(Tổ Quốc) - Mỹ vừa thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia Nam Thái Bình Dương là Quần đảo Cook và Niue, trong bối cảnh Washington đang nỗ lực gia tăng vị thế trong khu vực, theo nhận định của Nikkei.
Mỹ đã công nhận Quần đảo Cook và Niue là các quốc gia "có chủ quyền và độc lập" đồng thời cam kết mở rộng quan hệ ngoại giao.
Loạt động thái xích lại gần
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken và Thủ tướng Niue Dalton Tagelagi trong cùng ngày đã ký một tuyên bố chung tuyên bố thiết lập quan hệ chính thức. Sự kiện tương tự cũng đã diễn ra giữa Ngoại trưởng Antony Blinken và Thủ tướng Quần đảo Cook Mark Brown.
"Việc Mỹ công nhận Quần đảo Cook và việc thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ không chỉ củng cố mối quan hệ giữa hai quốc gia chúng ta mà còn giúp đảm bảo rằng tương lai chung an toàn hơn, thịnh vượng hơn và tự do hơn cho người dân của chúng ta và mọi người khắp nơi trên thế giới", tuyên bố hôm thứ Hai của ông Biden cho biết.
Những động thái trên diễn ra khi ông Biden khởi động hội nghị thượng đỉnh Quần đảo Thái Bình Dương kéo dài hai ngày tại Nhà Trắng. Theo đó, ông cam kết sẽ làm việc với Quốc hội để cung cấp hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho khu vực này.
Ông Biden phát biểu trước các nhà lãnh đạo và đại diện từ 18 bên tham gia thượng đỉnh: "Mỹ cam kết đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở, thịnh vượng và an toàn. Chúng tôi cam kết hợp tác với tất cả các quốc gia để đạt được mục tiêu đó."
Trong bối cảnh mực nước biển dâng cao gây ra mối đe dọa đặc biệt cho các quốc đảo Thái Bình Dương, ông Biden cũng công bố kế hoạch tăng cường hỗ trợ về vấn đề khí hậu, khẳng định rằng "sự tăng trưởng mạnh mẽ có nền tảng từ cơ sở hạ tầng vững mạnh".
Ngoài ra, một tàu Cảnh sát biển Mỹ sẽ lần đầu tiên tham gia vào các cuộc tập trận nhằm tăng cường giám sát hoạt động đánh bắt cá và giao dịch hàng hải bất hợp pháp trong khu vực.
Một quan chức chính quyền Mỹ cấp cao thông tin với báo chí: "Con tàu này "sẵn sàng rời Mỹ chỉ sau vài tuần để đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi con tàu sẽ luân chuyển qua các quần đảo Thái Bình Dương".
Quan chức này cũng cho biết, thông qua tham gia huấn luyện trên tàu, Mỹ và người dân các đảo Thái Bình Dương "có thể cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ - cho dù đó là ứng phó với việc đánh bắt trái phép hay ứng phó với các hiện tượng khí hậu, thiên tai hay thực thi luật pháp trên biển".
Tầm quan trọng ngày càng tăng của các quốc đảo Thái Bình Dương
Diễn đàn bao gồm Australia, Quần đảo Cook, Micronesia, Fiji, Polynesia, Kiribati, Nauru, New Caledonia, New Zealand, Niue, Palau, Papua New Guinea, Quần đảo Marshall, Samoa, Quần đảo Solomon, Tonga, Tuvalu, và Vanuatu.
Trong số 18 bên tham gia hội nghị thượng đỉnh Quần đảo Thái Bình Dương, Quần đảo Solomon và Vanuatu đã cử đại diện thay thế lãnh đạo cấp cao.
Người phát ngôn của văn phòng thủ tướng Quần đảo Solomon thông tin với Nikkei trước đó vào thứ Hai: "Bộ trưởng Ngoại giao Quần đảo Solomon Jeremiah Manele sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Quần đảo Biden-Thái Bình Dương. Thủ tướng Sogavare không thể tham dự do có những công việc khẩn cấp khác ở trong nước".
Ông Sogavare có tham gia hội nghị thượng đỉnh Quần đảo Thái Bình Dương vào năm ngoái, cùng với các nhà lãnh đạo từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Cuộc họp đó đã đưa ra tuyên bố chung về quan hệ đối tác Mỹ-Thái Bình Dương, bao gồm các cam kết hợp tác chặt chẽ hơn trong cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu và các lĩnh vực khác.
Trong quan hệ với các cường quốc, Quần đảo Solomon vào năm 2019 đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc và vào năm 2022, hai bên tiến tới ký một thỏa thuận an ninh. Các sự kiện này đã dấy lên lo ngại ở Washington và các nơi khác về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các quốc đảo Thái Bình Dương.
Cũng không tham dự hội nghị thượng đỉnh tuần này có Thủ tướng Vanuatu Sato Kilman. Ông Kilman được cho là đang ưu tiên các vấn đề trong nước khi ông mới nhậm chức vào đầu tháng này.
Hội nghị thượng đỉnh năm nay là "cơ hội để Tổng thống (Biden) tăng cường quan hệ với Quần đảo Thái Bình Dương và thảo luận cách chúng ta giải quyết các thách thức toàn cầu phức tạp như mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển bền vững", Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết trong cuộc họp báo hôm Chủ nhật.
Mỹ trong những năm gần đây liên tục có các động thái gia tăng quan hệ với khu vực này. Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power tháng trước đã tới Fiji để thành lập một phái đoàn mới của USAID nhằm quản lý các chương trình hỗ trợ tại 9 quốc đảo Thái Bình Dương: Fiji, Kiribati, Nauru, Samoa, Tonga, Tuvalu, Quần đảo Marshall, Micronesia và Palau. Mỹ năm nay đã mở đại sứ quán tại Quần đảo Solomon và Tonga, đồng thời đang chuẩn bị mở đại sứ quán tại Vanuatu vào đầu năm tới.