• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thực hư Saudi Arabia xây đội quân mới cho Mỹ tại Syria

Thế giới 01/06/2018 10:19

(Tổ Quốc) - Saudi Arabia đã bắt đầu các cuộc đàm phán để tăng cường số lượng nhóm người Ả Rập trong lực lượng được Mỹ hậu thuẫn nhằm đánh bại IS tại Syria.

Saudi Arabia đã bắt đầu các cuộc đàm phán để tăng cường số lượng nhóm người Ả Rập trong lực lượng được Mỹ hậu thuẫn nhằm đánh bại nhóm chiến binh Nhà nước Hồi giáo (ISIS) ở Syria.

Hãng thông tấn chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đưa tin ngày 29/5 rằng, ba cố vấn quân sự của Saudi Arabia đã bay tới thị trấn Kobani ở miền bắc Syria, còn được gọi là Ayn al-Arab, để gặp gỡ các đại diện của Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn.

Kịch bản của Saudi tại Syria

SDF là liên minh của nhiều lực lượng, với đa số là Các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), nhưng cũng bao gồm các chiến binh Ả Rập. Các cố vấn Saudi được cho là đang tìm cách xây dựng một liên minh mới gồm các nhóm Ả Rập hiện diện tại Syria.

Thông tin của truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết, chính quyền Saudi Arabia đã thiết lập các trạm kiểm soát ở các thị trấn có đông người Kurd Al-Hasakah và Al-Qamishli ở phía đông bắc Syria và đang tìm cách tuyển mộ các chiến binh Ả Rập, những người sẽ được trả 200 USD khi tham gia.

Một ngày sau khi thông tin trên tờ The Wall Street Journal tiết lộ kế hoạch của Tổng thống Donald Trump sẽ tập hợp lực lượng từ các quốc gia Ả Rập đồng minh nhằm tăng cường sức mạnh cho các lực lượng liên kết với Mỹ ở Syria, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir nói rằng, vương quốc của ông "đang thảo luận với Mỹ và kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Syria đã nói tới việc gửi lực lượng vào Syria."

Saudi Arabia sẵn sàng và sẵn lòng gửi lực lượng đến Syria.

Saudi Arabia không phải là một trong những nước hiện đang triển khai lực lượng ở Syria, nhưng đã gia nhập cùng các quốc gia phương Tây, các quốc gia Hồi giáo Sunni giàu dầu mỏ khác và Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào năm 2011.

Khi phe đối lập Syria ngày càng trở nên mạnh mẽ và các lực cực đoan mở rộng sự hiện diện từ nước Iraq láng giềng sang Syria, một lượng vũ khí đáng kể của Mỹ và Saudi đã được đưa vào tay ISIS.

Thế lực Mỹ xoay chiều

Từ năm 2011, Mỹ đã hỗ trợ cho một số lực lượng nổi dậy Syria ôn hòa để chống lại chính quyền Assad. Nhưng từ năm 2014, với sự trỗi dậy của IS, Washington đã thành lập một liên minh tập trung vào đánh bại IS và dần dần rút lại sự hỗ trợ cho các nhóm đối lập Syria, thay vào đó, chuyển phần hỗ trợ này sang cho Lực lượng dân chủ Syria SDF vào năm 2015. Các nhóm Hồi giáo do Ả Rập hậu thuẫn, như Jaysh al-Islam và Liên minh Ahrar al- Sham, cùng với các lực lượng nổi dậy, cũng đã phải hứng chịu một số thất bại khi quân đội Syria thắng thế - được hỗ trợ bởi Nga, Iran và các lực lượng dân quân thân chính phủ.

Nhóm Quân đội Syria tự do (FSA) – đã liên kết với Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản đối ông Assad lãnh đạo Syria, tuy nhiên, ưu tiên tập trung vào cuộc chiến chống các nhóm người Kurd - như YPG — bị Ankara coi là có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd PKK đang hoạt động li khai tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với YPG đã kéo theo một sự rạn nứt giữa Washington và Ankara, và việc Riyadh được cho là đang tiếp cận SDF cũng đã khiến quan hệ Saudi-Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào căng thẳng – điều đã được minh chứng bằng việc Ankara sẵn sàng bắt tay với Iran và Qatar.

Việc Saudi muốn chen chân vào Syria cũng có thể phơi bày các lập trường mâu thuẫn trong SDF – lực lượng mà Mỹ phải vật lộn để kéo vào cuộc chiến chống IS. Vào tháng 1 năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức một cuộc tiến công có giới hạn mang tên Chiến dịch Cành ô liu, với sự giúp đỡ của FSA nhằm đánh bật người Kurd ra khỏi thành phố tây bắc Afrin. Việc Ankara mở cuộc tấn công này đã đẩy những tay súng người Kurd – lực lượng chính trong SDF – phải rời khỏi cuộc chiến chống ISIS để chặn đứng hành động tiến công của Thổ Nhĩ Kỳ.

Các tay súng này lại liên kết với quân đội chính phủ Syria để chống lại Thổ Nhĩ Kỳ ở Afrin, trong khi tại các khu vực khác, quân đội Syria lại xung đột với SDF, bao gồm cả ở Deir Ezzor. Sự ra đi của các chiến binh người Kurd cũng đã buộc Mỹ phải dừng cuộc tấn công trên mặt đất chống lại ISIS vào tháng 3 và nhiệm vụ trên chỉ vừa mới được tiếp tục vào đầu tháng 5.

Khi ông Trump kêu gọi việc đánh bại IS trên toàn bộ Syria, ông đã bày tỏ mong muốn rút quân đội Mỹ khỏi nước này. Ông cũng tăng cường quan hệ với Saudi Arabia để chống lại đối thủ cạnh tranh của nước này tại khu vực là Iran – hiện đã gia tăng hiện diện tại Syria thông qua các lực lượng dân quân Hồi giáo chủ yếu là người Shiite chiến đấu cho ông Assad. Tổng thống Syria Assad hiện coi sự hiện diện của cả hai lực lượng Nga và Iran là hợp pháp trong khi tuyên bố lực lượng của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này là đang hoạt động trái phép.

NỔI BẬT TRANG CHỦ