• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận hệ thống chứng chỉ bền vững trong kinh doanh dịch vụ du lịch

Du lịch 23/05/2024 16:31

(Tổ Quốc) - Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được hỗ trợ tiếp cận hệ thống các chứng chỉ bền vững trong kinh doanh dịch vụ du lịch thông qua tọa đàm do Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức.

Ngày 23/5, tại TP Huế, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam với sự tài trợ của WWF-Na Uy đã tổ chức Tọa đàm về tiếp cận các hệ thống chứng chỉ bền vững trong kinh doanh dịch vụ du lịch. Sự kiện có sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch dịch vụ, các điểm du lịch, các cơ sở dịch vụ đạt chuẩn,… trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận hệ thống chứng chỉ bền vững trong kinh doanh dịch vụ du lịch - Ảnh 1.

Hình ảnh tại buổi tọa đàm.

Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh thành tiên phong thúc đẩy phát triển du lịch giảm nhựa và tiêu biểu là năm 2024 thành phố Huế được vinh danh là thành phố du lịch sạch ASEAN. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong thời gian qua, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế và Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa trong các hoạt động du lịch, cũng như góp phần xây dựng hình ảnh thành phố Huế với môi trường Xanh - Sạch - Sáng, là điểm đến du lịch thân thiện, lý tưởng.

Hiện nay, trên địa bàn có Điểm du lịch Lương Quán – Nguyệt Biều đã triển khai thành công mô hình thí điểm Điểm đến du lịch giảm thiểu rác thải nhựa; Có 7 khách sạn thuộc thành viên Hội Khách sạn và 3 công ty lữ hành thuộc Hội Lữ hành đã triển khai thành công kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động kinh doanh và được du khách, các đối tác kinh doanh đánh giá cao.

Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận hệ thống chứng chỉ bền vững trong kinh doanh dịch vụ du lịch - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện đã triển khai giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động kinh doanh.

Tiếp tục triển khai lộ trình giảm thiểu rác thải nhựa của ngành du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2023-2025, buổi tọa đàm được tổ chức là dịp để cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp du lịch dịch vụ và các đơn vị liên quan tại tỉnh Thừa Thiên Huế về kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành Du lịch và của Quốc gia. Đồng thời, giới thiệu đến các đơn vị kinh doanh du lịch trong tỉnh về các chứng chỉ bền vững phổ biến tại Việt Nam và quốc tế. Sự kiện còn chia sẻ một số mô hình, sáng kiến, thực hành của các doanh nghiệp đã tiếp cận thành công hệ thống chứng chỉ bền vững trong kinh doanh du lịch.

Theo Ban Tổ chức, chứng chỉ bền vững trong kinh doanh du lịch dịch vụ được xây dựng nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch thân thiện hơn với môi trường và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, đồng thời cung cấp cho doanh nghiệp các biện pháp cải tiến vận hành để giảm bớt ảnh hưởng đến môi trường. Hiện nay, một số chứng chỉ du lịch bền vững uy tín như Earthcheck, Travelife đã và đang được nhiều doanh nghiệp du lịch dịch vụ tại Việt Nam quan tâm và áp dụng.

"Hy vọng rằng, thông qua buổi tọa đàm lần này, các đơn vị sẽ hiểu rõ hơn được tầm quan trọng của hành động giảm thiểu rác thải nhựa, quan tâm và quyết tâm xây dựng cho doanh nghiệp mình một kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa cụ thể nhằm thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; góp phần bảo vệ môi trường chung và phát triển du lịch nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của ngành, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của tỉnh nhà", ông Nguyễn Văn Phúc chia sẻ tại tọa đàm.

Dự án "Huế - Đô thị Giảm Nhựa ở miền Trung Việt Nam" được xây dựng với sự tài trợ của WWF-Na Uy (thông qua WWF-Việt Nam) và tiếp nhận bởi UBND thành phố Huế nhằm mục tiêu hỗ trợ thành phố bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, thông qua một loạt các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các khối công tư, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương với mục tiêu giảm 30% lượng thất thoát rác thải nhựa vào năm 2024.

Dự án được thực hiện trong 4 năm, từ năm 2021-2024 và được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn khởi động dự án (2021) và giai đoạn triển khai thực hiện (2022-2024).

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ