(Tổ Quốc) - Chính phủ Zambia đã thực hiện một số chương trình hỗ trợ tài chính cho nông dân và thu được nhiều tín hiệu tích cực.
Hơn một nửa dân số Zambia sống dưới chuẩn nghèo quốc gia vào năm 2015. Có 89% hộ gia đình làm nông nghiệp ở khu vực nông thôn và tại đây, tỷ lệ người nghèo, ở mức 77% dân số, thậm chí còn cao hơn mức trung bình trên toàn Zambia.
Hiệu quả từ các chương trình hỗ trợ nông nghiệp của Zambia
Để xóa đói giảm nghèo, chính phủ Zambia đã triển khai một số chương trình hỗ trợ nông nghiệp, trong đó có 3 chương trình chủ yếu: hỗ trợ nguyên liệu đầu vào cho nông dân; bảo đảm an ninh lương thực cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương và hỗ trợ thu mua sản phẩm đầu ra cho người nông dân.
Chương trình Trợ cấp đầu vào cho nông dân Zambia, được giới thiệu từ năm 2002, trợ cấp các nguyên liệu đầu vào cho trang trại. Hình thức có thể là trợ cấp về giá hoặc các phân phối các nguyên liệu cụ thể. Mục tiêu chính của chương trình là giảm chi phí cho nông dân và giúp họ nâng cao thu nhập.
Chương trình An ninh Lương thực, được triển khai vào năm 2000, hướng tới hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất nhỏ dễ bị tổn thương cả về nguyên liệu đầu vào và quá trình thu hoạch.
Cụ thể, chương trình này hỗ trợ khoảng 2.400 Kwacha (130 USD) cho các hộ gia đình mà chủ hộ không có việc làm và thuộc nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, người mắc bệnh nan y không thể lao động, thanh niên không tìm được việc làm, người già và trẻ em. Để đủ điều kiện, các hộ gia đình phải canh tác từ 0,5 đến 2 ha đất và có đủ lao động bảo đảm canh tác. Các hộ gia đình có chủ hộ là nữ và người cao tuổi cũng sẽ nhận được phần hỗ trợ nhiều hơn.
Vào năm 2020, có 55.000 hộ gia đình nhận trợ cấp theo gói này. Sau khi con số nhận hỗ trợ được nâng lên 263.000 hộ gia đình vào năm 2021-22, mục tiêu của chính phủ Zambia là hỗ trợ 290.000 hộ trong vụ canh tác 2022-23. Nếu đạt được mục tiêu nay, tỷ lệ nghèo đói trên đầu người của Zambia sẽ giảm đi 0,9%.
Và Cơ quan Dự trữ Lương thực Zambia sẽ mua sản phẩm của nông dân với giá cố định, từ đó bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường và ổn định giá cả cho nông dân. Mục đích cốt lõi của chương trình này là quản lý dự trữ lương thực chiến lược.
Khi so sánh hiệu quả của 3 chương trình này tại Zambia, Gói An ninh Lương thực đã cho thấy hiệu quả hơn trong việc giảm nghèo đói và bất bình đẳng ở khu vực nông thôn.
Kinh nghiệm cho Việt Nam trong triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư nông nghiệp
Đánh giá được cách Zambia triển khai các chương trình hỗ trợ nông nghiệp này có thể là kinh nghiệm tốt cho Việt Nam khi tại nhiều địa phương, việc triển khai đi vào cuộc sống của nhiều chính sách hiện vẫn đang “dậm chân tại chỗ”.
Tại Tuyên Quang, liên tiếp trong 3 năm, từ 2019 đến 2021, nhiều Nghị quyết hỗ trợ về nông nghiệp đã được HĐND tỉnh ban hành, như Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 1-8-2019 về hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 15-12-2020 quy định chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ và Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND ngày 16-7-2021 hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn hỗ trợ tại nhiều nơi vẫn khá gian nan. Ở Phúc Ninh (Yên Sơn, Tuyên Quang), đã có nhiều người theo đuổi sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhưng phải bỏ dở giữa chừng do khó khăn về vốn, đầu ra và cả những yêu cầu khắt khe của quá trình sản xuất.
Không chỉ với sản xuất hữu cơ, việc hỗ trợ các hợp tác xã, chủ cơ sở sản xuất theo chuỗi liên kết cũng chưa có biến động. Theo số liệu báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tuyên Quang, đến cuối năm 2022, chỉ có Nghị quyết 03 đã giải ngân được gần 20 tỷ đồng hỗ trợ cho các đối tượng. Còn lại Nghị quyết 06, Nghị quyết 11 chưa có dư nợ. Nguyên nhân được chỉ ra là do chưa có đối tượng đáp ứng tiêu chí hỗ trợ của chính sách.
Tại tỉnh Bắc Ninh, trong khi đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp được triển khai góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đem lại thu nhập ổn định cho người dân, vẫn còn một số hạn chế trong triển khai thực hiện như: Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách chưa được thường xuyên; một số cán bộ ở địa phương còn chưa nắm chắc các nội dung của chính sách, do đó việc triển khai và thực hiện chính sách tới các hộ nông dân còn chưa đầy đủ và rộng rãi; một số định mức hỗ trợ thấp; hồ sơ, thủ tục hỗ trợ còn phức tạp….
Do đó, việc học hỏi kinh nghiệm từ thế giới và đánh giá hiệu quả của từng chính sách tại từng khu vực có thể giúp các tỉnh, thành nhanh chóng đưa ra được các giải pháp hiệu quả và sát nhất với thực tiễn nông nghiệp địa phương.