(Tổ Quốc) - Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) từ ngày 25 đến ngày 28/6.
Theo thông tin cập nhật mới nhất trong họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều ngày 22/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) từ ngày 25 đến ngày 28/6.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Chính diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước duy trì xu thế phát triển tốt đẹp, đặc biệt là sau chuyến thăm Trung Quốc chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuối năm 2022.
"Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 là 175 tỷ đôla. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dự lễ đón chính thức và tham dự hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường; tham gia các cuộc hội kiến với các lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc; trao đổi các biện pháp lớn tăng cường hợp tác giữa hai nước nhằm tiếp tục cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao đạt được trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc", bà Phạm Thu Hằng cho biết.
Chuyến thăm cũng là nhằm thực hiện tuyên bố chung của Việt Nam – Trung Quốc năm 2022 để thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Trung Quốc, phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.
Theo bà Phạm Thu Hằng, hai bên cũng sẽ trao đổi các biện pháp duy trì hòa bình ổn định khu vực cũng như các vấn đề quốc tế - khu vực cùng quan tâm.
"Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Diễn đàn Việt Nam - Trung Quốc, gặp gỡ với cộng đồng người Việt tại Trung Quốc và tiếp một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc", bà Phạm Thu Hằng nói.
Về quan hệ giữa Việt Nam và WEF, trong thời gian qua, theo bà Phạm Thu Hằng, quan hệ giữa hai bên tiếp tục phát triển tốt đẹp, hợp tác hai bên ngày càng thực chất, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như tư vấn chính sách vĩ mô, giảm rác thải nhựa, nông nghiệp bền vững, đào tạo nguồn nhân lực và chuyển đổi số./.