(Tổ Quốc) - Một thỏa thuận mà cả Washington và Bình Nhưỡng đều hài lòng trong cuộc gặp thượng đỉnh Hà Nội sẽ có hình dạng như thế nào?
Theo hãng tin AP, trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai (diễn ra vào ngày 27-28/2 tại Hà Nội), hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đang phải đối mặt với áp lực đạt được một thỏa thuận, nhằm tiến gần hơn tới việc kết thúc mối đe dọa vũ khí hạt nhân đến từ Triều Tiên.
Tuy nhiên, thỏa thuận này mang hình dạng ra sao thì vẫn là vấn đề còn nhiều tranh cãi.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ sẵn sàng giải giáp tổ hợp hạt nhân chính của Triều Tiên. Mỹ có thể sẽ miễn cưỡng chấp nhận nhượng bộ, bao gồm cả dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt. Mặc dù vậy, câu hỏi chính là, điều gì sẽ là đủ để cả hai bên cảm thấy thỏa mãn?
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump tại Thượng đỉnh Singapore (ảnh: getty)
Phá hủy tổ hợp hạt nhân
Tổ hợp Yongbyon của Triều Tiên nằm cách Bình Nhưỡng khoảng 100 km về phía bắc, và là nơi sản xuất ra cả plutonium và uranium – hai yếu tố quan trọng cho vũ khí hạt nhân. Được cho là bao gồm 390 tòa nhà, truyền thông Triều Tiên gọi Yongbyon là "trái tim chương trình hạt nhân" của nước này.
Sau cuộc gặp hồi tháng 9/2018 với ông Kim Jong-un, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói với phóng viên rằng, Bình Nhưỡng hứa sẽ giải giáp khu tổ hợp trên nếu Mỹ thực hiện các bước tương ứng. Gần đây hơn, Stephen Biegun, Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên cho biết, ông Kim cũng cam kết tháo dỡ và phá hủy các cơ sở làm giàu plutonium và uranium trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng Mười năm ngoái.
Kể từ khi các nỗ lực ngoại giao bắt đầu vào năm 2018, Triều Tiên đã dừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa; đồng thời đóng cửa khu thử nghiệm hạt nhân và một số phần của cơ sở phóng tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, phá hủy tổ hợp Yongbyuon sẽ là động thái giải giáp lớn nhất của Chủ tịch Kim. Nó cũng là dấu hiệu cho thấy, Bình Nhưỡng sẵn sàng bước tiếp trong tiến trình đàm phán với Washington.
Hình ảnh công bố năm 2008 về một tháp làm nguội thuộc tổ hợp chế tạo hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên (ảnh: Tân hoa xã)
Tuy nhiên, một số ý kiến tỏ ra quan ngại, việc phá hủy tổ hợp hạt nhân sẽ không hoàn toàn xóa bỏ được những hoài nghi xung quanh các cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Kho vũ khi của quốc gia châu Á được cho là vẫn còn tới 70 vũ khí hạt nhân và hơn 1.000 tên lửa đạn đạo. Nhiều thông tin cho rằng, Triều Tiên cũng đang vận hành nhiều cơ sở làm giàu uranium bí mật.
"Chúng ta có thể gọi đó là nửa thỏa thuận hoặc một thỏa thuận nhỏ", ông Nam Sung-wook, một giáo sư tại Đại học Hàn Quốc, đánh giá. "Đây thực sự là một bước giải giáp hạt nhân chưa hoàn thiện, phù hợp với các chiến thuật trong quá khứ của Triều Tiên, với mục tiêu làm chậm tiến trình phi hạt nhân để đạt được các nhân nhượng từ Mỹ".
Phần thưởng của Mỹ
Để đạt được sự đồng ý phá bỏ Yongbyon từ Triều Tiên, theo giới phân tích, chính quyền Trump cần phải chấp nhận một số nhượng bộ.
Trong đó, gần như chắc chắn sẽ bao gồm một tuyên bố chung kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953, mở một văn phòng liên lạc tại Bình Nhưỡng, cho phép Triều Tiên tái khởi động một số dự án kinh tế với Hàn Quốc, và có thể cả dỡ bỏ vài lệnh trừng phạt cho Triều Tiên.
Đối với Triều Tiên, từ bỏ tổ hợp Yongbyon là một con bài thỏa thuận khá lớn… vì vậy họ sẽ muốn có được một số lợi ích kinh tế.
Chon Hyun-joo
"Đối với Triều Tiên, từ bỏ tổ hợp Yongbyon là một con bài thỏa thuận khá lớn… vì vậy họ sẽ muốn có được một số lợi ích kinh tế", ông Chon Hyun-joon, Chủ tịch Viện Nghiên cứu hợp tác hòa bình Đông Bắc Á tại Hàn Quốc, nói.
Tại Thượng đỉnh Singapore, hai nhà lãnh đạo Kim và Trump đã đồng ý thiết lập quan hệ mới giữa hai nước và xây dựng một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng cả hai ông lại không nói rõ làm thế nào để đạt được các mục tiêu này.
Kể từ sau đó, Bình Nhưỡng đã chỉ trích Mỹ thiếu các hành động cụ thể trong khi Triều Tiên đã thực hiện giải giáp, trao trả lại tù nhân Mỹ… Về phần mình, Mỹ hủy bỏ một số cuộc tập trận với Hàn Quốc như một nhượng bộ với Bình Nhưỡng.
Trong cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong năm 2018, hai bên đã đồng ý đưa ra một tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Tháng trước, ông Moon khẳng định, động thái này sẽ giúp làm giảm thù địch giữa Washington và Bình Nhưỡng và tăng tốc quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên có thể sẽ đem lại một căn cơ vững mạnh hơn cho Bình Nhưỡng để yêu cầu Mỹ rút 28.500 binh lính khỏi Hàn Quốc.
Hình ảnh công bố năm 2017 cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un bên cạnh tên lửa Hwasong-15 (ảnh: KCNA)
Đột phá tại Hà Nội
Theo AP, để có thể đạt được một thượng đỉnh Việt Nam thành công rực rỡ nhất, ông Trump cần nhiều hơn là Yongbyon.
Một thỏa thuận quy mô hơn sẽ bao gồm Bình Nhưỡng cung cấp cụ thể thông tin về các cơ sở hạt nhân của mình và cả khả năng vận chuyển một số bom hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa ra khỏi Triều Tiên phục vụ cho mục đích phá hủy.
Điều này gần như chắc chắn đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng yêu cầu dỡ bỏ trừng phạt kinh tế, đồng thời khôi phục lại xuất khẩu than và các nguồn khoáng sản khác cho nước này.
Danh sách các cơ sở hạt nhân và tên lửa bí mật của Triều Tiên, nếu được kiểm chứng chính xác, sẽ là một nguồn thông tin vô cùng quý giá cho Mỹ và các nước phương Tây. Truyền thông Hàn Quốc đánh giá, chỉ riêng tổ hợp Yongbyon đã có khoảng 50 kg plutonium được vũ khí hóa – đủ cho sản xuất từ 6 tới 10 quả bom; và lượng uranium làm giầu từ 250 tới 500 kg – đủ cho khoảng 25 tới 30 thiết bị hạt nhân.
Trước những thách thức, ông Trump có thể sẽ muốn tập trung vào các tên lửa tầm xa của Triều Tiên. Tuy nhiên, một thỏa thuận như vậy sẽ vấp phải sự phản đối từ Hàn Quốc và Nhật Bản – hai nước nằm trong tầm tấn công của các tên lửa tầm ngắn và tầm trung từ Bình Nhưỡng.
Đáng chú ý, giáo sư Lim Eul Chul tại Đại học Kyungnam, Hàn Quốc cảnh báo, nếu các quan chức cấp thấp hơn không thể đặt nền móng cho một thỏa thuận lớn trước thềm thượng đỉnh, cuộc gặp gỡ Kim – Trump tại Hà Nội cũng có thể sẽ bị hoãn lại.