(Tổ Quốc) - Cuộc gặp với TT Mỹ Donald Trump được coi là một chiến thắng địa chính trị với TT Nga Vladimir Putin, ngay cả khi nó chưa bắt đầu.
Reuters nhận định, đối với Tổng thống Mỹ Donadl Trump, hội nghị thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin đồng nghĩa với nguy cơ vấp phải sự phản đối từ cả nội bộ nước Mỹ và quốc tế. Còn với nhà lãnh đạo nước Nga, chỉ riêng việc cuộc gặp có thể diễn ra đã là một chiến thắng địa chính trị lớn.
Bất chấp những bất đồng giữa ông Trump và các đồng minh của Mỹ về thái độ trước Nga, Điện Kremlin vẫn luôn nỗ lực để sắp xếp một sự kiện thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo. Moscow kỳ vọng, mối mối quan hệ tốt giữa ông Putin và ông Trump sẽ phá vỡ phần nào những “gai góc” trong quan hệ song phương giữa Nga – Mỹ.
Trong khi không ai thực sự trông chờ vào những đột phá mới sau ngày 17/6 tại Helsinki, bao gồm cả về các lệnh trừng phạt của Mỹ dành cho Nga, cuộc gặp thượng đỉnh được Moscow coi là một dấu hiệu cho thấy, Washington đã công nhận quyền lực của Nga, cũng như phải cân nhắc những lợi ích của quốc gia lớn nhất thế giới trong các chính sách đối ngoại của mình.
“Việc cuộc gặp giữa Putin và Trump có thể diễn ra, đã nói lên một điều: bất chấp tất cả sự kích động, nước Mỹ không thể cô lập hay làm ngơ nước Nga,” Alexei Pushkov, một thượng nghị sỹ thuộc Đảng Nước Nga thống nhất, cho biết. “Washington đã phải mất nhiều thời gian để nhận ra điều đó, nhưng cuối cùng họ đã làm được”.
Trong lúc này, những bất bình của phương Tây trước quyết định sáp nhập Crimea của Nga, thái độ của Moscow trong cuộc xung đột tại Ukraine và việc chính quyền Putin ủng hộ cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad – vẫn đang tồn tại. Bên cạnh đó, còn cả những cáo buộc mà Nga luôn kiên quyết phủ nhận như Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử chính trị tại Mỹ và châu Âu, cung cấp vũ khí gây ra vụ một máy bay dân dụng bị bắn rơi vào năm 2014 tại Ukraine, đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal ngay trên lãnh thổ Anh…
Một số nhà phân tích quốc tế nhìn nhận, quyết định gặp mặt ông Putin trong bối cảnh trên của người đứng đầu nước Mỹ, là việc thừa nhận vị thế và tính pháp lý của Tổng thống Nga. Theo họ, điều này không nên xảy ra do chính sách đối ngoại của Moscow vẫn chưa có những thay đổi cần thiết và mang ý nghĩa quan trọng.
Tuy nhiên, Andry Kortunov, người đứng đầu tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại RIAC đánh giá, tại Nga, ông Putin thực sự đã trở thành người chiến thắng.
“Nó cho phép Tổng thống Putin đưa ra khẳng định, Nga không bị cô lập, Nga là một cường quốc và ở một mức độ nào đó, thậm chí còn có thể tuyên bố tình trạng ngang bằng với nước Mỹ, ít nhất là trong lĩnh vực an ninh”, ông Kortunov nói.
Mức độ kỳ vọng tại Nga khá cao. Ông Putin, với hơn 18 năm kinh nghiệm trên chính trường quốc tế, được mong chờ sẽ giành ưu thế trước ông Trump – một chính trị gia “non trẻ” mới chỉ có gần 20 tháng trên cương vị Tổng thống Mỹ. Trước đó, hai nhà lãnh đạo đã từng gặp gỡ hai lần trong khuôn khổ các sự kiện quốc tế, và từng ít nhất 8 lần tiến hành điện đàm với nhau.
Cây bút chính trị Vitaly Tretyakov miêu tả ông Trump như một “anh lính mới”, đang chờ đợi ông Putin giải thích về những suy nghĩ của nước Nga, cũng như lý do tại sao Nga sáp nhập Crimea là đúng đắn. Còn Sergei Mironov, một nhà làm chính sách thân Điện Kremlin dự đoán, ông Putin chắc chắn sẽ là người dẫn dắt ở Helsinki. “Vladimir Putin sẽ đưa ra một bài học thực sự cho người thiếu kinh nghiệm chính trị là Donald Trump”, ông nói.
Tổng thống Putin và Tổng thống Trump từng gặp mặt hai lần trong khuôn khổ các sự kiện quốc tế |
Quá trình tan băng bắt đầu?
Đối với nhiều người Nga lớn tuổi, địa điểm cuộc họp, Helsinki gợi nhớ những ký ức về thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ, khi Nga thực sự nắm giữ vị thế của một cường quốc.
Xét về mặt kinh tế, các mối quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ, EU có thể thậm chí còn quan trọng hơn, nhưng giới chính trị Nga vẫn không ngừng “tính toán” sức mạnh mềm và cứng của Moscow trước đối thủ truyền thống là Mỹ.
Không ai ở Nga cho rằng, hội nghị thượng đỉnh có thể giải quyết ngay lập tức những khác biệt đã dẫn tới các lệnh trừng phạt của Mỹ dành cho Nga. Một cuộc thăm dò ý kiến đầu tuần này đã chỉ ra, hơn một nửa trong số 1.600 người tham gia trả lời dự đoán, sẽ không có một kết quả cụ thể tại Helsinki.
Tuy nhiên, đối với nhiều chính trị gia Nga – những người từng cho rằng chiến thắng của ông Trump trong bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 sẽ mở ra một trang mới trong “hàn gắn” Nga – Mỹ, nhưng hoá ra mọi việc lại không được như kỳ vọng - sự kiện ngày 16/7 là một cơ hội quý giá để phá băng trong quan hệ giữa hai nước.
Chuyến công du tới Moscow của một phái đoàn các nghị sỹ Đảng Cộng hoà trong tháng Bảy, được coi là một dấu hiệu tích cực khác. “Sáu tháng trước, chúng tôi đề xuất với họ về liên lạc qua Skype. Lúc đó, đối với họ là một sự tự sát chính trị, giờ đây mọi thứ đã khác”, chính trị gia Vyacheslav Nikonov, cháu nội của Ngoại trưởng Nga dưới thời Stalin, hài hước cho biết. Theo ông, Tổng thống Trump đủ mạnh mẽ để đưa ra các quyết định của riêng mình.
“Tôi không nhớ ra bất kỳ Tổng thống Mỹ thân Nga nào, nhưng tôi muốn nhắc lại, ông Trump là một trong những chính trị gia thân Nga nhất tại nước Mỹ trong thời điểm này”, Nikonov nói.
Trong khi đó người dẫn chương trình nổi tiếng của Nga Dmitry Kiselyov chỉ ra, Moscow đã chứng kiến cách ông Trump tiếp đón các nhà lãnh đạo khác tại nước Mỹ, như “bắt tay mà như vặn” với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, phủi… gầu trên vai áo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay “trừng mắt” với Thủ tướng Đức Angela Merkel…
“Trên một lãnh thổ trung lập, mọi người sẽ bình tĩnh hơn,” Kiselyov bày tỏ hy vọng.