• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tìm hiểu thực tế Ấn Độ thay Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới

Thế giới 13/09/2022 11:36

(Tổ Quốc) - Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng tỷ lệ thất nghiệp cao, tiêu dùng trong nước yếu và nền kinh tế toàn cầu chậm lại có thể hạn chế tăng trưởng trong những quý tới.

Theo SCMP, người dân Ấn Độ đang vui mừng sau khi đất nước này vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, nhưng các nhà phân tích cũng đang kêu gọi "kiểm tra tình hình thực tế" và nói rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để giảm tỷ lệ thất nghiệp và bất bình đẳng.

Thành tích lớn vào thời khắc đặc biệt cho Ấn Độ

"Niềm vui khi vượt qua Anh, quốc gia đã cai trị Ấn Độ trong 250 năm … là một điều đặc biệt," Thủ tướng Narendra Modi cho biết vào tuần trước.

Dữ liệu của chính phủ nước này cho thấy Ấn Độ củng cố vị trí thứ năm toàn cầu khi công bố mức tăng trưởng quý đầu tiên trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 là 13,5%, trong khi kinh tế Anh suy giảm 0,1% trong cùng thời kỳ.

Tính đến tháng 3 năm nay, nền kinh tế Ấn Độ đã tăng lên 854,7 tỷ USD so với 816 tỷ USD của Anh, theo tính toán của Bloomberg, bằng cách sử dụng số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tìm hiểu thực tế Ấn Độ thay Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới - Ảnh 1.

Ấn Độ đã đạt được thành tích tích cực vào đúng dịp kỷ niệm đặc biệt. Ảnh: Bloomberg.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng đánh giá cao thành tích của Ấn Độ trong việc đẩy Vương quốc Anh xuống vị trí thứ sáu trong bảng xếp hạng toàn cầu và nhiều người khác cũng so sánh đà tăng trưởng mạnh mẽ của Ấn Độ với Trung Quốc, vốn chỉ tăng 0,4% trong cùng thời kỳ.

Thành tích này đạt được khi Ấn Độ kỷ niệm 75 năm độc lập khỏi Anh, đánh dấu lần đầu tiên nước này được xếp hạng trong số 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới - chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.

Bà Nirmala Sitharaman, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, phát biểu trong một cuộc họp kinh doanh vào tuần trước rằng Ấn Độ đang trên đường trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào cuối năm 2029. "Hôm nay thứ năm. Sớm thôi thứ ba" bà nói. Một thập kỷ trước, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 11 trong khi Anh đứng ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng của IMF.

Mặc dù "khoảnh khắc tự hào" này trở nên ngọt ngào hơn khi nó diễn ra trong năm độc lập thứ 75 của Ấn Độ, Uday Kotak, giám đốc điều hành của Ngân hàng Kotak Mahindra, đã kêu gọi một "cuộc đánh giá tình hình thực tế".

Nhìn lại tình hình thực tế

Về tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người, "chúng ta đang ở mức 2.500 USD so với 47.000 USD của Anh. Chúng ta còn một chặng đường lớn!", ông đã tweet.

Ngay cả khi vị trí thứ 5 đã đạt được thì Ấn Độ, hiện được xếp vào nhóm quốc gia có thu nhập thấp hơn, chỉ có thể trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và đạt thu nhập bình quân đầu người 10.000 USD vào năm 2047 nếu nước này cố gắng đạt được mức tăng trưởng bền vững từ 7 -7,5%, Bibek Debroy, người đứng đầu Hội đồng Cố vấn Kinh tế của chính phủ Ấn Độ, cho hay.

Các nhà kinh tế nói rằng việc đạt được tốc độ tăng trưởng như vậy trong nhiều năm không phải dễ dàng, vì Ấn Độ mới chỉ làm được một lần trước đây, từ năm 2003 đến năm 2007.

Con số tăng trưởng có vẻ đáng ghen tị hiện tại là do nền kinh tế phục hồi trở lại sau thời kỳ dịch bệnh khó khăn trong hai năm vừa qua, tuy nhiên, nó vẫn thấp hơn mục tiêu của ngân hàng trung ương nước này là 16,2%.

Các công ty môi giới tài chính hiện đang cắt giảm dự báo tăng trưởng của họ cho năm tài chính 2022-23 nằm trong mức 6,8% - 7,2%, giảm so với dự báo trước đó là hơn 10%.

Santanu Sengupta, nhà phân tích Ấn Độ của Goldman Sachs cho biết: "Dự báo tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của chúng tôi" và ông cho biết thêm rằng nhà đầu tư nhận thấy rủi ro suy giảm kinh tế đối với dự báo tăng trưởng 7,2%.

Tăng trưởng các quý sắp tới cũng sẽ không còn tăng mạnh như vậy nữa khi các vấn đề của dịch bệnh Covid-19 giảm dần và nền kinh tế chịu tác động kết hợp của việc thắt chặt tiền tệ, nhu cầu sau đại dịch giảm dần, tỷ lệ thất nghiệp cao và nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, theo các nhà kinh tế.

Theo nhà kinh tế Kunal Kundu tại Ấn Độ, đất nước 1,4 tỷ dân này đã "ghi nhận những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng khi nền kinh tế mở cửa trở lại".

Tiêu dùng tư nhân trong quý đầu tiên tăng 25,9% so với một năm trước, trong khi thương mại, khách sạn và vận tải tăng 25,7%, cũng như đầu tư tăng 20,1%.

Nhưng lĩnh vực sản xuất, khu vực quan trọng tạo ra việc làm trên quy mô lớn với 12 triệu thanh niên tràn vào lực lượng lao động hàng năm, chỉ tăng 4,8%.

Số lượng việc làm phi nông nghiệp được tạo ra hàng năm hiện nay là khoảng 4 triệu việc làm. Các nhà kinh tế cho biết mức lương thực tế đang ở mức thấp kỷ lục, trong đó thu nhập của nhiều người Ấn Độ quá thấp và không đủ để thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng, theo các nhà kinh tế..

Kundu cho biết, đà tăng của Ấn Độ có thể sẽ tiếp tục bị kìm hãm do "thị trường lao động phục hồi khá yếu và tiền lương chưa có mức bật phá" – điều sẽ dẫn đến "triển vọng tiêu dùng trong nước yếu".

Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của nước này vào tháng 8 là 8,3%, đạt mức cao nhất trong 12 tháng qua và tăng từ 5% cách đây 5 năm.

Trong khi các thành tích nổi bật của Ấn Độ vẫn sẽ đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn và tăng trưởng nhanh nhất trong năm nay và các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng của nước này sẽ khoảng 6,3% trong năm tới và đà tăng trưởng sẽ tiếp tục ở mức đó trong thời gian tiếp theo. Tuy nhiên, trong một báo cáo năm 2020, công ty tư vấn McKinsey ước tính nền kinh tế nước này sẽ cần tăng trưởng 8- 8,5% hàng năm để cung cấp đủ việc làm. Nếu không, "Ấn Độ có nguy cơ bị đình trệ thu nhập và chất lượng cuộc sống trong một thập kỷ".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ