(Tổ Quốc) - Dù thành công hay thất bại, cuộc gặp Trump-Kim là thắng lợi cho Kim Jong-un–Moon Jae-in và cạm bẫy cho Donald Trump.
Để chuẩn bị tinh thần cho người Mỹ trước một tiến trình đầy thử thách trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, trong tuần trước cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore ngày 12/6, Tổng thống Trump đã hạ thấp mục tiêu đặt ra. Nhưng để tạo sức ép đối với Triều Tiên cho đến phút chót, ông Trump vẫn nói “cuộc gặp này là một cơ hội duy nhất và sẽ không bao giờ có lần thứ hai”. Và vẫn nhắc lại, nếu cuộc gặp không cho thấy kết quả, ông ta sẽ rời bàn thương lượng.
Ngoại trưởng Mike Pompeo, người đã từng thực hiện ngoại giao bí mật tới Bình Nhưỡng và ít ai nghi ngờ tính cứng rắn của ông này đối với một số vấn đề quốc tế gai góc như Iran, Triều Tiên và Trung Quốc, nói: “Mục tiêu vẫn không thay đổi: một sự giải giáp vũ khí hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Đó là mục đích của Chính quyền hiện nay… Đây là một cơ hội chưa từng có để thay đổi quá trình lịch sử”. Mike Pompeo còn nhấn mạnh: “Chúng ta có nghĩa vụ tiến hành các cuộc đàm phán nhằm cố gắng tìm ra một giải pháp hòa bình, để đảm bảo rằng người Mỹ không còn phải lo đối mặt với sự nguy hiểm”.
Đội ngũ đàm phán của ông Trump tại Thượng đỉnh Mỹ-Triều. |
Ngoại trưởng Mỹ không cam kết vòng đàm phán đầu tiên sẽ thành công. Mặc dù mục tiêu cuối cùng, như xác định, đó là “một sự giải giáp vũ khí hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”.
Mục tiêu này không mâu thuẫn với việc tiến trình đạt đến nó sẽ kéo dài, qua một quá trình đàm phán “cho và nhận”. Cuối tuần qua, phát biểu với các phóng viên sau khi xung đột với các đồng minh quan trọng của Mỹ trong nhóm G7 tại Canada về vấn đề thương mại, ông Trump tiết lộ rằng, “sẽ phải mất một thời gian” mới đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên và: “Tôi cho rằng chí ít chúng tôi sẽ gặp nhau. Hy vọng chúng tôi sẽ có cảm tình với nhau và sẽ bắt đầu tiến trình đó”.
Mối lợi đối với hai người Triều Tiên
Trong khi ông Trump không thể “gặp để mà gặp”; một cuộc gặp thất bại sẽ đẩy ông ta vào thế bất lợi trước dư luận nước Mỹ; thì bản thân cuộc gặp đã là một thắng lợi lớn đối với Kim Jong-in và Moon Jae-in.
Ông Kim đã chứng tỏ “hậu sinh khả úy” so với bố và ông nội khi ngồi nói chuyện ngang hàng với tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Điều này sẽ củng cố vị thế trong nước không phải đã vững như bàn thạch. Một cái lợi nữa về mặt đối ngoại, là xóa bỏ đáng kể hình ảnh một nhân vật bị thế giới phê phán là “nhà độc tài”, “gã tên lửa”, người đứng đầu một nhà nước bị cô lập và, như chính lời Tổng thống Mỹ George Bush năm 2001, “nhà nước không lương thiện”, nằm trong “trục mà quỷ”…
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ngày 10/6.
|
Triều Tiên đã đột phá đáng kể hàng rào cấm vận, với việc cải thiện có ý nghĩa quan hệ với Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc. Dù sau này, nếu Mỹ muốn áp đặt trở lại “nền hòa bình bằng vũ lực”, thì cũng không dễ mà thuyết phục được các nước ấy thực thi cấm vận triệt để như mấy năm vừa rồi.
Ông Moon đã khẳng định tính đúng đắn của “chiến lược xoa dịu” từng bị Tổng thống Trump phê phán là “vô ích”. Bên lề cuộc gặp G-20 tại Berlin, tháng 5/2018, ông này nói rằng ông muốn “dấn thân vào một hành trình dũng cảm nhằm thiết lập một chế độ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, với một vai trò nổi bật của Chính phủ Hàn Quốc”. Ông lựa chọn cẩn thận từ ngữ về một “cuộc hành trình” (phi hạt nhân hóa), ám chỉ nhiều giai đoạn và một quyền tự chủ đối với Washington, chỉ rõ: “Chúng tôi không muốn Triều Tiên sụp đổ, và chúng tôi không tìm cách thống nhất hai miền Triều Tiên bằng cách sáp nhập Triều Tiên vào Hàn Quốc”. Điều này góp phần trấn an Bình Nhưỡng.
Hơn thế nữa, để tìm kiếm các động lực mới thúc đẩy tăng trưởng tạo việc làm cho nền kinh tế Hàn Quốc đã đạt đến ngưỡng giới hạn phát triển và tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên vượt quá 11,5%, Tổng thống Hàn Quốc đặt cược vào “vành đai kinh tế mới của bán đảo Triều Tiên”. Dự án này bao gồm cả việc tiến hành các hoạt động nghiên cứu năng lượng tại Đông Hải (Biển Nhật Bản) và các dự án cơ sở hạ tầng lớn và việc phát triển các khu du lịch rộng lớn ở cả hai bờ biên giới. Tất nhiên, miếng “bánh” kinh tế sẽ phải chia sẻ với người Trung Quốc và Nhật Bản.
Uy tín trong nước của ông Moon đã được củng cố ở mức cao, với 78,3% những người được thăm dò ý kiến tán thành ý tưởng phối hợp hai miền sau cuộc gặp Thượng đỉnh Liên Triều tại Bàn Môn Điếm, và 64,7% cho biết họ đặt niềm tin vào Chính phủ Triều Tiên trong việc duy trì hòa bình giữa hai miền Triều Tiên, so với chỉ có 14,7% trước khi hội nghị Thượng đỉnh này diễn ra.
Liệu người Hàn Quốc có quá lạc quan về tiến trình gặp gỡ Liên Triều và Mỹ-Triều?
Con đường dẫn đến hòa bình thường không thiếu cạm bẫy. Nhưng nếu không dấn thân, làm sao mở được cánh cửa hòa bình?/.