(Tổ Quốc) - Chính quyền Trung Quốc đã đưa ra một số phương thuốc cổ truyền vào phác đồ điều trị lần thứ hai mới công bố đối với virus corona mới.
Trước tình hình dịch bệnh do virus corona mới gây ra vẫn tiếp tục bùng phát trong khi các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được phương thuốc đặc trị, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã đề nghị các bác sỹ thử nghiệm kết hợp các loại thuốc phương tây sử dụng để điều trị HIV và chống lại virus – tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe mỗi bệnh nhân.
Bên cạnh đó, người ta cũng tìm kiếm các biện pháp bổ sung khác nhau, bao gồm cả các bài thuốc dân gian Trung Quốc. An Cung Ngưu Hoàng Hoàn – bài thuốc nổi tiếng với những thành phần như sừng trâu, ngưu hoàng, xạ hương, trân châu, chu sa…, là một lựa chọn được nhiều người ủng hộ.
"Tôi nghĩ việc tìm tới các phương thuốc đông y là một cách tiếp cận đúng đắn", giáo sư dược Cheng Yung-chi của Đại học Yale, Mỹ nói. "Bằng chứng sẽ xuất hiện và chúng ta sẽ biết được hiệu quả ra sao".
Hiện vẫn chưa có chứng cứ cụ thể về hiệu quả của An Cung Ngưu Hoàng Hoàn với virus corona mới. Các thầy thuốc đông y nói, liều lượng phù hợp có thể giúp làm giảm các triệu chứng như sưng phổi mà gây ra ít biến chứng hơn, còn giới phê bình lại bày tỏ sự lo ngại trước an toàn của bệnh nhân.
Chủ tịch Tập Cận Bình coi nền y học đông y Trung Quốc là một niềm tự hào quốc gia. Ông từng kêu gọi giới chức y tế nước này nhìn nhận tầm quan trọng của y học truyền thống ngang bằng với y học phương tây. Thậm chí Bắc Kinh còn muốn quảng bá đông y Trung Quốc thông qua các dự án trong sáng kiến "Vành đai, Con đường" mà Chủ tịch Tập khởi xướng.
Trong thời kỳ đại dịch SARS năm 2002-03, các bác sỹ phát hiện ra thuốc điều trị sưng phổi chứa steroid có một số tác dụng phụ như làm loãng xương… Họ cho rằng, đông y có thể giúp giảm bớt các phản ứng không mong muốn.
Hôm thứ tư (5/2), trong kế hoạch điều trị virus corona mới công bố, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc khuyến nghị sử dụng các phương thuốc truyền thống cùng với thuốc trị HIV như Lopinavir và Ritonavir. Ủy ban này cũng đề xuất An Cung Ngưu Hoàng Hoàn cho các triệu chứng nghiêm trọng bao gồm cả khó thở…
Thực tế, một số bệnh viện đã sử dụng kết hợp đông và tây y. Trong những tuần gần đây, Sở Y tế Bắc Kinh cho biết, hai bệnh nhân khỏi bệnh từng được điều trị bằng thuốc dân gian Trung Quốc và một số loại thuốc phương tây không nêu tên. Và tại Quảng Châu, giới chức y tế thông báo, 50 bệnh nhân đã hạ sốt và một nửa trong số đó ngừng ho sau khi sử dụng cả thuốc đông y và tây y.
Theo tiến sỹ Cheng từ Đại học Yale, các bác sỹ Vũ Hán cũng đang tiến hành các cuộc thử nghiệm hiệu quả của thuốc cổ truyền Trung Quốc trong điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona mới.
Còn Jiang Xianfeng bác sỹ đông y đến từ Bệnh viện Gia đình Thống nhất ở Bắc Kinh đánh giá, các loại thuốc truyền thống Trung Quốc an toàn, hiệu quả và dễ tìm. "Tây y không có câu trả lời tốt hơn trước loại virus này", ông Jiang nói. "Trong lịch sử hàng nghìn năm của chúng tôi, người Trung Quốc từng nhiều lần có kinh nghiệm về các bệnh dịch tương tự. Nếu y học truyền thống Trung Quốc không hiệu quả, người Trung Quốc đã bị triệt tiêu hết rồi".
Sau dịch SARS, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng nghiên cứu về tác dụng của đông y Trung Quốc và khẳng định, chúng an toàn đồng thời có tiềm năng làm giảm các triệu chứng như thở hắt và mệt mỏi. Trong khi các nhà nghiên cứu tại Mỹ và Đài Loan tìm ra được một số loại thảo dược có thể kiềm chế virus nếu được sử dụng đúng liều lượng; thì cũng có những ý kiến cho rằng, những kết luận đó là chưa đủ tính xác thực.
Mặc dù vậy, sự thiếu chắc chắn về mặt khoa học vẫn không ngăn cản được chính phủ Trung Quốc đưa thêm các phương thuốc truyền thống vào phác đồ điều trị phiên bản hai đối với virus corona mới. Theo chính quyền Vũ Hán, những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc không quá nghiêm trọng nên được điều trị bằng đông y.
Ông Zhu Mao, phát ngôn viên của một nhà máy sản xuất thuốc đông y tại Hồ Bắc tiết lộ, ông đang sản xuất 20.000 liều thuốc do chính phủ đặt hàng. Ngày 25/1, Hiệp hội Y học Truyền thống Nhà nước Trung Quốc cũng đã cử 25 đội điều dưỡng tới Vũ Hán.
Theo đông y, bệnh tật sản sinh từ sự thiếu cân bằng trong cơ thể con người và một số người có cấu tạo cơ thể "nóng" sẽ dễ bị cảm cúm và sưng viêm hơn. Các thầy thuốc đông y coi virus corona là loại bệnh "nóng", do đó phương thuốc nên được kê để "làm hết nóng".
Tuy nhiên, bà Laurie Garret, một thành viên của tổ tư vấn an ninh y tế thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới và từng theo dõi dịch bệnh SARS tại Trung Quốc cảnh báo, việc sử dụng thuốc dân gian để chữa trị virus corona mới có thể gây nguy hiểm bởi vì cách tiếp cận này vẫn chưa được các nhà nghiên cứu ủng hộ.
"Không có liều lượng rõ ràng", bà Garret chỉ ra. "Giống như là một đầu bếp ở trong bếp vậy".
Các bác sỹ Hong Kong cũng bày tỏ sự không tán thành. "Tôi không cố tình làm giảm giá trị cách điều trị của họ [chính quyền Đại lục], nhưng đó không phải là điều chúng tôi làm [ở Hong Kong]", Chủ tịch Hiệp hội Bác sỹ công Hong Kong Arisina Ma nói.
Trong khi đó, tại nhiều thành phố tại Trung Quốc, không ít người dân vẫn xếp hàng hàng giờ liền để mua Song Hoàng Liên – một loại siro thảo dược, sau khi một nghiên cứu tuyên bố, nó có hiệu quả trong việc phòng chống virus corona.
Ông Qin Xi, một quản lý hiệu thuốc ở Bắc Kinh nói, tại cửa hàng ông, một số loại thuốc đông y, bao gồm cả Song Hoàng Liên đã "cháy hàng". "Về việc liệu chúng có tác dụng hay không, ai mà biết được chứ?", ông nói.