(Tổ Quốc) - Tần suất các cuộc điện thoại cho khách hàng để mời chào mua bất động sản, bảo hiểm… ngày càng tăng đồng nghĩa với tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân đang ngày một diễn ra trầm trọng hơn.
Ảnh minh họa (Nguồn: Vietnamnet)
Luật Bảo vệ người tiêu dùng được Quốc hội khóa 12 thông qua và Luật An toàn thông tin mới đây đã quy định rất rõ, người tiêu dùng khi tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa dịch vụ thì được quyền bảo đảm thông tin cũng như bí mật cá nhân của mình.
Cụ thể, Điều 6 của Luật quy định: Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Trường hợp thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng thì doanh nghiệp có trách nhiệm: Thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng; Sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý; Bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ khi thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng; Tự mình hoặc có biện pháp để người tiêu dùng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin đó không chính xác; Chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Tuy nhiên trên thực tế, tại Việt nam, rất dễ dàng để một doanh nghiệp có thể mua được một danh sách các khách hàng với các thông tin chi tiết kèm theo: vị trí địa lý, điện thoại, email, chức vụ...thậm chí là lịch sử giao dịch của người tiêu dùng trong các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, mua bán hàng hóa... Các doanh nghiệp sử dụng các thông tin này để gọi điện, nhắn tin, gửi email…với mục đích chào mời mua bất động sản, bảo hiểm và nhiều dịch vụ khác.
Theo thống kê từ hoạt động của Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng -1800.6838 tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trong 7 tháng đầu năm 2017, Cục đã tiếp nhận hơn 30 vụ việc phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về việc nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn từ mạng xã hội có nội dung cung cấp thông tin lừa đảo người tiêu dùng. Phần lớn các hoạt động liên hệ này đều chứa đựng ít nhất một vài thông tin chính xác của người tiêu dùng, ví dụ như họ tên, địa chỉ nhà, hoạt động mua bán đã từng thực hiện trong quá khứ tại một doanh nghiệp nào đó,..
Những thông tin chính xác này là căn cứ quan trọng để người tiêu dùng tin tưởng vào những nội dung chào mời của các đối tượng. Và theo đó, nhiều trường hợp đã bị dẫn dụ tới việc giao nộp cho đối tượng lừa đảo một khoản tiền, từ 1-2 triệu cho đến vài chục triệu, thậm chí là 100 triệu đồng.
Việc liên hệ với các đối tượng lừa đảo để giải quyết các khiếu nại phát sinh thường là rất khó do các đối tượng sử dụng các thông tin liên hệ mạo danh hoặc không xác định được tính chính xác về thông tin của đối tượng.
Về vấn đề này, luật sư Trần Viết Hưng, Trưởng VP Luật sư Công Lý Hà Nội (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, các cuộc gọi "rác" bị pháp luật cấm vì chứa những thông tin quảng cáo mà khách hàng không đồng ý.
"Nhưng để xử lý vấn đề này thì khách hàng phải ghi âm lại nội dung cuộc gọi để từ đó có bằng chứng truy xuất. Đây không chỉ là những cuộc gọi "rác" mà còn phản ánh về tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân đang ngày càng tăng. Việc doanh nghiệp tiết lộ số điện thoại cá nhân mà không được sự đồng ý của khách hàng là vi phạm pháp luật", luật sư Trần Viết Hưng nhấn mạnh.
Luật sư Phan Nhật Luận - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc các công ty liên tục điện thoại, nhắn tin tiếp thị các dịch vụ, sản phẩm trái với ý muốn của người tiêu dùng, gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng là hành vi quấy rối bị nghiêm cấm.
Xét về mặt khách quan có thể thấy hệ thống văn bản pháp luật quản lý lĩnh vực này đã tương đối đầy đủ và chặt chẽ. Do vậy, nếu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc pháp luật, các nhà mạng chung tay cùng xử lý, chắc chắn các cuộc gọi rác đó sẽ được đẩy lùi.