(Tổ Quốc) -Mỹ đang thể hiện lập trường cứng rắn khi tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên chưa đạt được nhiều tín hiệu tích cực.
Việc tái đưa các cuộc tập trận quân sự Mỹ - Hàn Quốc vào nội dung đối thoại và hủy bỏ một chuyến thăm cấp cao tới Bình Nhưỡng đã cho thấy Washington đang thể hiện lập trường cứng rắn khi đàm phán với Triều Tiên.
Các cuộc thảo luận giữa hai bên đã gia tăng sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử vào tháng 6 giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore - nơi hai bên cam kết sẽ hướng tới việc "phi hạt nhân hoàn toàn bán đảo Triều Tiên".
Tuy nhiên, cho đến nay, Bình Nhưỡng có rất ít bước đi cụ thể hướng tới mục tiêu đã nêu, theo AFP.
Tuần trước, ông Trump đã hủy chuyến đi được lên kế hoạch tới Triều Tiên của Ngoại trưởng Mike Pompeo, bởi vì ông nhận được một bức thư đầy căng thẳng từ Kim Yong Chol - Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên.
Và ngày 28/8, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis cho biết Lầu Năm Góc không có kế hoạch đình chỉ thêm bất kỳ cuộc tập trận quân sự nào trên bán đảo Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis tuyên bố Mỹ sẽ không đình chỉ thêm các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc. (Nguồn: AP) |
Ông Mattis nói với các phóng viên: "Chúng tôi đã thực hiện một số bước đi dừng tiến hành vài cuộc tập quân sự lớn nhất như một biện pháp tốt để mang lại lòng tin" và giờ "chúng tôi không có kế hoạch đình chỉ nữa."
Tuy nhiên, ông Pompeo cho biết Washington vẫn sẵn sàng hợp tác với Triều Tiên.
Nước tôi sẽ làm như vậy "khi rõ ràng là Chủ tịch Kim đã sẵn sàng để thực hiện các cam kết mà ông đã đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Singapore với Tổng thống Trump về việc hoàn toàn phi hạt nhân hóa Triều Tiên," theo tuyên bố được nữ phát ngôn của ông Pompeo đưa ra.
Các cuộc tập trận chung quy mô lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc, có tên Giải pháp then chốt/ Đại bàng non dự kiến sẽ diễn ra vào mùa xuân tới.
Trong khi Triều Tiên coi các cuộc tập trận trên là một "khiêu khích", thì Trung Quốc cũng tỏ ra không hành lòng với những động thái này. Ông Trump tuần trước đã chỉ trích Bắc Kinh, nói rằng nước này không giúp ích gì nhiều cho quá trình phi hạt nhân hóa.
Vipin Narang, một giáo sư nghiên cứu về an ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho biết những diễn biến gần đây là sự thừa nhận công khai đầu tiên rằng, ông Trump đang cảm thấy thất vọng với tốc độ đàm phán.