(Tổ Quốc) - Theo AP, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh cấm đầu tư vào 59 công ty của Trung Quốc liên quan đến các lĩnh vực công nghệ giám sát và quốc phòng.
Mỹ thêm hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp vào ngày 3/6, áp dụng lệnh cấm đối với các thực thể đầu tư vào hàng chục công ty Trung Quốc trong lĩnh vực quốc phòng và công nghệ giám sát. Đây là động thái kế thừa "di sản" từ cựu Tổng thống Trump của chính quyền mới trong việc thể hiện chính sách cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc.
Bộ Tài chính Mỹ sẽ cập nhật trên cơ sở luân phiên danh sách mới với khoảng 59 công ty, thực hiện lệnh cấm các thực thể đầu tư của Mỹ mua hoặc bán với các công ty này nhằm thay thế danh sách trước đó của Bộ Quốc phòng.
"Sắc lệnh hành pháp sẽ ngăn cản đầu tư Mỹ hỗ trợ khu phức hợp công nghiệp - quân sự Trung Quốc cũng như chương trình phát triển và nghiên cứu quân sự, tình báo và an ninh", Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh.
Các công ty lớn của Trung Quốc, bao gồm Công ty Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC), Tập đoàn truyền thông di động Trung Quốc, Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), Công ty TNHH Công nghệ kỹ thuật số Hangzhou Hikvision, Huawei và hãng sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC cũng được đưa vào danh sách đen mới.
Hiện SMIC đóng vai trò quan trọng cho động lực phát triển quốc gia trong lĩnh vực sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc.
"Trong tháng tới, chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung các công ty khác vào danh sách theo sắc lệnh hành pháp mới", một trong số các quan chức Mỹ cho biết.
Theo một nguồn tin khác, việc đưa các công ty công nghệ giám sát của Trung Quốc vào danh sách đen đã mở rộng phạm vi sắc lệnh hành pháp của chính quyền Mỹ mới so với thời cựu Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Biden đã xem xét một số khía cạnh trong chính sách của Mỹ với Trung Quốc và định hình cách tiếp cận mới trong chính sách ngoại giao của Washington với Bắc Kinh.
Định hướng ngoại giao mới của Mỹ với Trung Quốc
Theo AP, động thái này là một phần trong định hướng chính sách mới của chính quyền Tổng thống Biden đối với Trung Quốc, bao gồm việc củng cố các liên minh Mỹ và theo đuổi các khoản đầu tư lớn trong nước để tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Điều phối viên chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Tổng thống Biden – ông Kurt Campbell nhấn mạnh, thời kỳ gắn bó giữa Mỹ và Trung Quốc có khả năng đã kết thúc và mô hình thống trị quan hệ song phương trong tương lai giữa hai nước sẽ là cạnh tranh.
Các quan chức cấp cao cho biết, Bộ Tài chính Mỹ sẽ đưa ra các hướng dẫn về phạm vi công nghệ giám sát.
"Chúng tôi thực sự muốn đảm bảo rằng bất kỳ lệnh cấm nào trong tương lai đều phải có cơ sở pháp lý vững chắc. Vì vậy, danh sách đầu tiên mà chúng tôi đưa ra đã phản ánh điều đó", quan chức cấp cao nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại diện phía Nhà Trắng lên tiếng, quyết định mở rộng phạm vi của sắc lệnh hành pháp Mỹ nhằm ngăn chặn "các thách thức bất thường có thể xảy ra".
Phản ứng trước điều này, theo tờ Bloomberg, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định hành động của Washington được xem như "coi thường sự thật".
Theo Người phát ngôn Trung Quốc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin, lệnh cấm ban đầu của cựu Tổng thống Trump "không chỉ làm suy yếu quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc mà còn làm tổn hại đến lợi ích của các nhà đầu tư toàn cầu, bao gồm cả Mỹ".
Một số công ty có tên trong cả hai sắc lệnh đã công bố trước đây đều bác bỏ có liên quan với quân đội Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng, mặc dù chính quyền Tổng thống Biden thể hiện chính sách ngoại giao với Trung Quốc theo cách dễ đoán hơn so với chính sách của lãnh đạo tiền nhiệm nhưng khả năng Mỹ nới lỏng các chính sách công nghệ và thương mại với Trung Quốc là điều rất khó xảy ra.
Theo hãng CNN, căng thẳng leo thang trong nhiều vấn đề gần đây cho thấy quan hệ hai nước khó có thể trở lại như trước.
Mặc dù vậy, cả Washington và Bắc Kinh đang bắt đầu đàm phán trở lại một số vấn đề.
"Bắc Kinh bày tỏ mong muốn thúc đẩy ngoại giao bình thường với Washington trong lĩnh vực kinh tế và thương mại", hãng CNN trích dẫn thông tin từ cuộc đàm phán giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He, Đại diện Thương mại Mỹ - Katherine Tai và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết.