• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Thực hư" bầu cử tổng thống Mỹ đối mặt nguy cơ can thiệp gia tăng từ bên ngoài

Thế giới 02/08/2020 13:01

(Tổ Quốc) - AP đăng tải, trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3/11, hiện có những dấu hiệu mới cho thấy hệ thống bầu cử quốc gia Mỹ một lần nữa đang phải đối mặt với khả năng bị tấn công từ các đối thủ nước ngoài.

Những ngày gần đây, giới chức tình báo Mỹ xác nhận, các yếu tố nước ngoài đang tích cực tìm cách gây tổn hại các kênh liên lạc riêng của "loạt chiến dịch chính trị, ứng cử viên và những mục tiêu chính trị khác của Mỹ" trong khi cố gắng phá hoại hạ tầng cơ sở bỏ phiếu toàn quốc. Các thực thể nước ngoài cũng liên tiếp lan truyền các thông tin sai sự thật gây bối rối cho cử tri Mỹ trong bối cảnh ngày bầu cử đang tới gần.

Cho tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có chứng cứ cho thấy các đối thủ của Mỹ đã xâm nhập thành công vào các chiến dịch hoặc hệ thống bầu cử các bang. Tuy nhiên, trong tuần vừa qua, chiến dịch tranh cử của ứng viên tổng thống Joe Biden tiết lộ, họ đang đứng trước rất nhiều nguy cơ khác nhau. Đội đoàn của cựu phó tổng thống không cung cấp chi tiết cụ thể hơn vì lo ngại có thể khiến các đối thủ có được thông tin tình báo giá trị.

"Thực hư" bầu cử tổng thống Mỹ đối mặt nguy cơ can thiệp gia tăng từ bên ngoài - Ảnh 1.

(ảnh minh hoạ: getty)

Một phần do tính bí mật, sự can thiệp từ nước ngoài chủ yếu vẫn là một vấn đề được tính đến sau trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng năm 2020. Mặc dù vậy, cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều coi đó là một nguy cơ nghiêm trọng, có thể thay đổi cuộc bầu cử vào bất kỳ thời điểm nào. Chiến dịch của ông Biden đang ngày càng e ngại rằng, các nguồn thân Nga đã lan tỏa thông tin sai lệch về gia đình Biden với chiến dịch của Tổng thống Donald Trump và các đồng minh Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ. Những động thái này nhằm gây tổn thương cho ứng viên Đảng Dân chủ ngay trước ngày bầu cử.

Khi được hỏi trực tiếp, chiến dịch của ông Trump từ chối xác nhận liệu họ đã có được các thông tin liên quan tới ông Biden từ một quốc gia nước ngoài hay không. Năm ngoái, ông Trump đã phải đối mặt với một cuộc điều tra luận tội sau khi bị cáo buộc gây sức ép lên các nhà lãnh đạo Kiev để tiến hành điều tra công việc của con trai ông Biden là Hunter Biden tại Ukraine.

Thượng nghị sỹ Ron Johnson, một đồng minh chủ chốt của Tổng thống Trump và là chủ tịch Uỷ ban An ninh Nội địa Thượng viện tuyên bố, chưa từng nhận được bất kỳ thông tin chống phá ông Biden nào từ nước ngoài. Phát biểu được đưa ra sau khi ít nhất một người quốc tịch Ukraine là Oleksandr Onyshchenko thừa nhận với tờ Washington Post, ông đã chia sẻ các cuộn băng và biên bản ghi lại nội dung với ủy ban của ông Johnson và một đồng minh khác của ông Trump – luật sư Rudy Giuliani. Hôm thứ 6 (30/7), Hạ viện do Dân chủ kiểm soát của Mỹ cho hay, họ đã gửi trát gọi điều trần tới Ngoại trưởng Mike Pompeo liên quan tới những tài liệu ông này từng nộp cho ủy ban của nghị sỹ Johnson.

"Các nỗ lực an ninh bầu cử của Mỹ sẽ gánh chịu tác hại khi Đảng Dân chủ sử dụng nguy cơ thông tin sai lệch từ Nga như một vũ khí để tạo nên nghi ngờ cho những cuộc điều tra mà họ không thích", phát ngôn viên của ông Johnson, Austin Altenburg nói.

Các chiến dịch tranh cử và các ủy ban bầu cử đảng tại Mỹ đều thường xuyên nhận được các thông tin từ Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia. Gần đây, giám đốc trung tâm Bill Evanina đã đưa ra một thông cáo xác định Nga tiếp tục cố gắng can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Theo ông Evanina, Moscow đã lan truyền các thông tin sai lệch nhằm phá hủy niềm tin vào nền dân chủ Mỹ và "bôi nhọ những gì họ coi là các thể chế bài Nga tại Mỹ".

Nguy cơ không chỉ đến từ Nga. Ông Evanina nhấn mạnh, Trung Quốc cũng đang tìm cách làm ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ, đối phó với làn sóng chỉ trích Bắc Kinh và gây sức ép lên các nhân vật chính trị được cho là phản đối lợi ích của Bắc Kinh. Iran cũng tham gia truyền bá tin tức giả và các nội dung chống Mỹ trên Internet.

Mặc dù không thông báo cụ thể các nguy cơ từ nước ngoài đối với chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump, tuy nhiên, ông Matthew Morgan - một cố vấn của chiến dịch chỉ ra, những nỗ lực không ngừng của Đảng Cộng hòa nhằm áp dụng các yêu cầu về nhân thân của cử tri trên toàn quốc (như xác định hình ảnh, so sánh chữ ký và đòi hỏi nhân chứng…), là một công cụ quan trọng giúp ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, vấn đề can thiệp từ bên ngoài đóng một vai trò quan trọng.

Các cơ quan tình báo Mỹ khẳng định, đặc vụ Nga đã tìm cách giúp đỡ chiến dịch của Trump bằng cách xâm nhập vào hệ thống server của Uỷ ban Quốc gia Đảng Dân chủ và sau đó chia sẻ các tin nhắn bị đánh cắp với trang WikiLeaks. Cùng lúc họ cũng triển khai một chiến dịch trên mạng xã hội nhằm "gieo rắc" nghi ngờ trong các cử Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn, Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Mark Warner cho rằng, các đối thủ nước ngoài "không bao giờ dừng can thiệp vào quá trình bầu cử" của nước Mỹ. Ông lưu ý, những can thiệp từ bên ngoài trong năm 2020 có thêm một số chiến thuật mới hơn so với bốn năm trước. Ví dụ như, Cơ quan Nghiên cứu Internet (một đơn vị của Nga bị cáo buộc là chuyên sản xuất các thông tin giả trên mạng) hiện đang hoạt động dưới một tên khác.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ