• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tín hiệu tích cực từ tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 tại châu Á

Thế giới 22/11/2021 19:57

(Tổ Quốc) - Dù khởi động quá trình tiêm chủng chậm chạp nhưng tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở một số nước châu Á đang tăng vọt.

Khi Campuchia bắt đầu quá trình tiêm chủng ngừa virus corona, rất đông người dân tham gia hưởng ứng chiến dịch này. Trên nhiều con phố, những hàng dài người dân xếp hàng chờ đến lượt tiêm chủng. Tuy nhiên, sau ba tháng thực hiện chiến dịch, chỉ 11% dân số được tiêm ít nhất một liều. Ở Nhật Bản, một quốc gia giàu có hơn, họ mất tới 3,5 tháng để đạt được tỷ lệ này.

Nhưng giờ đây, cả hai quốc gia này đều tự hào về tỷ lệ tiêm chủng được xếp vào hàng tốt nhất thế giới. Đây là hai trong số nhiều quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khởi đầu tiêm chủng chậm chạp nhưng sau đó đã vượt qua Mỹ và nhiều quốc gia ở châu Âu.

"Thức tỉnh" trước nguy cơ lây lan nghiêm trọng trên thế giới

Theo hãng tin AP, các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao ở châu Á đều từng có kinh nghiệm phòng chống nhiều căn bệnh truyền nhiễm, như SARS, và đều các chương trình mua sắm vaccine lớn. Nhiều nước thậm chí còn đặt hàng từ nhiều nhà sản xuất.

Dù khu vực châu Á phần lớn bắt đầu chương trình tiêm vaccine tương đối muộn do tỷ lệ lây nhiễm thấp, một số vấn đề về nguồn cung ban đầu và các yếu tố khác, nhưng số lượng ca tử vong cao ở Mỹ, Anh và Ấn Độ đã khiến các nước châu Á dần thay đổi cách nhìn.

Tín hiệu tích cực từ tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 tại châu Á - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng chờ đến lượt tiêm vaccine Pfizer tại Subang Jaya, Malaysia ngày 24/7 vừa qua. Ảnh: AP.

"Tôi cũng lo lắng về vaccine nhưng hiện tại chúng tôi đang sống dưới mối đe dọa của Covid-19 nên không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiêm chủng", Rath Sreymom, một người dân tại Campuchia, chia sẻ.

Campuchia là một trong những quốc gia trong khu vực châu Á bắt đầu chương trình tiêm chủng sớm nhất với đợt khởi động vào ngày 10/2, hai tháng sau khi Mỹ và Anh bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine. Cũng như nhiều nơi khác trong khu vực, việc triển khai tiêm diễn ra khá chậm và cho tới đầu tháng 5, khi biến thể Delta bắt đầu lan truyền nhanh chóng, chỉ 11% trong số 16 triệu người dân Campuchia được tiêm ít nhất một mũi, theo dữ liệu từ Our World in Data. Tỷ lệ này chỉ bằng một nửa so với Mỹ và một phần ba của Vương quốc Anh trong cùng khung thời gian.

Hiện tại, có 78% người dân Campuchia được tiêm chủng đầy đủ, so với 58% ở Mỹ. Nước này đang triển khai các mũi tiêm nhắc lại và xem xét mở rộng chương trình tiêm chủng cho trẻ 3 và 4 tuổi.

Thủ tướng Hun Sen đã tận dụng mối quan hệ thân thiết với Bắc Kinh để mua gần 37 triệu liều vaccine từ Trung Quốc, một phần trong đó được chính phủ Trung Quốc viện trợ. Tuần trước, ông Hun Sen tuyên bố rằng "chiến thắng của chiến dịch tiêm chủng" Campuchia không thể xảy ra nếu không có họ (Trung Quốc-pv). Quốc gia này cũng nhận được các khoản hỗ trợ vaccine lớn từ Mỹ, Nhật Bản, Anh và từ chương trình phân phối vaccine quốc tế COVAX.

Thúc đẩy tiêm chủng trên diện rộng

Tuy nhiên, cần có thời gian để có đủ nguồn cung vaccine và nhiều quốc gia trong khu vực bắt đầu chương trình muộn hơn cũng đang gặp khó khăn để tìm nguồn cung. Điều này đặc biệt nghiêm trọng khi nhà sản xuất vaccine lớn của khu vực, Ấn Độ, đang đình chỉ xuất khẩu vaccine.

Một số quốc gia châu Á, như Malaysia, đã rất nỗ lực để đảm bảo có vaccine cho những nhóm khó tiếp cận nhất. Họ đã tranh thủ sự giúp đỡ của Hội Chữ thập đỏ để tiêm vaccine cho cả những người sống bất hợp pháp...

Giáo sư Sazaly Abu Bakar, giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghiên cứu và Bệnh truyền nhiễm nhiệt đới thuộc Đại học Malaya (Malaysia) cho biết: "Chúng tôi giúp tạo điều kiện để vaccine có thể tiếp cận được với tất cả mọi người. Không cần hỏi bất cứ thông tin nào từ họ".

Tương tự, Campuchia và Nhật Bản, Malaysia cũng gặp khó khăn trong ba tháng tiêm chủng đầu tiên. Trong thời gian này, chưa đầy 5% trong số 33 triệu người dân được tiêm mũi đầu tiên, theo dữ liệu của Our World in Data. Nhưng khi các ca bệnh tăng cao, Malaysia đã mua nhiều vaccine hơn và thành lập hàng trăm trung tâm tiêm chủng, bao gồm các trung tâm lớn có khả năng cung cấp tới 10.000 mũi tiêm mỗi ngày. Cả nước hiện có 76% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Cho đến nay, có khoảng 10 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tiêm chủng cho hơn 70% dân số, bao gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản và Bhutan. Ở Singapore, 92% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Tuy nhiên, một số quốc gia ở châu Á vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Ấn Độ đã đánh dấu sự kiện triển khai liều vaccine thứ một tỷ vào tháng 10. Tuy nhiên, với dân số gần 1,4 tỷ người, thì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ mới chỉ là 29%. Còn Indonesia bắt đầu tiêm chủng sớm hơn nhiều quốc gia nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn khi triển khai tiêm vaccine tới hàng nghìn hòn đảo.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ