(Tổ Quốc) - Theo CNN, bầu cử Mỹ 2020 sắp diễn ra và cho dù nhiệm kỳ mới dành cho Tổng thống Trump hay cựu phó Tổng thống Biden thì đều được đánh giá cao nếu quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cải thiện.
Thực tế, trong một nhiệm kỳ mới, chính sách ngoại giao luôn là vấn đề trăn trở đối với bất kỳ tân Tổng thống Mỹ nào. Theo CNN, trong một kỷ nguyên mới, sẽ không còn các chiến lược can thiệp vào Afghanistan hay Iraq nữa mà thay vào đó Mỹ phải tìm cách đối phó với trật tự thế giới đa cực mới khi Washington không còn là siêu cường duy nhất nữa.
Giới quan sát cho rằng, trong thời gian tới, rất có thể Trung Quốc sẽ vươn lên giành vị trí là nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời quân đội nước này sẽ tiếp tục mở rộng và gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ đe dọa các lực lượng của Mỹ hoặc đồng minh tại một số điểm nóng. Các chuyên gia cũng đã cảnh báo về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, thậm chí tiềm năng xung đột mở hoặc có thể các cuộc chiến ủy nhiệm giữa hai cường quốc.
Trong nhiệm kỳ chính quyền Tổng thống Trump, Washington đã gây áp lực với Bắc Kinh xung quanh vấn đề thuế quan thương mại. Cho đến năm nay, Tổng thống Trump đã tiếp tục cáo buộc Trung Quốc xung quanh vấn đề dịch bệnh đồng thời đã có động thái đóng cửa lãnh sự quán ở cả Mỹ và Trung Quốc.
Về phần mình, Bắc Kinh sẽ tìm cách thiết lập lại quan hệ với Mỹ cho dù kết quả bầu cử diễn ra như thế nào. Trung Quốc từng lên tiếng không đánh giá cao về khả năng căng thẳng với Washington.
Ông Ryan Manuel, Giám đốc điều hành của Official China và là chuyên gia nghiên cứu giới lãnh đạo nói rằng Trung Quốc hiện tại đang chờ đợi sự bền vững và chỉ hành động tương ứng với những gì Mỹ làm. Khi cuộc bầu cử kết thúc thì nỗ lực thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ lại bắt đầu.
Hồi đầu tháng 10, ông Cui Tiankai – đại sứ Trung Quốc tại Washington khẳng định, "Bắc Kinh kiên quyết phản đối bất kỳ cuộc chiến tranh lạnh mới nào và chúng tôi cam kết mang lại sự phát triển lành mạnh và ổn định cho mối quan hệ Trung – Mỹ".
"Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang gặp khó khăn nghiêm trọng hiếm thấy trong 41 năm quan hệ ngoại giao. Điều này đã làm xói mòn nghiêm trọng lợi ích cơ bản của người dân Trung Quốc và Mỹ", ông Cui nói thêm.
Tuy nhiên, sự rạn nứt quan hệ không chỉ xuất phát từ phía Washington mà có thể là cả từ thái độ của Tổng thống Trump. Một phần, quan hệ rạn nứt là kết quả của chính sách đối ngoại gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ về kinh tế cũng như quân sự của Trung Quốc. Thêm vào đó, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra thiệt hại kinh tế sâu sắc cho Trung Quốc và thế giới.
Trung Quốc hiện đang thể hiện rất tốt về vai trò kinh tế khi từng bước hồi phục sau dịch bệnh mặc dù chiến tranh thương mại với Mỹ cũng như ảnh hưởng nhiều từ lệnh phong tỏa trong suốt dịch bệnh. Theo CNN, cách thức vận hành đất nước cũng như phát triển kinh tế của Trung Quốc liên tục được đánh giá cao khi đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường trong nhiều tháng qua sau dịch bệnh.
Thêm vào đó, quân đội Trung Quốc cũng gia tăng ảnh hưởng mở rộng trong những năm gần đây. Ngược lại, nhiều quân đội khu vực khác, không chỉ riêng Mỹ đã cho thấy nhiều hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh. Vào 13/10, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thị sát Thủy quân lục chiến quân đội Trung Quốc trong chuyến công du miền nam Trung Quốc, trong đó Chủ tịch Tập đã kêu gọi các đơn vị tập trung vào khả năng "sẵn sàng chiến đấu" cũng như "duy trì mức độ sẵn sàng cao".
"Không có khả năng thiết lập lại hoàn toàn quan hệ Mỹ-Trung giống như nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Obama bởi vì quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn đang bị ảnh hưởng", ông Jeff Moon – nhà phân tích đồng thời là cựu ngoại giao của Mỹ tại Trung Quốc cho biết.
Ông Nick Marro – chuyên gia Trung Quốc tại Đơn vị tính báo kinh tế (EIU), đồng thuận rằng nguyên do gây ra rạn nứt quan hệ xuất phát từ cả hai quốc gia.
"Trung Quốc đang cố gắng duy trì quan hệ hai nước để không khiến cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn nhưng lại không hề tạo tiền đề cho mối quan hệ trở nên tốt đẹp. Rất nhiều mâu thuẫn song phương hiện nay vượt ra ngoài giới hạn đơn thuần là thương mại", ông Nick Marro khẳng định.
Giới quan sát cho rằng nếu cựu phó Tổng thống Biden giành chiến thắng trong bầu cử Mỹ giống như các khảo sát gợi ý thì ông Biden khả năng sẽ theo đuổi chính sách ít tạo áp lực hơn với Trung Quốc, ngay cả khi về cơ bản, ông vẫn thể hiện sự nghi ngờ đối với Bắc Kinh trong một số lĩnh vực giống như cách Tổng thống Trump thể hiện.
"Cựu phó Tổng thống Biden sẽ tiếp tục các hoạt động truyền thống và có cân nhắc hơn khi đưa ra các chính sách về quan hệ Mỹ-Trung", ông Moon nói.
Tuy nhiên, theo ông Moon, các vấn đề mâu thuẫn bên trong vẫn chưa thể giải quyết. Sau thập kỷ đối thoại Mỹ và Trung Quốc và hợp tác song phương, Trung Quốc vẫn chưa thể hiện ra nhiều thay đổi trong chính sách nhằm cải thiện quan hệ với Mỹ.
Chuyên gia Manuel cũng cho rằng quá trình thiết lập lại khó xảy ra cho dù kết quả bầu cử Mỹ có ra sao.
"Sự khác biệt mang tính chiến lược nhiều hơn. Ông Biden sẽ thúc đẩy sử dụng nhiều hơn chính sách công nghiệp trong nước trong các lĩnh vực mà Mỹ đang căng thẳng với Trung Quốc và giúp đồng minh có cơ hội sử dụng nhiều hơn", ông Manuel khẳng định.
Mặt khác, giả định về khả năng Tổng thống Trump tái đắc cử có thể tiếp tục cho rằng ông Trump có thể không bị rằng buộc về chính trị trong nhiệm kỳ hai nhưng các áp lực của Mỹ với Trung Quốc vẫn tiếp tục và thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Tất nhiên, giới chuyên gia nhấn mạnh nếu điều đó tiếp tục diễn ra thì sẽ khiến kinh tế Mỹ và Trung Quốc tiếp tục phải trả giá, chưa kể đến bất kỳ căng thẳng thương mại cũng có thể làm trật bánh sự hồi phục kinh tế toàn cầu mà chúng ta có thể phải chứng kiến trong các năm tới.
Theo CNN, cho dù ai chiến thắng bầu cử Mỹ 2020 thì Bắc Kinh cũng đều có xu hướng mong muốn ổn định hơn tất cả, tuy nhiên các mối quan hệ căng thẳng trong suốt 4 năm qua sẽ khiến khả năng này trở nên khó thực hiện.