(Tổ Quốc) - Taneti Maamau, người hồi tháng 9 năm ngoái tuyên bố quốc đảo Thái Bình Dương này chuyển sang quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, vẫn là Tổng Thống Kiribati.
Nhà lãnh đạo Kiribati hôm thứ Hai đã tái đắc cử sau khi có chiến dịch tranh cử nhắm vào mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc. Theo SCMP, điều này phủ mờ lên hi vọng của Đài Loan nối lại quan hệ ngoại giao với đảo quốc này sau khi họ chuyển sang ủng hộ Bắc Kinh.
Taneti Maamau, người đã tuyên bố động thái chuyển đổi quan hệ ngoại giao vào tháng 9 năm ngoái, đã giành được 26.053 phiếu bầu trong cuộc tranh cử tổng thống được theo dõi chặt chẽ, so với 17.866 phiếu bầu cho đối thủ Banuera Berina.
Berina, người đã lên tiếng quan ngại về việc bị loại khỏi các cuộc đàm phán bí mật giữa đảo quốc này với Trung Quốc trước khi động thái chuyển đổi quan hệ với Bắc Kinh được tuyên bố, đã bỏ ngỏ khả năng thiết lập lại quan hệ với Đài Loan, nơi Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ của họ và không có quyền thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tình hình đồng minh khó khăn cho Đài Loan
Đài Loan, cũng đã mất quan hệ với Quần đảo Solomon vào năm ngoái, chỉ còn lại 15 đồng minh ngoại giao, bốn trong số đó là các quốc đảo Thái Bình Dương. Cơ quan ngoại giao của hòn đảo này cho biết họ sẽ tiếp tục quan sát diễn biến tình hình ở Kiribati và hợp tác với các nước cùng chí hướng về an ninh, ổn định, tự do, cởi mở và quản trị dân chủ ở khu vực Thái Bình Dương".
Jonathan Pryke, giám đốc Chương trình Quần đảo Thái Bình Dương tại Viện Lowy ở Sydney, cho biết những lợi ích hứa hẹn về mối quan hệ với Bắc Kinh dường như đã giành được sự ủng hộ của các cử tri.
"Hình ảnh Trung Quốc đã lờ mờ hiện ra trong cuộc bầu cử này và Maamau rõ ràng có thông điệp mạnh mẽ hơn về cách ông ta thúc đẩy mối quan hệ mới này cùng với lợi ích kinh tế của Kiribati", ông Jonathan Pryke nói. "Ông ta giành lợi thế ở các khu vực đô thị với niềm hi vọng đối phó được tình trạng thất nghiệp của thanh niên, tăng dân số quá mức, tình trạng bệnh tật không lây nhiễm và vô số những thách thức khác. Bài kiểm tra bây giờ sẽ là cách Trung Quốc có thể đáp lại những kỳ vọng cao cả như vậy".
Giống như các quốc gia nhỏ khác ở Thái Bình Dương, Kiribati, với dân số khoảng 120.000 người, đã thu hút sự chú ý từ nhiều bên trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng ngày càng tăng ở khu vực giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ và Australia.
Theo một báo cáo của Viện Lowy năm 2019, Trung Quốc cam kết cho khu vực Thái Bình Dương vay trị giá 6 tỷ USD trong giai đoạn 2011-2018 - mặc dù phần lớn trong số này chưa được chi ra. Trong khi đó, Australia, nơi coi Thái Bình Dương là sân sau của mình, đã viện trợ 7,5 tỷ USD cho khu vực trong giai đoạn 2011-2017, cũng theo nhóm chuyên gia cố vấn này.
Do vị trí của nước này trong một vùng biển quan trọng chiến lược, có các tuyến vận chuyển chính và lượng tài nguyên hải sản khổng lồ, Kiribati từng là nơi đặt một trạm theo dõi không gian của Trung Quốc - hiện đang trong tình trạng hoạt động không rõ ràng. Washington đã dấy lên nghi ngờ về hoạt động tình báo về việc lắp đặt trạm này trước khi nó ngừng hoạt động vào năm 2003, khi Kiribati thiết lập quan hệ với Đài Loan.
Lợi ích gì khi có quan hệ với Trung Quốc?
Pinto Katia, một thành viên quốc hội thuộc Đảng Boutokaan Kiribati Moa của ông Berina, cho biết Maamau đã đưa ra một loạt các lời hứa phóng đại ngay trước cuộc bỏ phiếu - bao gồm cả trợ cấp thất nghiệp 34.50 USD - điều ông ấy tuyên bố sẽ được Trung Quốc tài trợ.
Họ đã đưa ra những điều vượt quá khả năng của mình, vì vậy không có lựa chọn nào khác ngoài tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ Trung Quốc, ông nói.
Katia cũng cáo buộc Bắc Kinh tìm cách thu hút cử tri trước cuộc bầu cử với việc quyên góp các bể chứa nước, nhà vệ sinh và thiết bị thể thao. Ông nói, sự tham gia của Đại sứ quán Trung Quốc tại Kiribati hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát. Họ đã quyên góp rất nhiều thứ trong suốt thời gian chiến dịch tranh cử diễn ra.
Maamau đã không trả lời yêu cầu bình luận được gửi đến tài khoản truyền thông xã hội cá nhân của ông.
Su Hao, giáo sư tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh, cho biết kết quả bầu cử là vì lợi ích quốc gia của Kiribati, và đã chứng minh giới hạn của Đài Loan trong việc tìm kiếm sự ủng hộ ngoại giao.
Không giống như Đài Loan, Trung Quốc phát triển mối quan hệ với Kiribati và thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế như giám sát vệ tinh, là lợi ích của cả Trung Quốc và Kiribati. Cả hai bên hợp tác vì lợi ích chung, ông nói.
Anna Powles, một giảng viên tại Đại học Massey, người thuộc Tập đoàn Tư vấn Thái Bình Dương cho chính phủ New Zealand, cho biết các đồng minh còn lại của Đài Loan sẽ theo dõi sát sao "việc chuyển quan hệ sang Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích hay sự gián đoạn ra sao. Thường có rất nhiều lời hứa được đưa ra mà không có sự tiếp nối sau đó", bà nói.
Shiu-Fung Jong, một nghị sĩ khác thuộc Đảng Boutokaan Kiribati Moa, cho biết sự hoài nghi về ý định của Bắc Kinh vẫn sẽ hiện hữu ở Kiribati, nơi bà ước tính khoảng 60% dân số vẫn nghiêng về Đài Loan.
Sự xuất hiện của Trung Quốc đã tạo ra chia rẽ trong người dân chúng tôi, bà nói. Họ đã nghe về những động thái và hoạt động cứng rắn của Trung Quốc trên toàn cầu.