(Tổ Quốc) - Tại thượng đỉnh EU-Trung Quốc mới diễn ra, Chủ tịch Ủy ban châu Âu thể hiện một lập trường cứng rắn trước những cam kết chưa được hoàn thành của Bắc Kinh.
Khi bà Ursula von der Leyen ngồi trước các camera tại văn phòng của Ủy ban châu Âu tại Brussels hôm thứ 2 (22/6), dường như bà đã quyết định không thể tỏ ra yếu thế trước những nhà lãnh đạo Trung Quốc mà bà sắp gặp gỡ lần đầu tiên – cho dù chỉ bằng phương thức trực tuyến.
Sau hai cuộc họp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Chủ tịch Tập Cận Bình, trong buổi họp báo với sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, bà von de Leyen đã chỉ ra những chiến thuật của mình: xác định các lĩnh vực hợp tác trước khi xem xét từng lần Trung Quốc chưa hoàn thành những cam kết của mình.
Danh sách khá dài, từ đầu tư song phương thông qua cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới tới các mục tiêu biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó là những sự khác biệt chưa thể hàn gắn giữa hai bên về nhiều vấn đề như đạo luật an ninh quốc gia cho Hong Kong, nhân quyền và chiến dịch thông tin sai lệch trên Internet được cho là xuất phát từ Trung Quốc…
"Mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc là một trong những quan hệ quan trọng nhất về mặt chiến lược cũng như mang tính thách thức nhất mà chúng tôi từng có", bà von der Leyen nói tại buổi họp báo.
Bà Chủ tịch Ủy ban châu Âu cáo buộc Trung Quốc "tấn công mạng vào các hệ thống điện tử và các bệnh viện". Liên quan tới chiến dịch thông tin giả, bà nhấn mạnh "chúng tôi không thể bỏ qua điều này"; còn về chủ đề Hong Kong, bà đề cập tới những "hệ quả rất nghiêm trọng" nếu Bắc Kinh thực thi đạo luật an ninh quốc gia.
Theo một nguồn tin EU, bà von der Leyen đã tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia bên ngoài về Trung Quốc trong quá trình chuẩn bị cho hội nghị trực tuyến với Thủ tướng Lý và Chủ tịch Tập. "Bà Von der Leyen khôi phục một chút cứng rắn và rõ ràng sau các thông điệp hỗn loạn của EU trong nhiều tháng qua", học giả cấp cao Noah Barkin từ tổ chức tư vấn chính sách Quỹ Marshall Đức nhận định.
"Bà ấy chỉ rõ, Bắc Kinh chưa hành động đủ trong thỏa thuận đầu tư, cáo buộc Trung Quốc tấn công mạng và tung thông tin giả, cảnh báo về những hệ quả nghiêm trọng trong vấn đề Hong Kong. Nhưng đó chỉ là lời nói hoa mỹ. Bài kiểm tra thực sự cho EU sẽ tới khi mà Bắc Kinh từ chối đáp ứng", Barkin nói. "Liệu có một kế hoạch B? Điều đó không biết được".
Vào thời điểm khi mà Bắc Kinh đang phải đối mặt với những đe dọa kinh tế từ Washington, Chủ tịch Tập đã lựa chọn cách tiếp cận đối lập khi làm giảm sự khác biệt với EU; từ đó tìm cách hạn chế các biện pháp bất lợi mà liên minh có thể sử dụng trước Trung Quốc.
Tân Hoa Xã đăng tải, từ một văn phòng ở Trung Nam Hải, người đứng đầu Trung Quốc nói với các đại diện EU rằng, "Trung Quốc muốn hòa bình chứ không phải là bá quyền". Ông Tập khẳng định, Trung Quốc là "đối tác, không phải là đối thủ" của EU, đồng thời Bắc Kinh sẽ tiếp tục thực hiện cải cách, mở rộng cửa, cung cấp cho châu Âu những cơ hội hợp tác và không gian phát triển mới.
"Cho dù tình hình thế giới thay đổi ra sao, Trung Quốc sẽ ủng hộ chủ nghĩa đa phương và đi theo khái niệm điều hành toàn cầu là tham vấn rộng rãi, đóng góp chung và chia sẻ lợi ích", ông Tập Cận Bình nói.
Tuy nhiên, có vẻ như cam kết với chủ nghĩa đa phương từ Bắc Kinh đã không giành được niềm tin của EU. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel cho hay: "Chúng tôi công nhận rằng chúng ta [EU và Trung Quốc] không cùng chia sẻ các giá trị, hệ thống chính trị hoặc cách tiếp cận đối với chủ nghĩa đa phương".
Một vấn đề lớn của EU là cải tổ WTO. Trong khi thái độ cứng rắn của Mỹ đối với WTO không được hoan nghênh tại Brussels, EU cũng không hài lòng trước những nỗ lực hời hợt của Bắc Kinh trong cắt giảm trợ giá chính phủ.
Do EU và Trung Quốc chưa tìm được tiếng nói chung sau hội nghị thượng đỉnh năm nay, bà von der Leyen cũng không giấu giếm tiến độ chậm chạp liên quan tới thỏa thuận đầu tư giữa hai bên – vốn dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm. "Chúng ta cần nhanh chóng thực hiện các cam kết", bà nói với báo giới. "Chúng tôi cũng cần phía Trung Quốc tỏ ra tham vọng hơn để hoàn thành các cuộc thương lượng về hiệp định đầu tư".
Bà von der Leyen cũng kêu gọi Bắc Kinh đặt thêm nhiều động lực chính trị vào các cuộc đàm phán với Brussels thay vì chỉ dồn trọng tâm vào mối quan hệ với Washington.
Quan hệ EU-Trung Quốc trở nên căng thẳng từ tháng 3 năm ngoái khi Ủy ban châu Âu lần đầu tiên định nghĩa Trung Quốc là một "đối thủ mang tính hệ thống" bên cạnh vai trò đối tác kinh tế và cạnh tranh chiến lược. Ngoài ra, vấn đề công nghệ 5G cũng gây nhiều khó khăn do tranh cãi trong các nước EU liên quan tới yêu cầu của Mỹ là cấm tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng các mạng lưới 5G tại châu Âu.
Tuy nhiên, quan hệ hai bên xói mòn tới mức thấp nhất chính là trong đại dịch COVID-19. EU tỏ ra lo lắng trước những tác động từ chiến dịch "ngoại giao khẩu trang" của Bắc Kinh (hướng tới các nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch như Tây Ban Nha và Italy), kết hợp với chính sách "ngoại giao chiến lang", trong đó các nhà ngoại giao Trung Quốc sử dụng mạng xã hội để công kích các phản ứng của phương Tây trước dịch bệnh.
Nghi ngờ của Brussels dành cho Bắc Kinh cũng gia tăng khi chính phủ Trung Quốc cố gắng gây sức ép lên cơ quan ngoại giao EU nhằm dừng công bố một bản báo cáo về các chiến dịch thông tin giả được Bắc Kinh ủng hộ.
"EU đã đặt ra các quy định và bắn đi mũi tên từ cánh cung của Zoom" (Zoom là ứng dụng họp trực tuyến được nhiều người lựa chọn trong đại dịch – btv), một nguồn tin EU nhận xét sau hội nghị. "Trái bóng giờ đây đang ở phần sân của Chủ tịch Tập".