(Tổ Quốc) - Sau lũ, tỉnh Thừa Thiên Huế đang khẩn trương triển khai các công tác khắc phục nhằm sớm ổn định cuộc sống cho người dân.
- 16.10.2022 Thừa Thiên Huế: Khẩn trương khắc phục 37 điểm sạt lở do mưa lớn
- 15.10.2022 Khách Tây trải nghiệm đi thuyền giữa phố, người dân giăng lưới bắt cá bên Kinh thành Huế sau mưa
- 15.10.2022 Nhiều tuyến đường TP Huế bị ngập nặng, người dân bì bõm lội nước để di chuyển
- 15.10.2022 Nhiều nơi ngập do mưa lớn, người dân Thừa Thiên Huế trắng đêm chạy lũ
- 14.10.2022 Thừa Thiên Huế sẵn sàng phương án ứng phó mưa lũ, học sinh vùng thấp trũng nghỉ học từ chiều 14/10
Ngày 16/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức cuộc họp triển khai khắc phục hậu quả lũ lụt. Cuộc họp do ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Phương Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì được kết nối trực tuyến đến các huyện, thị xã, TP Huế cùng các đơn vị liên quan.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tình hình mưa lũ đã qua thời điểm căng thẳng nhất, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp. Đến thời điểm hiện nay đã qua thời điểm đỉnh lũ, trong công tác vận hành, điều tiết sẽ cố gắng hạ thấp mực nước sông. Các địa phương cần chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó, thậm chí phải tính đến phương án ngập lũ dài ngày.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, từ ngày hôm nay (16/10), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến khu vực đồng bằng Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ. Từ ngày mai (17/10) bộ phận không khí lạnh trên sẽ ảnh hưởng tới các tỉnh Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế. Do mưa lớn nên có nguy cơ cao xảy ra ngập úng đô thị, đặc biệt là những tuyến đường thấp trũng và hệ thống thoát nước chậm ở TP Huế, thị xã Hương Trà, Hương Thủy.
Ông Nguyễn Văn Phương cho hay, tỉnh đang cố gắng nương theo hình thế của các điều kiện liên quan thì sẽ cố gắng giảm mực nước sông xuống, và nguyên tắc là sẽ không để tăng thêm với điều kiện thời tiết khá thuận lợi hiện nay. Tuy nhiên không thể xuống nhanh được vì do triều cường vẫn đang còn lớn và nước ở trên các hồ về đang còn tương đối chứ không phải đã ngưng hoàn toàn mưa.
"Chúng tôi cố gắng nhiều cách để đảm bảo sinh kế của người dân và các hoạt động khác của xã hội. Trong 3 ngày tới, các hồ chứa sẽ vận hành để nước sông giảm xuống, cùng với đó vẫn phải có dư địa để các hồ cắt lũ cho các đợt mưa tiếp theo", ông Nguyễn Văn Phương nói.
Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong công tác ứng phó mưa lũ, ông Lê Trường Lưu Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhấn mạnh cần hạn chế thấp nhất thiệt hại. Theo ông Lê Trường Lưu, việc vận hành hồ đập phải chủ động, đảm bảo an toàn. Cần tuyên truyền, nhắc nhở người dân trong và sau lũ. Trong công tác hỗ trợ người dân nên tổ chức một số đội y tế cơ động và đặc biệt lưu tâm đến công tác di dân, đề phòng sạt lở.
Tập trung, chủ động khắc phục
Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, sau lũ, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP Huế theo địa bàn quản lý đã trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại do lũ gây ra. Vận động các hộ gia đình, cá nhân, các tổ chức trên địa bàn tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão, lũ; chủ động thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn; quan tâm hỗ trợ các gia đình khó khăn.
Hiện tại, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Sở LĐTB&XH, Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai các chính sách hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do mưa lũ theo quy định. Địa phương cũng huy động các lực lượng tập trung hỗ trợ người dân khắc phục nhà cửa bị sạt lở, tổ chức dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo sinh hoạt trở lại. Đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, hộ chính sách sớm ổn định cuộc sống. Cùng với đó, sửa chữa các công trình trường học, bệnh viện, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sản xuất trên địa bàn.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã huy động cán bộ chiến sỹ, phương tiện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Các huyện, thị xã và TP Huế, Sở GTVT đã chỉ đạo khôi phục lại hệ thống biển báo bị hư hỏng, dọn dẹp cây xanh, rác thải trên các tuyến đường giao thông. Trong chiều 16/10 đã thông xe trở lại bình thường QL1A, QL49 lên huyện A Lưới; đường sắt đã khôi phục trở lại. Các tuyến tỉnh lộ bị ngập đã bố trí rào chắn.
Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã huy động lực lượng khôi phục dần các phụ tải để cấp điện lưới trở lại; Đến 15h ngày 16/10 đã khôi phục cấp điện trở lại cho khoảng 98% hộ, còn một số điểm nhỏ tại huyện Quảng Điền, Phong Điền.
Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã triển khai chỉ đạo vệ sinh trường lớp, cho học sinh các trường đảm bảo an toàn đi học trở lại vào sáng ngày 17/10.
Đợt mưa lũ vừa qua trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã gây ngập cho khoảng 19.918 nhà dân, với độ sâu từ 0,3-0,8m. Hệ thống đường ở các huyện, thị xã hầu hết cũng ngập úng, bị cô lập. Toàn tỉnh có 37 điểm sạt lở. Đến chiều nay (16/10) vẫn còn 17.213 nhà bị ngập.
Địa phương cũng ghi nhận có 2 người chết, 1 người bị thương; 1 nhà dân bị sập; 2 nhà dân bị đất đá lùa vào; Về hoa màu có 3.000 chậu hoa cúc, 15ha hoa màu của người dân bị ngập úng, hư hại; 120ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thất thoát do lụt.