(Tổ Quốc) - Tối 15 và 16/10/2022, chương trình Ngôi Sao Phương Nam lần thứ 10 diễn ra tại tại Nhà Hát Lớn mang đến cho khán giả thủ đô vở cải lương "Tiếng Trống Mê Linh".
"Tiếng Trống Mê Linh" là vở cải lương kinh điển được công diễn lần đầu tiên năm 1977. Nội dung vở diễn nói về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Trong thời Bắc thuộc, dưới sự cai trị hà khắc của thái thú Tô Định, ngay cả lễ giỗ tổ Hùng Vương cũng không được tổ chức. Vì vậy dù tính mạng chồng là Thi Sách bị đe dọa, Trưng Trắc lập bàn thờ tế sống chồng, cùng em gái Trưng Nhị lãnh đạo khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược.
Tái hiện vở diễn kinh điển từng làm nên tên tuổi nghệ sĩ Thanh Nga, Thanh Sang, NSƯT Kim Tử Long đã thể hiện bản lĩnh đạo diễn vững vàng. Vở diễn đậm chất hào hùng, tráng lệ nhưng vẫn mềm mại hấp dẫn bởi những màn vũ đạo đẹp mắt, những mảng miếng hài lồng ghép khéo léo, tiết chế. Màn hình led với những hình ảnh được chọn lọc, minh họa phù hợp, hỗ trợ cho nội dung giúp vở diễn mang tinh thần hiện đại gần gũi hơn với khán giả ngày nay. Điểm sáng nhất của chương trình chính là dàn diễn viên.
Ngọc Huyền - Kim Tử Long liên tiếp nhận những tràng vỗ tay vang dội của người hâm mộ từ lúc bắt đầu xuất hiện đến tận lúc khép màn nhung. Cặp Kim Đồng Ngọc Nữ sân khấu cải lương cho thấy khó có thể thay thế của họ. Cả hai có sự tương tác vô cùng ăn ý, lúc tình tứ đậm nghĩa phu thê, lúc mạnh mẽ bừng bừng tinh thần hiệp nghĩa, lúc cương lúc nhu đặc biệt là phần ca ngọt, kỹ thuật điêu luyện. Ở tuổi ngũ tuần, Kim Tử Long và Ngọc Huyền vẫn giữ được phong độ đỉnh cao cả về giọng hát, diễn xuất lẫn vóc dáng, không thay đổi so với khi hai người được bình chọn là "đôi nghệ sĩ ăn ý nhất những năm thập niên 90".
Đảm nhận vai nữ chính, có nhiều đất diễn nhất, Ngọc Huyền đã tái hiện thành công hình ảnh người phụ nữ mưu trí, có tài thao lược, trái tim nhân hậu và quả cảm "một vai nặng gánh giang sơn, một vai nặng gánh ân tình". Cảnh Trưng Trắc một mình đứng trên đài cao miêu tả phút yếu lòng của nữ tướng trước nỗi đau chồng bị giặc bắt đến cảnh cầm gươm quyết tâm "vị quốc vong thân" và cảnh Trưng Trắc lập bàn thờ tế sống Thi Sách trước khi tấn công địch là hai trường đoạn xuất sắc, đã lấy nhiều nước mắt của khán giả. Ngọc Huyền đã lột tả được nỗi đau xé lòng của người vợ khi vì vận nước không chấp nhận đầu hàng, để chồng bị giặc thiêu. Giọng hát nghẹn ngào, từng ngón tay run rẩy và cảnh Trưng Trắc đội lên đầu chiếc khăn tang với biểu cảm chân thật của Ngọc Huyền khiến nhiều cụ bà sụt sùi, lấy khăn chấm mắt.
Vai Trưng Nhị của Trinh Trinh là một lựa chọn vừa vặn. Kim Tử Long từng nói, anh không sợ mang tiếng ưu ái vợ, vì Trinh Trinh là một nghệ sĩ tài năng. Đứng cạnh ngôi sao Ngọc Huyền, Trinh Trinh vẫn không bị lép vế. Cô có cả giọng hát tốt lẫn biểu cảm tinh tế.
NSƯT Hữu Châu chứng tỏ bản lĩnh sân khấu dày dặn khi đảm nhận vai Thái Thú Tô Định gian ác tham lam, khơi dậy căm hận ngay trong những khán giả đang ngồi xem vở diễn. Khán giả vốn quen với một Hữu Châu hài hước, ấn tượng với vai Nguyễn Trãi chất chứa nhiều u uất, giờ được chứng kiến thêm sự biến hóa đa dạng của nam diễn viên kỳ cựu. Diễn viên hài Đại Nghĩa lần đầu chạm ngõ cải lương đã mang đến những phút thú vị cho người xem khi vào vai Tào Uyên. Diễn xuất duyên dáng, hài hước của anh khiến khán giả thích thú. Từng ngần ngại khi được mời đóng "Tiếng Trống Mê Linh" vì không biết hát, nhưng dưới sự hướng dẫn của Kim Tử Long, Đại Nghĩa đã ca rất dài, rất ngọt. Những diễn viên trẻ cũng đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, tạo thành một bức tranh tổng thể hoàn chỉnh.
Vở diễn kết thúc sau 3 tiếng, dù đã 23h đêm, khán giả vẫn nán lại kiên nhẫn xếp hàng chờ lên sân khấu chúc mừng các nghệ sĩ và chụp hình lưu niệm. Có những gia đình ba bốn thế hệ cả già cả trẻ hạnh phúc khi được đứng chung khuôn hình cùng thần tượng.
Tuy nhiên, chỉ đạo sản xuất Đoàn Thúy Phương cho biết, điều đáng tiếc của chương trình "Ngôi sao phương Nam" với vở diễn kinh điển "Tiếng trống Mê Linh" lần này chính là sự khó khăn trong tiếp cận khán giả. Cũng theo tiết lộ của chỉ đạo sản xuất Đoàn Thúy Phương, trong 1 thập kỷ tổ chức "Ngôi sao phương Nam" đưa cải lương miền Nam ra Hà Nội, năm nay là năm đầu tiên nhà hát không kín ghế, thưa vắng người xem khiến các nghệ sĩ lặn lội từ Nam ra Bắc biểu diễn cũng rất buồn và trăn trở./.