(Tổ Quốc) - Động thái mới nhất của Mỹ khi nói về cuộc tấn công hóa học Syria tiếp theo khiến nhiều siêu cường phản ứng mạnh.
Động thái mới nhất của Mỹ khi nói về cuộc tấn công hóa học Syria tiếp theo khiến nhiều siêu cường phản ứng mạnh.
Mỹ ngày 27/6 cho biết họ đã theo dõi thấy các nhân viên trong ngành vũ khí hóa học Syria đến các cơ sở sản xuất hóa học, điều cho thấy chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đang chuẩn bị các cuộc không khích mới nhằm vào lực lượng nổi dậy ở phía bắc nước này.
Tướng Hải quân Adrian Rankine-Galloway, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, cho biết hoạt động trên được tập trung tại một khu vực thuộc căn cứ Shayrat. Nhà Trắng cuối ngày thứ Hai cũng đã cảnh báo rằng chính phủ của ông Assad sẽ phải trả giá đắt cho bất kỳ hoạt động nào như vậy - trong lần đầu tiên công khai nói rằng chính phủ Syria có khả năng tung ra các cuộc tấn công hóa học mới.
Trước đó, vụ phóng tên lửa Mỹ vào căn cứ Syria trong tháng 4 cũng đã dấy lên căng thẳng. (Nguồn: PA) |
Đồn đoán về vũ khí hóa học Syria
Sau một vụ tấn công bằng chất sarin năm 2013 ở ngoại ô Damascus giết chết gần 1.000 người – được cho là do chính quyền Syria thực hiện, Tổng thống Syria Assad đã được đề nghị giao lại kho vũ khí hóa học cho các thanh sát viên quốc tế.
Tuy nhiên, một quan chức châu Âu giấu tên cho biết, một kho dự trữ (hóa học) quan trọng còn tồn tại vẫn là "một trong những bí mật nghiêm trọng nhất được lưu giữ trong ngoại giao quốc tế".
Washington Post dẫn lời một nhà phân tích tình báo Mỹ ngày 27/6 cho biết các quan chức Hoa Kỳ đã và đang theo dõi các hoạt động của các nhân viên cao cấp thuộc đội "Branch 450" của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Syria (SSRC) trong những tuần gần đây khi những người này đã tiếp cận các cơ sở (từ lâu đã bị nghi ngờ) sản xuất vũ khí hóa học.
Những người đào tẩu từ quân đội Syria đã miêu tả Brand 450 như một đơn vị chế tạo và vận chuyển vũ khí hoá học tới các cơ sở triển khai chúng. Họ nói rằng đơn đặt hàng từ các cơ sở này thường xuất phát từ những người thân cận trong chính phủ Assad.
Ngày 26/6, hình ảnh vệ tinh cho thấy một chiếc máy bay Syria đã đậu gần một tòa nhà được cho là gắn liền với vũ khí hóa học ở Shayrat, theo một nhà phân tích giấu tên. Ali Haidar, Bộ trưởng hòa giải dân tộc Syria, phủ nhận rằng chính phủ nước này sở hữu vũ khí hóa học và cáo buộc Nhà Trắng đang tiến hành một cuộc chiến ngoại giao với Syria tại Liên Hợp Quốc.
Mỹ gửi tín hiệu đa chiều
Trước đó, các tên lửa hành trình Tomahawk của Hoa Kỳ đã tấn công căn cứ Shayrat vào ngày 7/4 - đánh dấu sự can thiệp quân sự đầu tiên của Mỹ nhằm vào lực lượng của Assad trong sáu năm xung đột. Động thái này diễn ra sau khi Mỹ cáo buộc lực lượng Syria sử dụng chất độc thần kinh sarin vào thị trấn Khan Sheikhoun, giết chết hàng loạt thường dân và khiến hàng trăm người thương vong.
Tại Washington ngày 27/6, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley, đã phát biểu trước Hạ viện Mỹ rằng tuyên bố bất thường của Nhà Trắng vào tối ngày 26/6 là một cảnh báo trực tiếp tới chính quyền Assad. "Rất cần để họ biết rằng chúng tôi sẽ không cho họ giết hại đàn ông, phụ nữ và trẻ em."
Bà Haley cũng cho biết động thái này của Mỹ còn nhằm gửi tín hiệu đến Nga và Iran. "Tôi tin rằng mục tiêu (của hành động này) không chỉ là gửi thông điệp cho Assad, mà còn cả tới Nga và Iran rằng nếu điều này xảy ra lần nữa, chúng tôi sẽ đặt các nước này vào diện lưu ý".
Khi được hỏi liệu sự quan tâm tới việc chính quyền Assad được cho là đang nhắm mục tiêu vào dân thường là một sứ mệnh mở rộng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria và Iraq, bà Haley trả lời: "Tôi không nghĩ chúng ta phải chọn cái này hay cái kia".
"ISIS luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, nhưng tôi nghĩ chúng ta nên thực tế về những nguy hiểm của Assad", bà nói. ISIS là một tên khác của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc Jeff Davis cũng cho biết tuyên bố của Nhà Trắng đã được công bố vào tối thứ Hai là một phần của "chuyến tàu nhanh". Chính phủ muốn đưa ra lời cảnh báo nhanh chóng sau khi có lo ngại rằng một chiếc máy bay tại Shayrat có thể đã được chất đầy vũ khí hoá học, ông nói. Sân bay ở đây vẫn đang được quan sát.
Căng thẳng phản ứng mạnh
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã sát cánh cùng Nhà Trắng khi tin tức về sự chuẩn bị cho vụ tấn công hóa học tại Syria được xuất hiện. Tại London, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nói rằng chính phủ nước này sẽ ủng hộ hành động quân sự của Mỹ nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học, mặc dù họ chưa phát hiện thông tin tình báo nào dựa trên những tuyên bố của Mỹ.
Văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho biết ông và Tổng thống Trump đã nhất trí trong một cuộc điện đàm ngày 27/6 rằng sẽ hợp tác cùng nhau trong một động thái đáp trả chung trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hóa học mới.
Nga, một đồng minh chính của ông Assad, đã bác bỏ cảnh báo của Mỹ - điều gia tăng thêm căng thẳng giữa Washington và Moscow về cuộc xung đột Syria.
Từ Moscow, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng Nga không có thông tin về cuộc tấn công hóa học sắp xảy ra và cảnh báo rằng bất kỳ hành động trả đũa nào chống lại chính quyền của ông Assad sẽ là "không thể chấp nhận được".
Ông Peskov nói hôm thứ Ba rằng, việc đưa ra kết luận cuối về Syria là đổ lỗi cho al-Assad mà không cần điều tra là một hoàn toàn sai lầm, bất hợp pháp và không thể chấp nhận được.
Các quan chức Nga nói rằng cuộc chiến Syria là vấn đề nghiêm trọng nhất trong sóng gió hiện nay giữa hai bên và cuộc không kích tháng 4 vừa rồi cũng đã gia tăng nguy cơ đối đầu.
(Theo Washington Post, Reuters)