(Tổ Quốc) - Hội thảo quốc tế về "Thúc đẩy hợp tác an ninh biển ở Biển Đông", do Học viện Ngoại giao (DAV), Đại sứ quán Anh, Đại sứ quán Australia phối hợp đồng tổ chức, đã diễn ra ngày 4/12 tại Hà Nội.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu, trong đó có các học giả từ các nước trong và ngoài khu vực, đại diện gần 30 phái đoàn ngoại giao tại Việt Nam và các chuyên gia và học giả Việt Nam trên lĩnh vực an ninh và luật pháp quốc tế trên biển.
Các đại biểu tham gia thảo luận
Với sự tham gia của các diễn giả quốc tế và khu vực đến từ Ủy ban Luật pháp quốc tế LHQ (UN ILC), Anh, Australia, Pháp, Nhật Bản, Malaysia, Philippines và Việt Nam, hội thảo tập trung vào ba phiên với các nội dung lần lượt là Kinh nghiệm khu vực và quốc tế về trên phân định biển và giải quyết tranh chấp trên biển; Các khía cạnh pháp lý trong hoạt động và hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp lý trên biển và Thúc đẩy hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên Biển Đông.
Phát biểu khai mạc, TS Phạm Lan Dung (Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao) đã chia sẻ về những đặc điểm chính trong chính sách hàng hải của Việt Nam. Là một quốc gia ven biển, Việt Nam kiên trì hướng tới hòa bình và ổn định khu vực; trật tự hàng hải dựa trên nền tảng của luật pháp quốc tế, và giải quyết các vấn đề mới nổi bằng các phương tiện hòa bình, phù hợp với Hiến chương LHQ, UNCLOS 1982 và các quy định khác của luật pháp quốc tế hiện hành. Chúng tôi mong muốn mở rộng hợp tác hàng hải quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế để phục vụ các mục đích nêu trên.
Theo Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chitick, đây là cơ hội để tập trung vào những tiến triển trong lĩnh vực hàng hải. Điều này không kém phần quan trọng so với các vấn đề khác như phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, thương mại tự do. ASEAN, Australia và nhiều quốc gia khác có tầm nhìn, diễn tiến chung với khu vực cũng như về nguyên tắc vận hành, điều hành khu vực. "Chúng ta ủng hộ một khu vực trong đó các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế và không có đe dọa, sử dụng vũ lực hay sự cưỡng ép".
Còn ông Steph Lysaght, Phó Đại sứ Anh tại Hà Nội, nhấn mạnh: Các tổ chức đa phương của chúng ta cũng đang gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm sự đồng thuận và giải pháp. Chúng ta sẽ nói chuyện về điều này qua lăng kính an ninh hàng hải ở Đông Nam Á. Đây cũng là một vấn đề đa chiều và quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề này ở Đông Nam Á và lĩnh vực hàng hải cũng nằm trong một tập hợp các vấn đề lớn hơn mà chúng ta phải đối mặt…. Và có một điều quan trọng với những hội thảo như ngày hôm nay là để khẳng định rằng, trật tự dựa trên hệ thống quốc tế đang có hiệu quả.
Theo TS Phạm Lan Dung, hội thảo này là một hoạt động khoa học thể hiện tinh thần chủ động và trách nhiệm trong việc bảo vệ hoà bình và trật tự khu vực và luật pháp quốc tế, là không gian để các học giả chia sẻ nghiên cứu, quan điểm và tìm kiếm các ý tưởng mới phù hợp, thúc đẩy hợp tác vì an ninh và ổn định trong khu vực.