) - Tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Ngoại giao 31 ngày 15/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ ra những thay đổi, biến động nổi bật trong hai năm vừa qua mà ngành ngoại giao cần xác định rõ để đề ra những đường hướng phù hợp trong thời gian tới.

Sáng 15/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động, thích ứng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” tại đầu cầu Nhà làm việc Bộ Ngoại giao, Hà Nội.

Việt Nam chọn lẽ phải lớn của thời đại là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đến dự Hội nghị. Ảnh: Baoquocte.

Cùng dự Hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Chủ nhiệm Uỷ ban xã hội của Quốc hội Nguyễn Duy Anh và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, nguyên lãnh đạo Chính phủ, Bộ Ngoại giao.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao chủ đề của Hội nghị lần này là “Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, thể hiện sự quyết tâm, tính chiến đấu của toàn ngành ngoại giao.

Trong bối cảnh thế giới còn có nhiều biến động, đặc biệt là diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra những thay đổi, biến động nổi bật trong hai năm vừa qua mà ngành ngoại giao cần xác định rõ để đề ra những đường hướng phù hợp trong thời gian tới.

Việt Nam chọn lẽ phải lớn của thời đại là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: KQ.

Trong tình hình này, Thủ tướng nhấn mạnh một số thành tựu xuất sắc mà ngành ngoại giao đã đạt được.

Một là nắm chắc tình hình, dự báo chiến lược để kiến nghị, tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiến hành các hoạt động đối nội, đối ngoại.

Hai là góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà đất nước đảm nhiệm tại các tổ chức quốc tế như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN 2020.

Ba là Chính phủ thành lập Tổ công tác về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng đã đóng góp tích cực, hiệu quả vào công tác phòng chống dịch Covid-19.

Thông qua đường ngoại giao, Việt Nam từ một nước tiếp cận vaccine Covid-19 chậm trở thành một nước tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới; góp phần giúp Việt Nam làm chủ vaccine, chủ động thích ứng an toàn và kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 để tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội.

Bốn là, làm cho bạn bè quốc tế yêu mến, quý trọng, tin tưởng và giúp đỡ Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt là các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Qua đó, triển khai hiệu quả ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế.

Năm là, lực lượng ngoại giao Việt Nam trưởng thành hơn về mọi mặt, tư duy, hành động và hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Có được những thành tích nêu trên là nhờ ngành Ngoại giao đã cụ thể hóa, thực hiện nghiêm túc đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết thống nhất, phát huy truyền thống ngành Ngoại giao, linh hoạt thích ứng với tình hình mới; với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương và bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng gợi mở những vấn đề ngành Ngoại giao phải chú ý tập trung giải quyết. Trong hai năm tới, Thủ tướng cho rằng cần phải dự báo tình hình quốc tế trên cơ sở đánh giá những kết quả đã làm được và chưa làm được, để từ đó định hình công tác đối ngoại cho phù hợp để hóa giải thách thức, tận dụng thời cơ để phát triển.

Một số vấn đề được Thủ tướng gợi mở đó là: Tình hình thế giới, khu vực hiện cạnh tranh chiến lược rất rõ, đặc biệt là tại châu Á-Thái Bình Dương, dịch bệnh Covid-19, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các thách thức như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, già hóa dân số, sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường… Đây là những vấn đề toàn cầu, đòi hỏi cách tiếp cận toàn cầu, có sự đoàn kết quốc tế.

Vì vậy, Việt Nam cần phải nắm rõ những xu hướng này để có được chính sách, đường lối đối ngoại phù hợp, phục vụ cho mục tiêu quốc gia-dân tộc, nhưng vẫn giữ được sự hòa hiếu, nhân ái trong quan hệ đối ngoại. "Là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, Việt Nam cần phải có sự chia sẻ, phối hợp hợp tác với quốc tế, góp phần bảo vệ sự bình yên của thế giới, an toàn của mọi công dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay.

Thủ tướng cũng nêu rõ một số nội dung, nhiệm vụ trong triển khai 3 trụ cột ngoại giao gồm ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa.

Về ngoại giao chính trị, kiên định triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, để bạn bè, đối tác quốc tế ngày càng tin cậy và yêu mến Việt Nam, hiểu rõ hơn và ủng hộ con đường đi lên CNXH của Việt Nam, giải quyết các vấn đề trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. “Tinh thần là chúng ta không “chọn bên” mà chọn lẽ phải lớn của thời đại là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Hoạt động ngoại giao kinh tế phải tích cực góp phần vào xây dựng và hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút và phát triển công nghệ xanh, tài chính xanh, nâng cao năng lực quản trị quốc gia; thúc đẩy các FTA hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tham gia vào các chuỗi liên kết toàn cầu, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; tham gia tích cực vào phòng chống COVID-19, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chuyển từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, chuyển đổi sáng tạo; ứng phó với các thách thức toàn cầu như đã chỉ ra.

Ngoại giao văn hóa cần tích cực triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ về văn hóa mà Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã xác định theo tinh thần phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội, thúc đẩy việc thế giới công nhận các di sản của Việt Nam, phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn…

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ