(Tổ Quốc) - Các chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam sẽ xuất hiện một chuyến thuyền robot công nghệ cao để thu gom các chai nhựa, giấy gói và các loại rác khác trên sông, hồ, ngăn cản nguy cơ chúng tràn ra Thái Bình Dương.
Con thuyền này sẽ thu gom rác cùng một đội thuyền tương tự tại nhiều nước như Malaysia và Indonesia. Đây là sáng kiến do tổ chức phi lợi nhuận Ocean Cleanup triển khai bằng tiền từ các nguồn như ban nhạc rock Coldplay của Anh, hãng đồ uống Coca-Cola và nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc Kia.
Ngoài dòng Mekong ở Việt Nam, những con thuyền này, có tên là Interceptors, sử dụng năng lượng mặt trời và hút rác ở các tuyến đường thủy như sông Klang của Malaysia và cống Cengkareng của Indonesia.
Rác được phát hiện sẽ được chuyển lên băng chuyền và phân bổ đồng đều trên sáu thùng chứa rác. Các cảm biến sẽ cho biết khi nào những thùng này đầy. Với công nghệ hiện đại nhưng với mức giá khoảng nửa triệu euro mỗi chiếc, liệu những chiếc thuyền này có thực sự là vũ khí hiệu quả trong cuộc chiến làm sạch các tuyến đường thủy trên thế giới?
Lonneke Holierhoek, giám đốc khoa học và hoạt động của Ocean Cleanup, cho rằng những con thuyền này là "biện pháp cuối cùng" mang tính tạm thời trước khi chất thải được cắt giảm thông qua chính sách phát triển cơ sở hạ tầng tốt hơn, tăng cường tái chế và giảm lượng tiêu thụ rác.
Tuy nhiên, nhóm hành động vì môi trường Break Free From Plastic, tổ chức đếm các nhãn hiệu tại mỗi thùng rác được thu gom, cho biết trong một báo cáo năm 2021 rằng nhà tài trợ lớn nhất của Ocean Cleanup, Coca-Cola, "đã giữ ngôi vương là công ty gây ô nhiễm hàng đầu thế giới trong năm thứ tư." Thêm vào đó, các công ty như PepsiCo, Unilever và Nestle cũng bị nhóm này chỉ trích về quy mô rác thải.
Tại một trong 15 con sông ở Việt Nam, chiếc thuyền robot sẽ hoàn thành giai đoạn thử nghiệm vào khoảng tháng 9 năm nay. Người dân địa phương cũng đề xuất một số thay đổi như lót lưới cho thùng rác để giúp việc loại bỏ rác dễ dàng hơn. Ocean Cleanup cho biết họ sẽ đưa khuyến nghị này tới những nơi như Malaysia.
Các nhà bảo vệ môi trường từ lâu đã cố gắng chỉ ra tai họa của rác thải nhựa đổ ra sông và biển, với một số ý kiến cho rằng việc tiêu thụ quá mức trong những thập kỷ tới có thể để lại nhiều nhựa trong các đại dương hơn là cá.
"Chúng tôi cần mọi người đóng góp thực sự, cam kết thực sự để thay đổi bản thân", Lonneke Holierhoek tiếp tục và nói thêm rằng các đối tác của công ty phải đặt "chân đến" hoặc làm việc trực tiếp với tổ chức.