(Tổ Quốc) - Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm nay sẽ tăng 8% lên 1.1 nghìn tỷ NDT (173 tỷ USD).
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm nay sẽ tăng 8% lên 1.1 nghìn tỷ NDT (173 tỷ USD) – trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị hạ thủy tàu sân bay thứ hai, cùng với việc đưa các máy bay chiến đấu tàng hình vào hoạt động trong lực lượng không quân và giới thiệu một loạt tên lửa tiên tiến có khả năng tấn công các mục tiêu trên không và trên biển ở khoảng cách lớn.
Số liệu trên được đưa ra trong một bản báo cáo ngày 5/3 tại kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc - khai mạc 9h sáng cùng ngày, theo giờ địa phương, tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh.
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc vài năm nay chỉ tăng trưởng 1 con số. (Nguồn: AP) |
Sau nhiều năm tăng trưởng ở mức hai con số, ngân sách quốc phòng Trung Quốc hiện đứng thứ 2 thế giới sau Hoa Kỳ, dù vẫn cách khá xa khi Tổng thống Trump đang dự kiến yêu cầu chi tiêu quân sự năm tới cho Mỹ là 716 tỷ USD.
Dù vậy, ngân sách quốc phòng Trung Quốc – khi tính theo tỉ lệ GDP và tổng ngân sách chung thì vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia lớn khác, ông Zhang Yesui, người phát ngôn của cơ quan lập pháp Trung Quốc, cho hay.
Theo AP, các nhà phân tích không coi thông số chi tiêu quốc phòng công khai của Trung Quốc là hoàn toàn chính xác, do họ tính rằng các dự án về thiết bị phòng thủ chiếm một khoản chi "không được khai báo" đáng kể.
Phần lớn các nguồn lực quốc phòng của Trung Quốc hiện tập trung vào chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) nhằm đẩy lui Hải quân Hoa Kỳ và các lực lượng khác ra xa bờ biển Trung Quốc.
Hải quân Trung Quốc hiện được huấn luyện nghiêm ngặt trên tàu sân bay Liêu Ninh, được mua từ Ukraine và tân trang lại đáng kể. Vào tháng 4, Trung Quốc cũng đã ra mắt tàu sân bay nội địa 50.000 tấn được chế tạo hoàn toàn dựa trên mô hình Ukraine.
Góp mặt trong dàn vũ khí trên biển được nâng cấp của Trung Quốc còn có tàu ngầm tấn công hạt nhân Type 093B lớp Shang được trang bị tên lửa chống hạm và tàu khu trục tên lửa Type 055.
Các tàu chiến này có thể làm thay đổi cán cân quyền lực ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, nơi Hải quân Hoa Kỳ từ lâu đã chiếm ưu thế và các cường quốc khu vực như Nhật Bản và Ấn Độ đang đẩy mạnh sự hiện diện của họ. Hải quân Trung Quốc cũng đang dựa vào ưu thế số lượng để gia tăng ảnh hưởng của mình.
Cả ba lực lượng biển của Trung Quốc: hải quân, tuần duyên và bán quân sự trên biển đang có số lượng tàu rất lớn - cho phép họ "duy trì sự hiện diện và ảnh hưởng quan trọng trên biển ", theo Giáo sư Andrew S. Erickson, Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Trường Hải chiến Hoa Kỳ.
Erickson nói thêm rằng Hoa Kỳ dự kiến cũng phải đối mặt với đội tàu ngầm Trung Quốc gấp đôi số lượng của họ, mặc dù công nghệ không hiện đại bằng.
Trên không, Trung Quốc hồi tháng trước cho biết đã bắt đầu trang bị cho các đơn vị chiến đấu máy bay tiêm kích tàng hình J-20. Công nghệ tên lửa Trung Quốc cũng có bước tiến mới, bao gồm việc phát triển DF-21D và một loại tên lửa không đối không mới với tầm bay khoảng 400 km.