• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thượng đỉnh Hà Nội chứng kiến đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều "chuyển tay" cho giới khoa học?

Thế giới 26/02/2019 08:37

(Tổ Quốc) - Năm ngoái tại thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã đồng ý cùng hướng tới "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên".

Vào hai ngày 27 & 28/2 sắp tới, tại thượng đỉnh Hà Nội, hai nhà lãnh đạo đang đứng trước một nhiệm vụ có phần thách thức hơn: thống nhất về phi hạt nhân hóa có nghĩa là gì, và tìm cách đạt được những bước tiến mới cho tiến trình này.

Thượng đỉnh Hà Nội chứng kiến đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều chuyển tay cho giới khoa học? - Ảnh 1.

Thượng đỉnh Hà Nội sẽ phá vỡ thế bế tắc?

Sau cuộc gặp chính thức đầu tiên với Chủ tịch Kim, Tổng thống Trump từng tuyên bố Triều Tiên "không còn là một mối đe dọa hạt nhân". Tám tháng sau đó, Washington và Bình Nhưỡng dường như chưa có nhiều tiến triển trong vấn đề hạt nhân, và ông Trump đang đứng trước sức ép ngày càng gia tăng.

Cho tới gần đây, Triều Tiên thậm chí còn không đồng ý tổ chức các cuộc đối thoại cấp thấp thường xuyên. Tuy nhiên, trước thềm thượng đỉnh tại Hà Nội, tình hình đang được cải thiện rõ rệt. Các quan chức hai bên đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán tại thủ đô Việt Nam trước khi hai nhà lãnh đạo Trump và Kim tới.

Mỹ và Triều Tiên đang nói cùng một "ngôn ngữ" về hạt nhân?

Tuần trước, một quan chức Mỹ thừa nhận, Triều Tiên và Mỹ vẫn đang nỗ lực để đi tới thống nhất về một định nghĩa chung cho phi hạt nhân hóa – một thuật ngữ vốn đã không có ý nghĩa rõ rệt về mặt kỹ thuật.

Đối với Washington, phi hạt nhân hóa có nghĩa là Triều Tiên từ bỏ các vũ khí hạt nhân. Còn đối với Bình Nhưỡng, mọi việc có phần phức tạp hơn.

Triều Tiên có vẻ muốn "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên". Ý tưởng của họ từ trước vẫn liên quan tới việc Mỹ từ bỏ hoặc giảm thiểu những cam kết an ninh với đồng minh Hàn Quốc của mình.

Nhằm giúp xóa bỏ những e ngại, các quan chức Mỹ hy vọng kết quả của thượng đỉnh Hà Nội sẽ là "một lộ trình", đặt ra những kỳ vọng cho cả hai bên. Những hiện vẫn chưa rõ lộ trình sẽ được chi tiết hóa tới mức nào hay nó có bao gồm cả các mốc thời gian hay không.

Thượng đỉnh Hà Nội chứng kiến đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều chuyển tay cho giới khoa học? - Ảnh 2.

Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump tại thượng đỉnh Singapore tháng 6/2018

Liệu Chủ tịch Kim có nhân nhượng hay không?

Theo một số nguồn tin, Triều Tiên có thể chấp nhận một bước nhân nhượng hướng tới giải giáp vũ khí hạt nhân, và coi đây là một minh chứng cho thấy họ sẵn sàng phi hạt nhân hoá.

Động thái này có thể là đồng ý phá hủy ít nhất một phần của tổ hợp hạt nhân chính Yongbyon hoặc các cơ sở hạt nhân khác tại Triều Tiên. Trong khi Yongbyon không phải là đại diện cho toàn bộ chương trình hạt nhân của Triều Tiên, theo Robert Manning, một cựu quan chức Ngoại giao Mỹ chuyên về Triều Tiên, "nó chiếm một phần khá lớn".

Các khả năng khác có thể là giao một phần nhỏ các đầu đạn hạt nhân hoặc tên lửa, cung cấp danh sách các cơ sở hạt nhân và tên lửa, hoặc cho phép các thanh sát viên quốc tế tới Triều Tiên.

Mỹ sẽ gỡ bỏ một phần trừng phạt?

Chính quyền Trump vẫn luôn tỏ ra cứng rắn và tuyên bố sẽ không gỡ bỏ trừng phạt chừng nào Triều Tiên vẫn chưa giải giáp hoàn toàn chương trình hạt nhân của mình. Tuy nhiên, gần đây, Nhà Trắng dường như tỏ ra "mềm mỏng" hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh CNN hôm Chủ nhật (24/2), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói, Washington có thể giảm bớt một phần trừng phạt nhằm đổi lấy "một bước đáng kể" từ Triều Tiên. Mặc dù vậy, ông Pompeo nhấn mạnh, "các lệnh trừng phạt chính" vẫn sẽ được giữ nguyên.

Một nhân nhượng tiềm năng khác từ phía Mỹ: Washington có thể cho phép tái khởi động các dự án liên Triều vốn đem lại nguồn tiền mặt quan trọng cho Bình Nhưỡng, như tổ hợp công nghiệp Kaesong tọa lạc ngay ở phía bắc khu phi quân sự và khu du lịch Núi Kumgan ở Triều Tiên.

Thượng đỉnh Hà Nội chứng kiến đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều chuyển tay cho giới khoa học? - Ảnh 3.

Tổng thống Trump đã lên đường tới Hà Nội tham dự thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai

Chiến tranh Triều Tiên sẽ chính thức kết thúc?

Giới chức Mỹ đang cân nhắc liệu có công bố chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên tại thượng đỉnh Hà Nội hay không. Mặc dù việc công bố chủ yếu sẽ chỉ mang giá trị biểu tượng, phía Mỹ sẽ vẫn tỏ ra không thực sự sẵn sàng làm vậy, chừng nào Triều Tiên còn chưa có tiến triển rõ rệt trong phi hạt nhân hoá.

Một nguyên nhân là chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên có thể sẽ làm yếu đi các trừng phạt quốc tế đang áp dụng cho Bình Nhưỡng, và đặt ra những câu hỏi về tương lai cho binh lính Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc.

Hiện diện quân sự Mỹ tại Hàn Quốc có thay đổi?

Trong cuộc gặp mặt với Chủ tịch Kim tại Singapore năm ngoái, ông Trump đã đồng ý sẽ dừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc. Tổng thống Mỹ có thể sẽ đưa ra một quyết định tương tự tại thượng đỉnh Hà Nội.

Ông Trump và các quan chức cấp cao khác của Mỹ từng nhắc đi nhắc lại rằng, việc rút hoặc giảm quân lính Mỹ tại Hàn Quốc sẽ không được thảo luận trong cuộc gặp mặt sắp tới. Tuy nhiên, người đứng đầu nước Mỹ vẫn luôn đặt câu hỏi về tính hiệu quả và chi phí của 28.000 binh lính Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc.

Thương lượng hạt nhân sẽ được trao cho các nhà khoa học?

Ông James McKeon, một nhà phân tích chính sách tại Trung tâm kiểm soát vũ khí và chống vũ khí hàng loạt, nhận định, một trong những thành tựu lớn nhất tại Hà Nội sẽ là trao lại các cuộc thương lượng hạt nhân cho giới chuyên gia.

"Hai nhà lãnh đạo không thể tự mình giải quyết mọi thứ", ông McKeon nói. "Tôi không nghĩ họ hoàn toàn hiểu rõ cách giải quyết một vài vấn đề thực sự phức tạp cần tới các nhà khoa học. Bạn cần phải có các chuyên gia kỹ thuật tham gia", ông nói.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ