• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tín hiệu mới cho quan hệ hai nước trong chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản đến Mỹ

Thế giới 04/04/2024 16:59

(Tổ Quốc) - Theo dự kiến, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ hội đàm với Thủ tướng Kishida vào ngày 10/4 tới và đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản đến Mỹ với tư cách khách mời cấp nhà nước kể từ 2015.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật Bản-Philippines là dịp để các nhà lãnh đạo thúc đẩy quan hệ đối tác ba bên, được xây dựng trên cơ sở các mối quan hệ kinh tế, lịch sử, đồng thời cam kết chia sẻ tầm nhìn chung về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Tín hiệu mới cho quan hệ hai nước trong chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản đến Mỹ - Ảnh 1.

Lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Philippines sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh tại Mỹ vào tháng 4. (Ảnh: Reuters)

"Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ công bố một thỏa thuận lịch sử vào tuần tới nhằm nâng cấp mối quan hệ an ninh giữa hai nước", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell cho biết hôm 3/4.

Ngoài các thỏa thuận sẽ tăng cường an ninh song phương, trong thời gian nhà lãnh đạo Nhật Bản ở Washington vào tuần tới, hai nhà lãnh đạo cũng sẽ công bố "cam kết ba bên chưa từng có" với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jnr.

"Những gì bạn sẽ thấy vào tuần tới, vừa là đỉnh điểm của một giai đoạn hoạt động căng thẳng gần đây, vừa là khởi đầu một giai đoạn thực sự, nhấn mạnh rằng mối quan hệ Mỹ-Nhật đang bước vào một giai đoạn mới về cơ bản sẽ mang lại những khả năng mới để phát huy… [và] trách nhiệm rõ ràng về cách hai nước tham gia", ông Campbell nói trong một cuộc thảo luận tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, một tổ chức tư vấn.

Hội nghị thượng đỉnh của Tổng thống Biden với Thủ tướng Kishida và Tổng thống Marcos sẽ là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên đối với ba nước Mỹ - Nhật Bản – Philippines.

"Tôi muốn nhắc đến các cam kết của cả ba quốc gia liên quan, nhấn mạnh sự phối hợp và tham gia chặt chẽ hơn nhằm giải quyết các vấn đề trước mắt", ông Campbell nói thêm.

Tổng thống Biden sẽ đón tiếp Thủ tướng Kishida trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ vào ngày 10/4. Khi thông báo về chuyến thăm vào tháng 1, phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về "những nỗ lực tăng cường quan hệ chính trị, an ninh, kinh tế và giao lưu nhân dân" nhằm cải thiện an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trước đó, Nhà Trắng cho biết hai bên đã thảo luận "các bước tiếp theo nhằm hoàn tất những công việc chuẩn bị quan trọng" cho chuyến thăm của Thủ tướng Kishida và tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hợp tác, trong đó liên minh Mỹ-Nhật được coi là "nền tảng cho hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương."

Những vấn đề quan tâm

Bên cạnh cơ chế hợp tác Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc, Washington còn giữ vai trò lớn trong một số cơ chế hợp tác khác, như Nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia), AUKUS (Mỹ-Anh-Australia) hay khuôn khổ hợp tác ba bên Nhật Bản-Mỹ-Australia cũng đang được củng cố.

Đánh chú ý, khi nhắc đến liên minh ba bên AUKUS và các mối quan hệ an ninh khác mà Washington tham gia trên toàn cầu, ông Campbell cũng cho biết quân đội Mỹ cũng sẽ thúc đẩy hợp tác sản xuất vũ khí với các đồng minh trong thời gian tới.

"Bối cảnh ngày càng đòi hỏi Mỹ phải hợp tác với các đồng minh và các đối tác đáng tin cậy, ngay cả trên những loại vũ khí tinh vi nhất sẽ ngày càng trở thành một phần trong kho vũ khí tổng hợp của chúng ta", ông Avril Haines, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ, đưa ra cảnh báo tương tự trong phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện vào tháng trước.

Về phía AUKUS, ông Campbell đưa ra khả năng liên minh đang xem xét việc đưa các quốc gia khác tham gia ít nhất một phần vào cam kết. Ra mắt vào tháng 9/2021 với các mốc thời gian cụ thể được làm rõ cách đây một năm, AUKUS có hai mục tiêu chính và Thứ trưởng Campbell gọi đó là "trụ cột".

Lời hứa sẽ trang bị cho Úc các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, trụ cột đầu tiên là thông qua việc giao hàng trực tiếp từ Mỹ và sau đó là sản xuất tại Úc bằng công nghệ cùng phát triển.

"Trụ cột hai" của AUKUS mở đường cho sự chia sẻ chưa từng có giữa ba bên về các công nghệ tiên tiến bao gồm lượng tử, AI và quyền tự chủ, siêu âm và phản siêu âm, chiến tranh điện tử, chiến tranh dưới biển và mạng.

Thứ trưởng Ngoại giao Campbell hôm 2/4 đã đề nghị các đồng minh khác của Mỹ có thể tham gia vào trụ cột thứ hai, mặc dù vẫn chưa rõ điều đó sẽ được chính thức hóa như thế nào. Ông cho biết thêm thông tin chi tiết về vấn đề này sẽ được công bố và có thể nhắc đến trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Kishida vào tuần tới và những thông tin khác tiếp tục trao đổi khi ba người đứng đầu quốc phòng AUKUS gặp nhau vào cuối năm nay.

Giới quan sát nhận định, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật Bản-Philippines sắp diễn ra tiếp tục khẳng định cam kết của Mỹ với các đối tác và đồng minh trong khu vực. Tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chính quyền Tổng thống Mỹ đã thiết lập khuôn khổ hợp tác với một số quốc gia đồng minh, tập trung vào các lĩnh vực an ninh hàng hải, kinh tế, ứng phó tấn công mạng và nhiều thách thức khác./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ