(Tổ Quốc) - Hợp đồng mua tên lửa từ Nga có phải bằng chứng cho mối quan hệ ngày càng xa cách giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO?
Theo một nhà phân tích quân sự Thổ Nhĩ Kỳ, nguyên nhân dẫn đến quyết định mua tên lửa phòng thủ S-400 do Nga sản xuất là do NATO không thể đáp ứng được một số nhu cầu an ninh của Ankara. Tuy nhiên, hợp đồng này không đồng nghĩa với việc mối quan hệ giữa NATO và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở nên xa cách.
Thổ Nhĩ Kỳ chọn mua tên lửa phòng thủ S-400 do Nga sản xuất (ảnh: CNBC)
|
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Sputnik, ông Resul Serdar Ataş nhấn mạnh, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa S-400 của Nga là kết quả mối quan hệ hợp tác song phương lâu năm của Thổ và Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng.
Chuyên gia này nhận định, những mối lo ngại của Mỹ và NATO là không có cơ sở, và Thổ Nhĩ Kỳ không phải là thành viên NATO đầu tiên mua tên lửa và hệ thống phòng thủ trên không do Nga sản xuất.
“Ví dụ, Hy Lạp đã vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga. Những chỉ trích [của NATO và Mỹ] là vô căn cứ. NATO nhẽ ra phải giúp đỡ các thành viên của mình khi họ có vấn đề an ninh. Về phần Thổ Nhĩ Kỳ, NATO không chìa tay ra với Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã muốn có hệ thống phòng thủ tên lửa. Ban đầu Ankara từng cân nhắc mua tên lửa Patriot của Mỹ và sau đó là Trung Quốc, nhưng kế hoạch không thành hiện thực. Cuối cùng, Thổ Nhĩ Kỳ để mắt đến S-400 như một sự lựa chọn thay thế,” ông Ataş nói.
Các cuộc thương lượng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến hợp đồng tên lửa S-400 đã bắt đầu từ năm ngoái. Hôm thứ Ba (12/9), cơ quan Hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga phát đi thông cáo rằng Moscow và Ankara đã đạt được một thỏa thuận về vấn đề này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, Ankara đã tiến hành thanh toán lần đầu. Trong khi đó, Nhà Trắng bày tỏ lo ngại khi cho rằng, hệ thống tên lửa phòng thủ của NATO sẽ là sự “lựa chọn tốt nhất” cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi được hỏi về tương lai hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO sau hợp đồng S-400, ông Ataş nhận định, sẽ không có sự chia rẽ nào. “Tất nhiên, sẽ có sự căng thẳng ban đầu, nhưng chúng sẽ sớm được giải quyết. Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ vào châu Á của NATO. Theo thuật ngữ an ninh, Thổ Nhĩ Kỳ và NATO cần lẫn nhau,” chuyên gia quân sự nhấn mạnh.
Bình luận thêm về mối quan hệ giữa Ankara và NATO, ông Ataş chỉ ra, hiện đang có một số “mất cân bằng nhỏ”, nhưng Nga không phải là “sự thay thế” cho NATO.
“Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định mua S-400 dựa trên nhu cầu an ninh quốc gia của mình. Tuy nhiên, đây không phải là động thái chống đối trực tiếp lại NATO,” ông khẳng định.
S-400 Triumph là tên lửa không đối đất thế hệ tiếp theo, có khả năng phá hủy các mục tiêu trên không ở khoảng cách ngắn cho đến rất dài. Nó được thiết kế để tìm kiếm và phá hủy nhiều mục tiêu trên không, từ máy bay do thám cho đến tên lửa đạn đạo.
(Theo Sputnik)