• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tín hiệu gì từ liên lạc trực tiếp Tổng thống Mỹ - Nga giữa đại dịch

Thế giới 19/04/2020 08:59

(Tổ Quốc) - Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đã liên lạc với nhau nhiều hơn trong hai tuần qua, so với bất kỳ lúc nào kể từ năm 2016.

Theo CNN, động thái này diễn ra khi Điện Kremlin cố gắng tận dụng đại dịch virus corona và quan hệ cá nhân chặt chẽ giữa hai nhà lãnh đạo để bình thường hóa quan hệ song phương với Washington.

Hai nhà lãnh đạo đã điện đàm ít nhất bốn lần trong khoảng thời gian hai tuần qua, bắt đầu từ ngày 30/3 tới Chủ nhật tuần vừa rồi, một tốc độ kỷ lục về các cuộc điện đàm được biết đến công khai giữa hai bên, theo một thống kê của CNN.

Bản ghi chính thức các cuộc đối thoại của họ cho thấy các nhà lãnh đạo đã thảo luận về đại dịch virus corona và một cuộc chiến giá cả gây bất ổn thị trường dầu mỏ. Andrew Weiss, Phó chủ tịch nghiên cứu tại Việc Carnegie Endowment vì Hòa bình Quốc tế, cho biết, hàng loạt các cuộc điện đàm này theo sau chiến dịch của Điện Kremlin thúc đẩy sự hợp tác giữa Mỹ và Nga chống lại virus corona.

Các cuộc điện đàm đã diễn ra khi cả ông Trump và ông Putin đều phải đối mặt với những thách thức chính trị trong nước và tại thời điểm cả 2 nhà lãnh đạo tìm cách tăng cường uy tín. Tuy nhiên, các nhà phân tích như Weiss cảnh báo rằng cách tiếp cận của ông Putin có thể kéo theo rủi ro cho Mỹ.

Tín hiệu gì từ liên lạc trực tiếp Tổng thống Mỹ - Nga giữa đại dịch - Ảnh 1.

Ông Trump lâu nay luôn dành những lời lẽ tích cực cho ông Putin. Ảnh: AFP/Getty.

Moscow muốn phá giải thế khó với Washington

"Vươn tới Hoa Kỳ ... là một phần trong kế hoạch dài hạn của ông Putin, về cơ bản là làm giảm sức mạnh của Hoa Kỳ - ở vị thế là một người chơi quan trọng trong hệ thống toàn cầu, làm xói mòn các liên minh của chúng tôi, và sau đó tạo ra thêm căng thẳng kéo dài giữa Donald Trump và đội ngũ an ninh quốc gia của chính ông ta", Weiss nói với CNN. "Nga càng thành công trong việc đó, thì Nga càng ít phải chịu áp lực từ một đội ngũ phương Tây thống nhất."

Quan hệ Nga - Mỹ đã trở nên phức tạp kể từ khi ông Trump trở thành Tổng thống. Mặc dù mối quan hệ của ông với ông Putin dường như rất tốt đẹp, Washington đã áp đặt nhiều đòn trừng phạt vào Moscow về vấn đề Ukraine, cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, các hoạt động về an ninh mạng, vấn đề sử dụng vũ khí hóa học, phổ biến vũ khí, cáo buộc buôn bán bất hợp pháp với Triều Tiên hay sự hỗ trợ của nước này cho Syria và Venezuela.

Bên cạnh đó, căng thẳng song phương thỉnh thoảng vượt ra ngoài vấn đề chính trị.

Hôm thứ Tư, Hải quân Mỹ cho biết một máy bay phản lực Su-35 của Nga đã ngăn chặn "không an toàn" máy bay do thám P-8 của Mỹ khi đang bay trong không phận quốc tế trên Biển Địa Trung Hải, điều khiến phi công và phi hành đoàn Mỹ gặp nguy hiểm.

Cùng ngày, Nga đã thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh – điều lực lượng không gian Mỹ chỉ trích, cho rằng trước đó Moscow lên tiếng ủng hộ các đề xuất kiểm soát vũ khí ngoài vũ trụ để hạn chế khả năng của Mỹ trong khi rõ ràng không có ý định tạm dừng các chương trình vũ khí không gian của họ.

Căng thẳng này đã cản trở sự hợp tác trên một số mặt trận, bao gồm vấn đề công dân Mỹ bị người Nga bắt giữ và và việc gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn sót lại giữa 2 bên New START – sẽ hết hạn vào tháng 2/2021.

Hôm thứ Sáu, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói với Ngoại trưởng Nga Lavrov rằng bất kỳ sự tín hiệu mới nào của New START sẽ phải bao gồm cả Trung Quốc – điều được cho là 1 cách để phá vỡ thỏa thuận và đổ lỗi cho Bắc Kinh. Trung Quốc có kho vũ khí hạt nhân nhỏ hơn nhiều so với Mỹ hoặc Nga và không có động cơ ký kết hiệp ước hạn chế kho vũ khí của mình ở mức thấp hơn nhiều so với các đối thủ địa chính trị này.

Trong khi đó, Quốc hội Mỹ hiện đã sẵn sàng các biện pháp trừng phạt nhiều hơn nhằm vào Nga, bao gồm một dự luật nhắm vào ngành dầu mỏ của Nga và các đạo luật khác nhằm trừng phạt sự can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm nay và cả trong tương lai.

Lập trường đặc biệt của ông Trump về Nga

Một điều đáng chú ý là lập trường của ông Trump đối với Moscow ít thù địch hơn nhiều so với Quốc hội và một số thành viên trong chính quyền của ông.

Ông Putin "về cơ bản đã cho phần còn lại của chính phủ Mỹ thấy rằng quan điểm của họ về Nga không quan trọng, rằng ông có quyền tiếp cận trực tiếp tới Tổng thống Mỹ", theo Angela Stent, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á-Âu, Nga và Đông Âu của Đại học Georgetown. Bà cũng nói rằng mối liên hệ của ông Putin và ông Trump phản ánh một tính chất vững chắc. Stent và các nhà phân tích khác nói rằng ông Trump và ông Putin thường gây sức ép lên các quan chức Mỹ khi họ gặp nhau hoặc có các cuộc thảo luận.

"Rõ ràng như chúng ta đã thấy, ông Trump và ông Putin đã gặp gỡ và thảo luận mọi thứ cùng nhau, khi những người khác không hiện diện trong bức tranh này", Stent nói, đề cập tới hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của hai nhà lãnh đạo ở Hamburg, nơi quan chức hàng đầu về Nga tại Nhà Trắng Fiona Hill không được mời tham dự cuộc họp theo thông lệ.

Matt Rojansky, giám đốc Viện Kennan tại Trung tâm Wilson, chỉ ra rằng điều này có thể được thúc đẩy từ sự mất lòng tin của ông Trump đối với bộ máy làm việc của Mỹ.

Đề cập đến cuộc điều tra hình sự về việc ông Trump hoặc các cộng sự trong chiến dịch tranh cử có liên kết gì với Điện Kremlin để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 hay không, chuyên gia Rojansky nói, "chúng tôi có một Tổng thống không tin tưởng vào chính quyền của mình sau khi có những trải nghiệm về Russiagate (báo cáo của Muller) và điều tra luận tội. Điều đó, hơn tất cả những điều khác, "đang ảnh hưởng đến cách hai nhà lãnh đạo tương tác, ông nói.

Trong bối cảnh hiện tại, chuyên gia Stent nói rằng tính toán của ông Putin trong việc tiếp cận ông Trump có thể là "nếu Nga được Mỹ coi là một người chơi chính và mối quan hệ được cải thiện, có lẽ điều đó sẽ giúp ông ấy".

Còn Rojansky cho biết Kremlin "dĩ nhiên" tận dụng virus và kêu gọi hợp tác để phục vụ mục tiêu bình thường hóa quan hệ. "Nhưng điều đó không có nghĩa là hợp tác quốc tế trong bối cảnh đại dịch này là sai trái", ông nói thêm. "Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ và Nga có thể giúp đỡ lẫn nhau, nếu không phải bây giờ, chắc chắn là ngay sau điều này", ông nói.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ