• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thúc đẩy quan hệ với Syria, Saudi Arabia gửi tín hiệu mạnh đến Mỹ

Thế giới 25/05/2023 12:31

(Tổ Quốc) - Hoàng thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (MbS) đã chiếm vị trí trung tâm sau khi chủ trì buổi lễ tái kết nạp Syria vào Liên đoàn Ả Rập. Động thái này được cho là gửi đi một số tín hiệu đến Mỹ, theo Reuters.

Lời chào nồng nhiệt của ông MbS dành cho Tổng thống Bashar al-Assad tại hội nghị thượng đỉnh Ả Rập với nụ hôn lên má và cái ôm ấm áp đã diễn ra bất chấp sự phản đối của Mỹ đối với việc Syria quay trở lại. Động thái này cũng tạo ra một bước ngoặt cho vị thế của ông MbS do thực tế địa chính trị thúc đẩy.

Lâu nay, ông MbS vẫn luôn tìm cách tái khẳng định vị thế của Saudi Arabia là một cường quốc khu vực bằng cách tận dụng sức mạnh của một ông lớn về năng lượng giữa lúc thế giới dầu mỏ gặp nhiều khó khăn vì xung đột ở Ukraine.

Bị các quốc gia phương Tây chỉ trích sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại năm 2018, ông MbS hiện tại có thể coi là một tiếng nói Washington không thể coi thường cũng như không thể bỏ qua và phải tìm cách đối thoại.

Hoài nghi về những lời hứa của Mỹ về an ninh của Saudi Arabia, cũng như không hài lòng với giọng điệu trách móc của Washington, ông MbS đang xây dựng quan hệ với các cường quốc toàn cầu khác và, bất chấp phản ứng của Washington, đang hàn gắn lại mối quan hệ với những nước từng là đối thủ khu vực.

Trong khi Washington dường như ít can dự hơn vào Trung Đông và ít tiếp thu những lo lắng của Riyadh, ông MbS đang theo đuổi chính sách khu vực của riêng mình với sự tôn trọng ít rõ ràng hơn đối với quan điểm của đồng minh quyền lực nhất.

Thúc đẩy quan hệ với Syria, Saudi Arabia gửi tín hiệu mạnh đến Mỹ - Ảnh 1.

Ông MbS chào đón Tổng thống Syria Bashar Al Assad tại thượng đỉnh Ả Rập tuần trước. Ảnh: Anadolu Agency.

Sự tự tin của ông MbS trên vũ đài thế giới không chỉ thể hiện khi ông tiếp đón ông Assad. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đến dự cuộc họp ở Jeddah và ông MbS cũng đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Kiev và nhà sản xuất dầu mỏ Moscow.

Ông Abdulaziz al-Sager, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu vùng Vịnh, chia sẻ: "Đây là một tín hiệu mạnh mẽ gửi tới Mỹ rằng 'chúng tôi đang định hình lại các mối quan hệ của chúng tôi mà không có các bạn'".

Chuyên gia này nói thêm: "Ông ấy không nhận được những gì mình muốn từ phía bên kia (Mỹ)".

Tăng cường vị thế ngoại giao

Vị thế của ông MbS đã được củng cố vào năm ngoái khi các nền kinh tế phương Tây quay sang Saudi Arabia để nhờ hỗ trợ thị trường dầu mỏ sau những bất ổn về xung đột Ukraine. Điều này tạo cơ hội cho ông MbS tăng cường hình ảnh ngoại giao khi xuất hiện tại nhiều hội nghị thượng đỉnh.

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 7 năm ngoái tới Saudi Arabia cũng đã chứng minh ảnh hưởng trở lại của Riyadh. Trong khi nhà lãnh đạo Mỹ không gặt hái được gì nhiều thì ông MbS có được cam kết công khai của Mỹ đối với an ninh Saudi.

Trong khi đó, việc Saudi xoay trục khỏi Mỹ đã được thể hiện rõ ràng khi Trung Quốc làm trung gian hòa giải trong năm nay cho một thỏa thuận giữa Riyadh và đối thủ Iran sau nhiều năm thù địch.

Trong khi đó, ông MbS cũng đã cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và chấm dứt tẩy chay Qatar.

Nhà báo người Saudi Arabia Abdulrahman Al-Rashed viết trên báo Asharq Al-Awsat: "Trong ba năm qua, vết nứt đã bị chôn vùi và các mối quan hệ đã được hàn gắn".

Vẫn tiếp nối quan hệ Mỹ - Saudi Arabia

Reuters dẫn nhận định của một quan chức vùng Vịnh cho biết mối quan hệ mới của Saudi Arabia với Mỹ hiện tại trực tiếp hơn và dần thay thế mô hình lấy dầu đổi quốc phòng cũ.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết mối quan hệ giữa họ là "một mối quan hệ quan trọng kéo dài 8 thập kỷ và qua nhiều thế hệ, giữa các chính quyền ở đất nước chúng tôi và giữa các nhà lãnh đạo ở Saudi Arabia. Chúng tôi có nhiều lợi ích khi nói đến mối quan hệ của chúng tôi với Saudi... Chính sách và cam kết của chúng tôi sẽ tìm cách đảm bảo rằng mối quan hệ của chúng tôi vẫn bền vững và có thể đáp ứng những thách thức chung trong tương lai."

Trong khi đó, Riyadh từng tỏ ra không hài lòng trước việc Mỹ rút lại sự ủng hộ đối với các hoạt động của họ tại Yemen. Và Washington cũng liên tục thúc giục vương quốc này chịu trách nhiệm về an ninh của chính mình.

Nguồn tin trên cũng chia sẻ với Reuters rằng nếu không có sự can thiệp trực tiếp của Mỹ hoặc hỗ trợ cho các nỗ lực quân sự của họ, Riyadh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đạt được thỏa thuận với Iran - ngay cả khi điều đó khiến Washington khó chịu.

Mỗi bên có một danh sách các yêu cầu mà bên kia không sẵn sàng đáp ứng, quan chức vùng Vịnh trên cũng đánh giá thêm.

Tuy nhiên, cả hai bên không có nhiều sự lựa chọn ngoài việc tiếp tục hợp tác với nhau. Dù Saudi Arabia có thể thấy chiếc ô an ninh của Mỹ bị suy yếu, nhưng vẫn coi đó là điều cốt yếu đối với nền quốc phòng của mình. Trong khi đó, các quốc gia phương Tây cũng cần nhớ rằng ảnh hưởng của Riyadh trong một thị trường dầu mỏ đầy biến động đòi hỏi họ phải duy trì quan hệ tích cực với Saudi.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ