• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thung lũng Silicon xa lánh “thảm họa” Donald Trump

Thế giới 22/08/2016 15:47

(Tổ Quốc) - Thiếu sự kết nối và khác biệt về lập trường đã khiến Thung lũng Silicon  đặt Donald Trump trên băng ghế dự bị.  

Các thành viên Đảng Cộng hòa (GOP) đã cố gắng để củng cố mối quan hệ của họ với Thung lũng Silicon, một phần để tìm kiếm sự ủng hộ từ các giám đốc (CEO) giàu có tại đây. Donald Trump, ứng cử viên tổng thống của GOP thì ngược lại, dường như đã bỏ quên khu vực này.

Nguồn tài trợ từ khu vực công nghệ cho các ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ 2016. (Nguồn: WSJ)

Sự thờ ơ của Trump

Mặc dù các CEO tại đây phần lớn ủng hộ đảng Dân chủ, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người có quan điểm tự do và những người khác ủng hộ nhiều thông điệp của GOP.

Peter Thiel, tỷ phú đồng sáng lập PayPal, đã trở thành người nổi bật nhất tại Silion tuyên bố ủng hộ Trump. Peter đã phát biểu tại đại hội đảng Cộng hòa vào tháng trước, ngay trước khi ông Trump nhận được đề cử của đảng.

Tuy nhiên, ông Thiel, trước đó đã quyên góp 2 triệu USD cho một nhóm tranh cử ủng hộ cựu giám đốc điều hành Hewlett-Packard Carly Fiorina không có kế hoạch tặng hoặc quyên góp tiền cho ông Trump, một phát ngôn viên nói.

Larry Ellison, tỷ phú đồng sáng lập của Oracle Corp, đã dành 5 triệu USD ủng hộ Thượng nghị sĩ Marco Rubio trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của Đảng Cộng hòa và trong năm 2012 đã ủng hộ ứng viên Mitt Romney 3 triệu USD cũng chưa mở ví cho ông Trump, theo hồ sơ của Ủy ban bầu cử liên bang (FEC).

Mối quan hệ băng giá trên đồng nghĩa với việc hoạt động gây quỹ của ông Trump có thể “đánh rơi” hàng triệu USD trên bàn đàm phán, gia tăng khoảng cách thiếu vốn gây quỹ đáng kể so với bà Clinton. Vào cuối tháng 7, cựu Ngoại trưởng Mỹ đã có 140 triệu USD tiền ủng hộ trong khi ông Trump chỉ có 78 triệu USD.

Nhiều nhà tài trợ hàng đầu của phố Wall, trong đó có quỹ đầu cơ của tỷ phú Paul Singer, đã không ủng hộ ông Trump trong khi các luật sư và các nhà vận động hành lang, một nguồn đầu tư lớn cho ông Romney năm 2012 cũng “tránh xa” ông Trump. Không có một nhà vận động hành lang nào đăng kí ủng hộ quỹ cho ông Trump, tính tới tháng 6 vừa qua, theo FEC.

Bất đồng về lập trường

Những thách thức của ông Trump  đã được phản ánh trong hồ sơ của FEC và các cuộc phỏng vấn với hơn 10 nhà tài trợ nổi bật của đảng Cộng hòa tại Thung lũng Silicon. Các CEO công nghệ cho biết họ không hài lòng với ông Trump vì sự thiếu tiếp cận đối với cộng đồng này. Ông Trump cũng đã kêu gọi siết chặt giới hạn về thương mại và nhập cư – điều mâu thuẫn với lợi ích của ngành công nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, những ý kiến gây tranh cãi của ông Trump về các vấn đề chủng tộc và các nhóm thiểu số cũng không phù hợp với lập trường của Thung lũng Silicon.

Hơn nữa, ông Trump hiếm khi nói về vai trò của công nghệ cao trong nền kinh tế, thay vào đó, tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, khu vực sản xuất và ngành công nghiệp than.

Các nhà tài trợ tại Thung lũng Silicon cho rằng ông Trump không muốn thảo luận về chính sách hoặc hoạt động gây quỹ với họ dù phe tranh cử của ứng viên này đã mở một văn phòng gần Thung lũng Silicon chỉ vài tuần trước khi đại hội Đảng Cộng hòa diễn ra. Nhà tỷ phú cũng không bày tỏ rõ về chính sách công nghệ - điều bà Clinton đã làm trong tháng 6.

Ông Trump cũng đã tấn công một số công ty công nghệ hàng đầu hay CEO của Thung lũng Silicon trong chiến dịch tranh cử. Ứng viên này đã nhắm vào Apple, - tập đoàn được ông Trump cho rằng đã bất hợp tác trong cuộc điều tra chống khủng bố của Bộ Tư pháp.

"Đối với các thành viên Cộng hòa tại Thung lũng Silicon, điều này chỉ chứng tỏ rằng ông Trump là một ứng viên “vô cùng không” hấp dẫn," Alex Slusky, người sáng lập tập đoàn Vector Capital, đã quyên góp 100.000 USD ủng hộ ông Rubio vào tháng 2 cho biết.

Ông Slusky nói rằng trong cuộc trò chuyện với các “đồng nghiệp” ủng hộ đảng Cộng hòa, ông đã đề cập đến chiến dịch năm 2016 của GOP là "cuộc bầu cử tồi tệ nhất từ khi chúng tôi trưởng thành cho tới nay."

Tạo cơ hội cho bà Clinton

Và do sự thờ ơ này, hiện tại, nhiều thành viên phe Cộng hòa trong ngành công nghiệp này nói rằng họ đang dành những nỗ lực và tiền bạc của mình để ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Cho tới tháng 6, các ứng viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa, bao gồm cả những người đã rời bỏ cuộc đua đã huy động được gần 18 triệu USD từ các ngành thông tin liên lạc và điện tử, bao gồm cả khu vực công nghệ cao, Trung tâm phi đảng phái Responsive Politics cho biết.

Trong khi đó, ông Trump chỉ huy động được từ ngành này 336.000 USD còn bà Clinton nhận được tới 30 triệu USD.

Một số CEO công nghệ đã lên tiếng chỉ trích ông Trump. Gần 150 quan chức trong ngành công nghiệp này đã gửi một lá thư ngỏ cho biết rằng ông Trump là một "thảm họa cho sự đổi mới." Một số công ty công nghệ đã giảm hoặc “xóa sổ” khoản đóng góp cho đại hội đảng Cộng hòa.

Giám đốc điều hành Hewlett Packard Meg Whitman, một tỷ phú của đảng Cộng hòa, hồi đầu tháng này cho biết bà có kế hoạch ủng hộ ứng viên Clinton và sẽ quyên góp cho chiến dịch của ứng viên này trong khi cho rằng ông Trump là "không thích hợp" cho chức tổng thống.

Dù là một tỷ phú nhưng sự thua sút về ngân sách quỹ tài trợ cũng như thiếu đi sự ủng hộ của tầng lớp tinh hoa Mỹ có thể là một “đòn đau” cho ông Trump.

(Theo WSJ)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ