(Tổ Quốc) - Khi truyền thông đưa tin về số người chết vì virus này tại Iran ở con số 50, đang gia tăng mối lo ngại về việc liệu Tehran có thể đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19 hay không.
Theo SCMP, khi các trường hợp nhiễm virus corona và tử vong tăng nhanh ở Iran, các chuyên gia cảnh báo sự bùng phát ở Cộng hòa Hồi giáo có thể trở nên tồi tệ hơn và sẽ cần viện trợ khẩn cấp để giúp quốc gia bị trừng phạt này tránh được khủng hoảng nhân đạo.
Hãng thông tấn bán chính thức Iran ILNA dẫn lời một quan chức địa phương cho biết, 50 người đã chết vì virus corona mới tại thành phố Hồi giáo Shiite Qom trong tháng này.
Con số mới, vẫn chưa được chính phủ Iran xác nhận, cao hơn đáng kể so với con số chính thức, đứng ở mức 12 người chết trong số 47 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận, theo truyền hình nhà nước Iran.
Hơn 250 người bị cách ly trong thành phố này – một nơi linh thiêng để học tập về đạo Hồi của người Shiite từ khắp Iran và các quốc gia khác, Ahmad Amiriabadi Farahani, một quan chức từ Qom, nói với ILNA.
So với các điểm nóng virus corona khác - bao gồm cả Trung Quốc, nơi căn bệnh này xuất phát - Iran có tỷ lệ tử vong cao bất thường. Theo SCMP, các chuyên gia đưa ra quan ngại rằng liệu quốc gia này có thể ngăn chặn đại dịch hay không.
Chen Xi, trợ lý chính sách y tế và kinh tế tại Trường Y tế công cộng Yale cho biết, "tôi rất quan ngại đến sự bùng phát Covid-19 tiềm tàng ở Iran và một số quốc gia châu Á khác có hệ thống y tế yếu kém".
Iran thông báo trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên vào ngày 13/2 và trường hợp tử vong đầu tiên 6 ngày sau đó – thời điểm cách cuộc bầu cử nước này chỉ 2 ngày.
Lo ngại khả năng đối phó dịch
Chính quyền Iran đã tuyên bố đóng cửa 1 tuần các trường học, trường đại học và các trung tâm văn hóa tại 14 tỉnh – một nỗ lực để hạn chế sự lây lan virus. Iran vẫn chưa đưa ra thông tin chi tiết về tình hình kiểm soát dịch bệnh tại nước này, bao gồm bao nhiêu người bị cách li và các biện pháp y tế hay hỗ trợ nào cần thiết để đối phó dịch bệnh.
Chen và các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo rằng nền kinh tế Iran và hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm vào chương trình hạt nhân của nước này kể từ những năm 1980, đặc biệt là những áp đặt sau khi Tổng thống Donald Trump rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 8 năm 2018.
Hua Liming, cựu đại sứ Trung Quốc tại Iran, cho biết dịch bệnh lần này là một thử nghiệm lớn đối với Tehran. "Trong khi tôi không nghĩ rằng dịch bệnh ở Iran sẽ nghiêm trọng như ở Trung Quốc, thì sự thật là Iran thiếu các trang bị thiết yếu, đặc biệt là về các bệnh viện và nhân viên y tế được trang bị thiếu sót, để tự mình đối phó với căn bệnh này nếu tình hình tiếp tục leo thang", Hua nói.
Trong một lá thư chung với các chuyên gia khác được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet hồi tháng 8, Thứ trưởng Y tế Iran, ông Irinaj Harirchi thừa nhận các vòng trừng phạt kinh tế khác nhau kể từ năm 1980 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề y tế và phúc lợi của người dân Iran.
Tòa án Công lý Quốc tế ở Hague đã đưa ra phán quyết hiếm hoi hai năm trước, yêu cầu Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt liên quan đến thương mại nhân đạo, thực phẩm, thuốc men và hàng không dân dụng đối với Iran.
Các lệnh trừng phạt trong nhiều thập kỷ cũng làm trầm trọng thêm việc thiếu hụt nguồn cung cấp y tế. Các công nghệ chẩn đoán của họ cũng bị tụt lại phía sau, Chen nói. Tôi nghĩ rằng cộng đồng quốc tế nên hợp tác để chia sẻ một cách minh bạch dữ liệu về hành trình đi lại, chuẩn hóa tính chính xác của bộ dụng cụ thử nghiệm và cho phép viện trợ nhân đạo gửi đến Iran, theo quan chức này.
Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực này có thể không chắc chắn và bị gián đoạn do sự rút lui gần đây khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và chính sách của ông Trump đối với Iran.
Kêu gọi đồng minh Iran góp sức
Các chuyên gia đang kêu gọi Hoa Kỳ giảm bớt các hạn chế về thương mại nhân đạo với Iran, điều này sẽ cho phép Trung Quốc và các quốc gia thân cận khác của Iran, bao gồm Nga, cung cấp viện trợ y tế và nhân đạo cho Cộng hòa Hồi giáo trước khi căn bệnh này leo thang thành một cuộc khủng hoảng lớn hơn trong khu vực .
Li Guofu, một nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, một nhóm chuyên gia tham vấn ở Bắc Kinh có liên kết với Bộ Ngoại giao, cho biết Trung Quốc có thể đóng vai trò chính trong việc giúp đỡ Teheran trong cuộc khủng hoảng này.
"Trong khi căn bệnh này là mới và thế giới có thể có ít kinh nghiệm trong việc đối phó hoặc chữa khỏi, Trung Quốc nên hợp tác với các nước khác để tìm hiểu những gì Iran cần và cung cấp viện trợ như khẩu trang và các thiết bị bảo vệ khác, ông nói.
Chen cho biết Trung Quốc và các tổ chức khác nên hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới, trong đó Iran cũng là thành viên, để cung cấp bộ dụng cụ xét nghiệm chẩn đoán sớm hơn và chính xác hơn và chia sẻ kinh nghiệm về kiểm dịch bắt buộc để giúp ngăn chặn sự lây lan của virus.
Nếu Iran rơi vào một đợt bùng phát lớn, Mỹ sẽ chịu áp lực quốc tế trong việc gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt cho phép viện trợ nhân đạo, Gal Luft, đồng giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu ở Washington, cho biết.
Chính quyền Trump sẽ phải đối mặt với một vấn đề nan giải về đạo đức: liệu có nên dỡ bỏ một số sức ép đối với Iran hay khi đối mặt với sự lên án của quốc tế vì đã khiến hàng triệu người gặp rủi ro, ông nói.
Luft cho biết khi lo ngại về đại dịch toàn cầu gia tăng và các quốc gia cũng phải dự trữ khẩu trang và các thiết bị y tế khác, thì sẽ khó để các quốc gia khác giúp Iran một cách hiệu quả.
Iran đã gửi 3 triệu khẩu trang cho Trung Quốc vào đầu tháng này, nhưng sau những phàn nàn của công chúng về sự thiếu hụt ở nước này, Tehran đã cấm xuất khẩu thêm khẩu trang sang Trung Quốc.
Cách tốt nhất để Iran đối phó với căn bệnh này là làm chính xác những gì Trung Quốc đã làm - kiểm dịch. Nếu Vũ Hán với 11 triệu dân có thể bị cách ly, thì Teheran cũng có thể với 8 triệu người, ông nói.
Virus corona đã giết chết hơn 2.500 người và lây nhiễm hơn 77.000 người, chủ yếu ở Trung Quốc đại lục, kể từ khi dịch bệnh khởi phát vào tháng 12 năm ngoái.