• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thực hư công nghệ tên lửa đạn đạo tại vùng Vịnh với sự ra tay của Trung Quốc

Thế giới 24/12/2021 10:59

(Tổ Quốc) - Theo tin từ CNN, các cơ quan tình báo Mỹ đánh giá rằng Saudi Arabia đang nỗ lực sản xuất tên lửa đạn đạo của riêng mình với sự giúp đỡ của Trung Quốc.

Đây là một động thái có thể kéo theo nhiều hệ lụy đáng kể trên khắp Trung Đông và làm phức tạp những nỗ lực của chính quyền Biden nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran, đối thủ hàng đầu trong khu vực của Saudi Arabia, CNN nhận định.

Saudi Arabia được biết là từng mua tên lửa đạn đạo từ Trung Quốc nhưng chưa bao giờ có thể tự chế tạo, tính đến thời điểm này, CNN dẫn ba nguồn thạo tin cho biết. Các hình ảnh vệ tinh do CNN thu được cũng cho thấy vương quốc này hiện đang sản xuất vũ khí tại ít nhất một cơ sở.

Các quan chức Mỹ tại nhiều cơ quan, bao gồm Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng, đã được thông báo trong những tháng gần đây về thông tin tình báo tuyệt mật tiết lộ nhiều vụ chuyển giao quy mô lớn công nghệ tên lửa đạn đạo nhạy cảm giữa Trung Quốc và Saudi Arabia, CNN trích dẫn hai nguồn thạo tin.

Chính quyền Biden hiện đang phải đối mặt với những câu hỏi ngày càng cấp bách về việc liệu những tiến bộ về tên lửa đạn đạo của Saudi Arabia có thể thay đổi đáng kể cán cân quyền lực khu vực và làm phức tạp thêm nỗ lực thảo luận thỏa thuận hạt nhân với Iran, bao gồm các hạn chế đối với công nghệ tên lửa của nước này. Việc hạn chế năng lực hạt nhân của Iran là một mục tiêu chung của cả Mỹ, châu Âu, Israel và các nước vùng Vịnh.

Iran và Saudi Arabia là những kẻ thù không đội trời chung và không có khả năng Tehran sẽ đồng ý ngừng chế tạo tên lửa đạn đạo nếu Saudi Arabia bắt đầu tự sản xuất tên lửa của riêng mình.

Jeffrey Lewis, một chuyên gia vũ khí kiêm giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, cho biết: "Trong khi sự chú ý đáng kể đã dồn vào chương trình tên lửa đạn đạo lớn của Iran, việc phát triển và hiện nay là sản xuất tên lửa đạn đạo của Saudi Arabia chưa nhận được mức độ theo sát tương tự".

Thực hư công nghệ tên lửa đạn đạo tại vùng Vịnh với sự ra tay của Trung Quốc - Ảnh 1.

Hình ảnh vệ tinh CNN thu được cho thấy Saudi Arabia đang sản xuất tên lửa đạn đạo tại địa điểm này. Ảnh: CNN.

"Việc sản xuất tên lửa đạn đạo nội địa của Saudi Arabia cho thấy rằng mọi nỗ lực ngoại giao hướng đến kiểm soát tên lửa cần phải có sự tham gia của các nước khác trong khu vực, như Saudi Arabia và Israel, các nước sản xuất tên lửa đạn đạo của riêng họ", ông Lewis nói thêm.

Bất kỳ phản ứng nào của Mỹ cũng có thể rơi vào tình thế khi phải cân nhắc về vấn đề ngoại giao với Trung Quốc, khi chính quyền Biden đang tìm cách hợp tác với Bắc Kinh trong một số vấn đề chính sách ưu tiên cao khác, bao gồm khí hậu, thương mại và đại dịch.

Khi được hỏi liệu có bất kỳ sự chuyển giao công nghệ tên lửa đạn đạo nào gần đây giữa Trung Quốc và Saudi Arabia hay không, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với CNN trong một tuyên bố rằng hai nước là "đối tác chiến lược toàn diện" và "đã duy trì hợp tác hữu nghị trên tất cả các lĩnh vực, kể cả trong lĩnh vực thương mại quân sự. "

"Sự hợp tác như vậy không vi phạm bất kỳ luật pháp quốc tế nào và không liên quan đến việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt", tuyên bố trên cho biết.

Chính phủ Saudi Arabia và đại sứ quán Saudi Arabia ở Washington không trả lời yêu cầu bình luận của CNN.

Những thách thức mới cho ông Biden

CNN lần đầu tiên đưa tin vào năm 2019 rằng các cơ quan tình báo Mỹ đã biết rằng Saudi Arabia đang hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy chương trình tên lửa đạn đạo của riêng họ.

Chính quyền Trump ban đầu đã không tiết lộ thông tin tình báo mật này cho các thành viên chủ chốt của Quốc hội. Điều này đã khiến nhiều đảng viên Dân chủ tức giận sau khi họ phát hiện ra nó thông qua các kênh khác trong chính phủ. Các nghị sĩ cho rằng thông tin này đã cố tình bị bỏ qua trong một loạt cuộc họp giao ban.

Điều đó làm dấy lên những lời chỉ trích của đảng Dân chủ rằng chính quyền Trump quá mềm mỏng với Saudi. Các chuyên gia về phổ biến vũ khí hạt nhân cũng cho rằng việc Trump không có phản ứng gì đã thúc đẩy Ả Rập Saudi tiếp tục mở rộng chương trình tên lửa đạn đạo của họ.

"Thông thường, Mỹ sẽ gây áp lực buộc Saudi Arabia không theo đuổi phát triển năng lực quân sự như vậy. Nhưng những dấu hiệu đầu tiên của Saudi đã xuất hiện trong thời Trump nhưng chính quyền Trump, nói một cách nhẹ nhàng, không quan tâm đến Riyadh về những vấn đề này, "theo Ankit Panda, một chuyên gia về chính sách hạt nhân và vũ khí tại Viện Hòa bình quốc tế Carnegie cho hay.

Một số nhà lập pháp đã được thông báo tóm tắt trong vài tháng qua về thông tin tình báo mới liên quan tới việc chuyển giao công nghệ tên lửa đạn đạo giữa Saudi Arabia và Trung Quốc, nhiều nguồn tin nói với CNN.

Nhiều nguồn tin nói với CNN, chính quyền Biden đang chuẩn bị trừng phạt một số tổ chức liên quan đến việc chuyển giao công nghệ này, dù nhiều nguồn tin trong Quốc hội cho rằng Nhà Trắng không sẵn sàng gây hậu quả đáng kể cho chính phủ Saudi về vấn đề này.

Với tình hình đàm phán hiện tại với Iran, chương trình tên lửa của Saudi có thể khiến quá trình thương thảo vốn đã hóc búa lại càng trở nên khó khăn hơn.

"Một chương trình tên lửa mạnh mẽ của Saudi sẽ tạo ra những thách thức mới đối với việc hạn chế chương trình tên lửa của các nước khác trong khu vực. Lấy một ví dụ, tên lửa của Iran, vốn là mối quan tâm lớn của Mỹ, sẽ khó bị hạn chế hơn trong tương lai nếu không có các ràng buộc song song", chuyên gia Panda nói với CNN.

'Bằng chứng rõ ràng đầu tiên'

Các hình ảnh vệ tinh mới do CNN thu được cho thấy Saudi đã chế tạo tên lửa đạn đạo tại một địa điểm với sự hỗ trợ của Trung Quốc. Các chuyên gia đã phân tích hình ảnh và nhiều nguồn tin cũng xác nhận rằng chúng phản ánh những tiến bộ phù hợp với các đánh giá tình báo mới nhất của Mỹ.

Theo các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, các bức ảnh vệ tinh do Planet chụp từ ngày 26/10 đến ngày 9/11 cho thấy một hoạt động đốt nhiên liệu đã xảy ra tại một cơ sở gần Dawadmi, Saudi. Đây là bằng chứng rõ ràng rằng cơ sở này đang hoạt động để sản xuất tên lửa".

Lewis cho biết: "Bằng chứng quan trọng này cho thấy cơ sở đó đang vận hành một 'hố đốt' để xử lý chất thải rắn còn sót lại từ quá trình sản xuất tên lửa đạn đạo".

"Đúc động cơ tên lửa sẽ sót lại thuốc phóng và có nguy cơ gây nổ. Các cơ sở sản xuất tên lửa đẩy dạng rắn thường có các hố đốt nơi có thể xử lý thuốc phóng còn sót lại bằng cách đốt cháy nó. Do đó, hoạt động đốt nhiên liệu là một dấu hiệu đáng tin cho thấy cơ sở này đang tích cực đúc tên lửa", chuyên gia này nói thêm.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ