• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thương vụ bán vốn “lịch sử” Sabeco: Giữ 36% vốn, Nhà nước vẫn có quyền phủ quyết

Thời sự 19/12/2017 12:08

(Tổ Quốc) -Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định với Báo Điện tử Tổ Quốc: “Việc bán cổ phần Sabeco, Chính phủ đã đánh giá nhiều lần và Bộ Công Thương có nhiệm vụ thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ. Quan điểm của Chính phủ là không kiểm soát các lĩnh vực bia rượu, thuốc lá… mà để cho tư nhân làm”.

Cổ phần của Bia Sài Gòn (Sabeco) đã chính thức được bán với số tiền lên đến gần 110.000 tỷ đồng vào chiều tối qua (18/12). Với việc thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Sabeco nhiều khả năng sau này, Chủ tịch Sabeco sẽ do người Thái Lan chỉ định, Tổng giám đốc Sabeco do Bộ Công Thương chỉ định (đại diện sở hữu vốn 36%). Sau thương vụ này Nhà nước vẫn giữ được 36% cổ phần tại Sabeco.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: "Việc bán cổ phần Sabeco, Chính phủ đã đánh giá nhiều lần và Bộ Công Thương có nhiệm vụ thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ". (Nguồn: Vietnamnet).

Theo các chuyên gia kinh tế, khi sở hữu tới 36% cổ phần, tức là sở hữu 1/3 công ty, cổ đông đã bỏ ra một khoản vốn không nhỏ. Luật pháp đã trao cho cổ đông sở hữu tối thiểu 36% tổng số cổ phần phổ thông của một công ty quyền phủ quyết.

Luật sư Trần Viết Hưng, Trưởng Văn phòng Luật sư Công Lý Hà Nội cho rằng, khi không có sự đồng thuận của cổ đông nắm giữ 36% cổ phần, Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) sẽ không thể thông qua bất kỳ một quyết định nào nằm trong thẩm quyền của ĐHCĐ.

Luật sư Hưng phân tích, việc một số thông tin cho rằng chúng ta đã “mất quyền kiểm soát tại một tổng công ty lớn, kinh doanh hiệu quả như Sabeco”, đó là thông tin không đúng và không hiểu hết bản chất của cổ phần hóa và không nắm chắc Luật. 

Thực tế, theo quy định tại khoản 3, Điều 104, Luật Doanh nghiệp, quyết định của ĐHCĐ được thông qua khi được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận. Đối với một số vấn đề như tăng vốn; sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty; đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất thì phải được ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết chấp thuận. Quy định này đã gián tiếp trao quyền phủ quyết nhiều vấn đề cho cổ đông sở hữu tối thiểu 26% và 36% cổ phần phổ thông của một công ty.

Như vậy, khi cổ đông nắm giữ 26% cổ phần phủ quyết, công ty sẽ không thể thông qua một số vấn đề quan trọng như tăng vốn điều lệ; sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty…Còn khi không có sự đồng thuận của cổ đông nắm giữ 36% cổ phần, ĐHCĐ sẽ không thể thông qua bất kỳ một quyết định nào nằm trong thẩm quyền của ĐHCĐ.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, chuyên gia tài chính – ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, “thông tin chúng ta mất quyền kiểm soát tại một tổng công ty lớn, kinh doanh hiệu quả như Sabeco” cần phải xem lại, bởi căn cứ vào luật pháp, ĐHCĐ sẽ không thể thông qua các quyết định nằm trong thẩm quyền của ĐHCĐ khi không có sự đồng thuận của cổ đông nắm giữ 36% cổ phần.

Theo ông Lực, trước khi CPH, Chính phủ, Bộ Công Thương đã tính toán kỹ càng việc cần phải sở hữu bao nhiêu phần trăm cổ phần, có những quyền phủ quyết gì…Hơn nữa, đối với lĩnh vực bia rượu, nước giải khát, thuốc lá…Chính phủ không nhất thiết phải nắm quyền kiểm soát mà nên khuyến khích tư nhân.

“Trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn thì việc CPH cũng là một trong những phương án huy động vốn cho ngân sách”, ông Cấn Văn Lực nói.

Đồng tình với các quan điểm trên, luật sư Trương Thanh Đức khẳng định việc bán cổ phần Sabeco lúc này là hoàn toàn đúng thời điểm và bán được giá như vậy là rất tốt.

“Phía đối tác hoạt động theo hành lang pháp lý, nhu cầu thị trường, nguyên lý kinh doanh… nên chúng ta không có gì phải băn khoăn và cần phải khuyến khích. Quan trọng là sau này họ chấp hành đóng thuế, cạnh tranh… đúng pháp luật”, luật sư Trương Thanh Đức nói.

Cũng theo luật sư Trương Thanh Đức, với việc nắm giữ 36% cổ phần, Chính phủ vẫn có quyền phủ quyết một số vấn đề quan trọng (theo điều lệ).

“Nếu chúng ta bán 49% thì chẳng ai mua hoặc giá bán chỉ rẻ bằng một nửa. Đối với lĩnh vực bia rượu, nước giải khát, thuốc lá… thì theo quan điểm của tôi, Nhà nước không nên nắm giữ. Giữ đến thời điểm hiện tại đã là quá chậm rồi. Chúng ta đã có nhà đầu tư chiến lược và giá hợp lý như vậy tại sao chúng ta không làm?”, ông Trương Thanh Đức nêu quan điểm.

(Nguồn: Internet)

Trong khi đó, ông Phạm Phú Quốc - Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước T.P Hồ Chí Minh cho biết, một khi Vietnam Beverage đã bỏ số tiền lớn như vậy để mua cổ phần của Sabeco thì họ luôn mong muốn Sabeco phát triển.

“Đa dạng hóa sở hữu các thành phần kinh tế là chủ trương đúng của Nhà nước. Quan trọng là dịch vụ doanh nghiệp tốt, thương hiệu, thu ngân sách, tạo công ăn việc làm tốt…Còn bản thân Beverage Việt Nam một khi đã mua cổ phần của Sabeco thì chắc chắn họ luôn tạo điều kiện để cho Sabeco phát triển tốt nhất, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư của chính họ. Ngoài ra, trong quá trình tham vấn, trao đổi để tìm nhà đầu tư chiến lược cũng như qua quá trình đấu giá thì Nhà nước và cổ đông hiện hữu cũng đã “hiểu rõ nhau”. Tôi cho rằng đây là một hợp tác tốt đẹp”, ông Phạm Phú Quốc nhìn nhận.

Và để làm rõ vấn đề này, trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Việc bán cổ phần Sabeco, Chính phủ đã đánh giá nhiều lần và Bộ Công Thương có nhiệm vụ thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ. Quan điểm của Chính phủ là không kiểm soát các lĩnh vực bia rượu, thuốc lá… mà để cho tư nhân làm”./.

 Hà Giang

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ