• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thực hư thoả thuận lịch sử Israel – Palestine?

Thế giới 28/01/2020 15:13

(Tổ Quốc) - Chưa đầy một tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã chào đón Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tới Nhà Trắng với một lời hứa táo bạo: Ông sẽ làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa người Israel và người Palestine – một vấn đề ngoại giao nan giải đã làm khó nhiều người tiền nhiệm của mình.

Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thực hiện được một thỏa thuận, ông Trump nói vào năm 2017. "Đây có thể là một thỏa thuận lớn hơn và tốt hơn mà những người trong phòng này thậm chí từng nghĩ tới".

Con đường đi đến thỏa thuận

Cùng với bất kỳ cuộc đàm phán thành công nào, thì cả hai bên sẽ phải thỏa hiệp. Ông biết điều đó, phải không?", ông Trump nói và quay sang vị khách của mình.

Ông Netanyahu cười đáp lời: "Cả hai bên".

Nhà lãnh đạo Israel đang trở lại Nhà Trắng trong các cuộc họp vào thứ Hai và thứ Ba tuần này, và cuối cùng ông Trump dự kiến sẽ đưa ra chi tiết về kế hoạch hòa bình đã được chờ đợi từ lâu. Ông Netanyahu cho biết hôm Chủ nhật rằng ông hy vọng sẽ làm nên lịch sử trong chuyến thăm này.

Nhưng khác xa với một nỗ lực táo bạo để đưa những kẻ thù cũ ngồi lại với nhau với việc đưa ra yêu cầu nhượng bộ khắc nghiệt với cả hai phía, thì các chuyên gia Trung Đông hiện dự đoán rằng kế hoạch này chủ yếu là để thúc đẩy cho chiến dịch tranh cử tuyệt vọng của ông Netanyahu nhằm duy trì quyền lực.

Benny Gantz, một lần nữa là đối thủ của ông Netanyahu, trong cuộc bầu cử lần thứ ba của Israel trong vòng chưa đầy một năm, có cuộc gặp riêng với ông Trump vào thứ Hai tuần này.

Thực hư thoả thuận lịch sử Israel – Palestine? - Ảnh 1.

Ông Trump đã đảo ngược nhiều chính sách truyền thống của Mỹ về Israel. Ảnh: New York Times.

Người Palestine, đã ngừng đối thoại với ông Trump sau khi ông ra lệnh chuyển Đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel Aviv đến Jerusalem vào tháng 12 năm 2017, sẽ không có mặt tại Nhà Trắng để nghe thông báo về kế hoạch này. Họ đã tuyên bố sẽ từ chối nó.

Ông ấy làm điều này giữa cuộc bầu cử ở Israel, không có sự tham gia của người Palestine và không có ý định theo đuổi bất kỳ người tham gia nào, cho thấy đây không phải hoàn toàn là một kế hoạch hòa bình, Martin S. Indyk – từng là đặc phái viên về các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine dưới thời Tổng thống Barack Obama nói.

Tuyên bố của Indyk rất cứng rắn nhưng không phải là hiếm trong số các nhà ngoại giao, những người đã nỗ lực để mang lại hòa bình cho Israel và Palestine trong quá khứ. Giống như các "cựu binh" khác trong các cuộc đàm phán không có kết quả đó, trong cả hai chính quyền Dân chủ và Cộng hòa, Indyk đã theo dõi chính sách ngoại giao ngày đầu của ông Trump về Israel và Palestine, với hy vọng rằng vị tổng thống này có thể đạt được một bước đột phá khi họ thất bại.

Mối quan hệ chặt chẽ của ông Trump với ông Netanyahu – điều mà ông Obama thiếu - đã nuôi hy vọng rằng ông ấy có thể rút ra những nhượng bộ thực sự từ Israel. Trong một dấu hiệu thể hiện ông Trump quan tâm tới nỗ lực này, ông đã đưa con rể của mình Jared Kushner tham gia phụ trách chương trình này.

Kushner đã dẫn đầu một nhóm bao gồm Jason Greenblatt, cựu luật sư trưởng trong Tổ chức Trump và David Friedman, một luật sư có mối quan hệ với phong trào định cư Do Thái, người đã trở thành đại sứ của Trump tại Israel.

Trong nhiều tháng, Kushner và Greenblatt đã đi khắp Trung Đông, gặp gỡ các nhà lãnh đạo Ả Rập ở Ả Rập Saudi, Ai Cập, Jordan và các quốc gia khác. Chiến lược của họ nhằm xây dựng một liên minh Ả Rập để hỗ trợ cho một kế hoạch hòa bình. Nhà Trắng hi vọng các nhà lãnh đạo Ả Rập sẽ gây áp lực cho Chính quyền Palestine chấp nhận bất cứ điều gì ông Trump đưa ra.

Nghiêng về hỗ trợ đồng minh

Tuy nhiên, một động thái của ông Trump là bước ngoặt của tiến trình này. Việc ông Trump tuyên bố sẽ chuyển đại sứ quán, chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đã làm hài lòng Israel nhưng đã khiến người Palestine phẫn nộ. Họ đã cắt đứt liên lạc với Nhà Trắng và đẩy những nỗ lực của Nhà Trắng trong việc xây dựng sự ủng hộ của Ả Rập cho kế hoạch của mình thất bại. Quốc vương Salman của Saudi Arabia nằm trong số những người lên án quyết định này, tuyên bố, Đông Jerusalem là một phần không thể thiếu trong vùng lãnh thổ Palestine.

Ông Trump đã phản ứng gay gắt động thái của người Palestine. Ông đã trừng phạt họ bằng cách cắt giảm hàng trăm triệu đô la viện trợ cho Chính quyền Palestine, cũng như giảm tài trợ cho cơ quan Liên Hợp Quốc giúp đỡ người tị nạn Palestine.

Bộ Ngoại giao Mỹ đóng cửa văn phòng của Tổ chức Giải phóng Palestine ở Washington, hạ cấp lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Jerusalem, vốn là một kênh đối thoại quan trọng đối với người Palestine.

Ngay cả khi sự rạn nứt với người Palestine ngày càng mở rộng, Kushner và Greenblatt vẫn làm việc theo kế hoạch của họ. Họ đã biên soạn một tài liệu dày, với nhiều phụ lục, với các phần đề xuất giải pháp cho tất cả các tranh chấp quan trọng: biên giới, an ninh, người tị nạn và tình trạng của Jerusalem.

Theo nhiều nguồn tin, tài liệu này dự kiến sẽ không đưa ra giải pháp hai nhà nước hoặc trao Đông Jerusalem cho người Palestine và cũng sẽ không cho người tị nạn Palestine quyền trở lại nơi này hoặc sự bồi thường khác.

Các nhà ngoại giao cho rằng văn bản này nghiêng rất nhiều về ủng hộ của Israel - hay chính xác hơn là ủng hộ đồng minh đang Netanyahu.

Khi ông Netanyahu phải đối mặt với một cuộc bầu cử khó khăn vào tháng Tư năm ngoái thì ông Trump đã tặng ông Netanyahu một món quà trước thềm bầu cử. Nhà lãnh đạo Mỹ, tuyên bố vào tháng 3 năm ngoái rằng Hoa Kỳ sẽ đảo ngược chính sách hàng thập kỷ và công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan- nơi quân đội Israel chiếm giữ vào năm 1967.

Ngay cả sự trợ lực to lớn này cũng không giúp chính đảng của ông Netanyahu giành được đa số để thành lập chính phủ. Sau cuộc bầu cử thứ hai, vào tháng 9 năm ngoái, đảng của ông Netanyahu vẫn không giành được ưu thế.

Nếu ông Trump công bố kế hoạch Trung Đông của mình trong tuần này, các nhà phân tích cho biết, động thái này sẽ nghiêng về việc trao cho ông Netanyahu một sự nâng đỡ bầu cử cuối cùng, hơn là việc đưa ra một thỏa thuận thế kỉ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ