• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tín hiệu bất ngờ từ Trung Quốc tới Nhật Bản: Không đủ sức lay chuyển thế trận?

Thế giới 21/08/2020 16:59

(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nhật Bản và Mỹ đang gia tăng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có động thái tiếp xúc với Nhật Bản, gửi khẩu trang, máy thở và các vật tư y tế khác.

Theo trang East Asia Forum, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng cải thiện dư luận nhằm đưa mối quan hệ song phương lên chỗ dựa vững chắc, phát động chiến dịch chính trị tập trung vào khẩu hiệu 'giúp đỡ láng giềng'.

Nhật Bản vẫn bất an

Cho đến nay, nỗ lực của Trung Quốc nhằm cải thiện hình ảnh của Nhật Bản tại nước này chưa thu được nhiều kết quả. Thay vào đó, chương trình nghị sự quốc gia của ông Tập Cận Bình về vấn đề chủ quyền đã làm suy yếu quan hệ song phương, cả về chính trị và kinh tế.

Căng thẳng vẫn tiếp tục gia tăng trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp. Vào tháng 6, Hội đồng thành phố Ishigaki, Nhật Bản đã thông qua dự luật đổi tên khu vực hành chính 'Tonoshiro', bao gồm các hòn đảo tranh chấp trên, thành 'Tonoshiro Senkaku'.

Tín hiệu bất ngờ từ Trung Quốc tới Nhật Bản: Không đủ sức lay chuyển thế trận? - Ảnh 1.

Những nỗ lực của Trung Quốc liệu có đủ để xoay chuyển lập trường của Nhật Bản trong quan hệ song phương. Ảnh: East Asia Forum.

Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh các hoạt động ở vùng biển tranh chấp này. Kể từ ngày 14/4, các tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc đã hoạt động hàng ngày trong khu vực tiếp giáp với nơi này, đánh dấu kỷ lục mới về số ngày liên tục hiện diện trong khu vực này.

Căng thẳng cũng đang gia tăng trên đảo Okinotori, nơi Nhật Bản tuyên bố là lãnh thổ cực nam của họ. Chính quyền Thủ tướng Abe đã đưa ra thông điệp phản đối sau khi các tàu Trung Quốc bị phát hiện đang tiến hành nghiên cứu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) gần hòn đảo này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì cho rằng Okinotori chỉ là các bãi đá, không phải là một hòn đảo nên không cấu thành vùng đặc quyền EEZ.

Các nhà lập pháp và hoạch định chính sách của Nhật Bản đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về môi trường an ninh đang xấu đi đối với Nhật Bản. Trong những năm gần đây, các máy bay chiến đấu và tàu sân bay của Trung Quốc thường xuyên đi qua eo biển Miyako ở phía nam Nhật Bản. Vào tháng 4, những lo ngại về an ninh đã tăng cao khi tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cùng 5 tàu khu trục và khinh hạm mang tên lửa dẫn đường đi qua eo biển này để đến Thái Bình Dương. Sách Trắng quốc phòng thường niên của Nhật Bản năm 2020, công bố vào tháng 7, đã nhấn mạnh rõ ràng "sự xuất hiện của các thách thức an ninh" trong một khu vực nơi tập trung "các cường quốc quân sự với chất lượng và số lượng cao".

Cảm giác bất an ngày càng tăng này đã dẫn đến nghị quyết kêu gọi hủy chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Nhật Bản của hai ủy ban quốc hội liên quan đến vấn đề đối ngoại trong Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Nghị quyết này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc của Trung Quốc ban hành luật an ninh quốc gia Hồng Kông.

Lan sang kinh tế và quốc phòng

Tổng thư ký LDP Toshihiro Nikai, một chính trị gia hàng đầu thân thiện với Trung Quốc, đã hối thúc các ủy ban trên từ bỏ nghị quyết hoặc thay đổi từ ngữ vì sợ rằng nó sẽ làm xấu đi mối quan hệ vốn đã mong manh. Nhưng nghị quyết đã được thông qua tại các ủy ban này và trình lên Chánh văn phòng Nội các. Mặc dù nghị quyết này chỉ mang tính biểu tượng, nhưng điều này cũng cho thấy nhiều chính trị gia ở Nhật Bản đang bắt đầu thách thức các hành động của Trung Quốc để bảo vệ lợi ích quốc gia và các giá trị dân chủ của Nhật Bản.

Các mối quan hệ kinh tế, vốn đã chông chênh trong bối cảnh căng thẳng chính trị, đang bắt đầu cho thấy sự bị ảnh hưởng. Trong nỗ lực khuyến khích các công ty Nhật Bản đa dạng hóa chuỗi giá trị toàn cầu và chuyển các cơ sở sản xuất của họ trở lại Nhật Bản hoặc Đông Nam Á, chính quyền Abe ngày 17/7 đã quyết định cấp trợ cấp cho 87 công ty. Hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mặc dù danh sách này bao gồm một số công ty lớn liên quan đến y tế và chất bán dẫn.

Đối mặt với các mối đe dọa an ninh ngày càng tăng từ Trung Quốc và Triều Tiên, Nhật Bản cũng ngày càng lo ngại về tính toàn vẹn trong cam kết của Hoa Kỳ đối với quốc phòng của Nhật Bản. Trong tình cảnh này, nhiều người ủng hộ cho rằng Nhật Bản cần tăng cường xây dựng quân đội và chuẩn bị sẵn sàng để đứng một mình, bước đầu tiên là bảo đảm được khả năng răn đe (về mặt quân sự-pv).

Mặc dù những điều này vẫn đang được thảo luận, những khả năng như vậy thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách an ninh lâu nay chỉ theo định hướng phòng thủ của Nhật Bản và có ý nghĩa quan trọng đối với cán cân quân sự ở Đông Bắc Á. Trong 70 năm qua, Nhật Bản được coi là 'lá chắn' và Hoa Kỳ là 'ngọn giáo'. Động thái này của chính quyền Abe có khả năng thay đổi bản chất của liên minh Nhật - Mỹ, Nhật Bản sẽ không còn là lá chắn nếu họ có được sức mạnh tấn công.

Các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Trung Quốc đã đưa Trung Quốc đến gần Nhật Bản hơn, trong khi sự lo lắng của Nhật Bản đối với quan hệ liên minh với Washington đã thúc đẩy Tokyo tăng cường khả năng quân sự của nước này và cân nhắc kỹ lưỡng lại các mối quan hệ với Trung Quốc.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ