(Tổ Quốc) - Những căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan hồi cuối tháng 2 từng đứng trước bờ vực dẫn tới một cuộc tấn công và đáp trả bằng tên lửa.
Reuters dẫn lời một số nguồn tin giấu tên cho hay, trong thời gian căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan vào cuối tháng hai, hai nước từng đe dọa tấn công tên lửa lẫn nhau; và nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột lớn hơn may mắn đã được chặn lại nhờ sự can thiệp của các quan chức Mỹ.
Các máy bay F-16 của không quân Pakistan (ảnh: AFP)
Các nguồn tin từ New Delhi, Islamabad và Washington xác nhận, Ấn Độ lên kế hoạch phóng đi sáu tên lửa vào các mục tiêu bên trong Pakistan. Các đụng độ trên không giữa hai nước vào ngày 27/2 diễn ra sau một cuộc tấn công của các phi cơ chiến đấu Ấn Độ vào nơi New Delhi cho là trại khủng bố tại Pakistan. Islamabad kiên quyết phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ cơ sở nào như vậy và tuyên bố sẽ đáp trả lại tấn công tên lửa từ Ấn Độ bằng cách phóng tên lửa của chính mình nhưng với số lượng lớn hơn.
"Nếu các anh phóng một tên lửa, chúng tôi sẽ phóng ba. Cho dù Ấn Độ làm gì, chúng tôi sẽ đáp trả gấp ba lần," Reuters trích dẫn một Bộ trưởng giấu tên của Pakistan phát biểu lúc đó.
Một nguồn tin khác hé lộ, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã điện đàm với người đồng cấp Ajit Doval vào tối ngày 27/2 và đầu giờ sáng ngày 28/2, nhằm tìm cách tháo gỡ tình huống. Washington được cho là tập trung vào mục tiêu nhanh chóng thả phi công Ấn Độ và thuyết phục New Delhi từ bỏ kế hoạch phóng tên lửa. Ngày 1/3, phi công được trao trả cho Ấn Độ. Thủ tướng Pakistan Imran Khan gọi đó là một "động thái hòa bình".
"Chúng tôi đã rất cố gắng để đưa cộng đồng quốc tế tham gia quá trình khuyến khích hai bên giảm leo thang xung đột bởi vì chúng tôi hiểu rõ tình hình nguy hiểm như thế nào", một quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền Trump cho hay.
Trong buổi họp báo sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội, Tổng thống Donald Trump đã chia sẻ với các phóng viên rằng, cuộc khủng hoảng Ấn Độ và Pakistan sẽ sớm kết thúc.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có tín hiệu về việc Moscow sẵn sàng làm bên trung gian giữa Ấn Độ và Pakistan, nhằm giúp xoa dịu căng thẳng giữa hai quốc gia đều đang sở hữu vũ khí hạt nhân.