• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tín hiệu của Mỹ tới WHO vấp làn sóng lên án dữ dội

Thế giới 16/04/2020 13:34

(Tổ Quốc) - Một ổ dịch ở bất cứ đâu cũng có thể là vấn đề cho khắp mọi nơi, các chuyên gia về đại dịch Covid-19 cho biết sau khi Tổng thống Mỹ chỉ trích và đòi cắt hỗ trợ cho Tổ chức Y tế thế giới.

Các chuyên gia cho biết, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump "tấn công" WHO và đòi giữ lại tiền viện trợ cho cơ quan này co thể khiến y tế toàn cầu và lợi ích của Mỹ gặp nguy hiểm giữa đại dịch virus corona.

Ông Trump đã buộc tội WHO "quản lý sai lầm một cách nghiêm trọng và che đậy sự lây lan của virus corona" và truyền bá "thông tin sai lệch" từ chính phủ Trung Quốc trong những ngày đầu của vụ dịch.

Không rõ ông Trump sẽ dừng viện trợ như thế nào vì biểu quyết ngân sách cần có sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ.

Khó khăn cho cuộc chiến chống dịch

Các chuyên gia y tế công cộng ở Mỹ và các quan chức ở một số quốc gia đã nhanh chóng lên án động thái này. Họ nói rằng điều này đã gây nguy hiểm cho an ninh y tế của Hoa Kỳ và gây bất lợi cho cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch Covid-19 khi chưa có vắc-xin.

"Chiến đấu với một đại dịch toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác quốc tế. Khi Sars-CoV-2 còn lây lan trong quần thể người không kể ở bất cứ đâu, thì nó còn đe dọa an ninh y tế ở khắp mọi nơi", Thomas Bollyky, giám đốc chương trình y tế toàn cầu tại tổ chức tham vấn Hội đồng đối ngoại phi lợi nhuận ở New York.

Tín hiệu của Mỹ tới WHO vấp làn sóng lên án dữ dội - Ảnh 1.

WHO đang nỗ lực hết sức trong cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu. Ảnh: EPA-EPE.

Hoa Kỳ là nước đóng góp tài chính lớn nhất cho WHO, các khoản thanh toán của họ chiếm khoảng 15% trong tổng số chi phí 6,2 tỷ USD của tổ chức này trong hai năm qua.

Bollyky và các chuyên gia khác đã chỉ ra tầm quan trọng của WHO là một nền tảng trung tâm để theo dõi và chia sẻ dữ liệu về Covid-19 và sự lây lan của nó. Họ cũng cho biết đây là nguồn chính về hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ cho các nước kém phát triển, để giúp họ kiểm soát căn bệnh này.

Làm suy yếu khả năng của WHO có thể ảnh hưởng đến không chỉ y tế toàn cầu, mà cả kế hoạch của Hoa Kỳ mở cửa lại nền kinh tế, Olga Jonas, một thành viên cao cấp tại Viện y tế toàn cầu Harvard và là cựu cố vấn kinh tế của Ngân hàng Thế giới cho biết.

Một ổ dịch bất cứ nơi nào cũng có thể là dịch bệnh ở khắp mọi nơi. Nước Mỹ có hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới, [doanh nhân] Hoa Kỳ bay khắp thế giới mọi lúc, vì vậy nếu [đi lại] không thể nối lại vì thông báo này, thì đó là một quyết định tốn kém về kinh tế, bà nói.

Mỹ "chĩa mũi dùi" vào Trung Quốc

Mặc dù các chuyên gia y tế công cộng thường hoan nghênh phản ứng của WHO đối với đại dịch, tổ chức này đã bị chỉ trích vì những phản ứng ban đầu khi trì hoãn nhiều quyết định như khi tuyên bố bệnh khẩn cấp quốc tế.

Ông Trump cáo buộc tổ chức này đã không "điều tra các báo cáo đáng tin cậy từ các nguồn tin ở Vũ Hán" để rồi góp phần lan truyền bệnh dịch và thiệt hại kinh tế.

Chỉ vài giờ trước khi ông Trump đưa ra tuyên bố trên, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa đã cáo buộc WHO giúp Bắc Kinh che đậy mối đe dọa từ virus corona. Họ kêu gọi WHO công bố các tài liệu nội bộ để hỗ trợ cho một cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ.

Jonas, người điều phối kế hoạch ứng phó với đại dịch tại Ngân hàng Thế giới, cho rằng việc Mỹ kỳ vọng WHO sẽ điều tra thông tin được các nước thành viên báo cáo lên là không thực tế.

"Điều đó là không có khả năng, họ không có tiền và không được ủy quyền, họ là một tổ chức liên chính phủ, và ở mọi nơi mà họ hoạt động, đều có sự cho phép và lời mời của chính phủ", bà ấy nói. "Họ không phải là CIA".

John Sawers, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Anh, MI 6, cũng bày tỏ lo ngại về động thái của Mỹ. Ông nói với BBC rằng về khả năng che giấu thông tin từ Trung Quốc thì Bắc Kinh - chứ không phải WHO - phải chịu trách nhiệm về điều đó.

Tỷ phú công nghệ Mỹ Bill Gates cũng cho biết quyết định của ông Trump là nguy hiểm.

Công việc [của WHO] đang làm chậm sự lây lan của Covid-19 và nếu công việc đó bị dừng lại thì không có tổ chức nào khác có thể thay thế, ông viết trong một tweet. "Thế giới cần WHO hơn bao giờ hết".

Quỹ Bill & Melinda Gates là một trong số các tổ chức từ thiện y tế hợp tác với Ủy ban châu Âu để tổ chức một hội nghị tập trung các nhà tài trợ đóng góp cho quá trình tạo ra và triển khai vắc-xin Covid-19.

Đầu năm nay, chính quyền Trump đã đề xuất cắt giảm sâu nguồn tài trợ cho WHO trong ngân sách năm tới của mình và một sự cắt giảm nữa hoặc không nhận được hỗ trợ từ Mỹ có thể đe dọa các hoạt động chống dịch Covid-19 của WHO theo nhiều cách khác nhau.

Giáo sư Sara Davies, chuyên gia về quản trị y tế toàn cầu và ngoại giao y tế tại Đại học Australia Griffith, cho biết WHO có thể phải cắt giảm các chương trình và tìm kiếm thêm viện trợ từ các nhà tài trợ.

"Hành động có tính toán chính trị này" - kết quả của sự cạnh tranh chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đối với quyền lực chính trị trong Liên Hợp Quốc - sẽ gây tổn hại cho tổ chức này nếu nó được thực hiện, bà cũng cho biết thêm.

Joseph Lewnard, trợ lý giáo sư dịch tễ học tại Đại học California Berkeley, cho biết ông sợ rằng những thất bại của Mỹ trong phản ứng với dịch bệnh, cùng với những hành động như trên, sẽ "tạo ra tổn hại không thể khắc phục được đối với vị thế của Hoa Kỳ là đối tác đáng tin cậy của cộng đồng toàn cầu và đơn giản là khiến chúng tôi không có chỗ ngồi tại bàn".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ